24/12/2024

Phái sinh có phải là ‘đạo, nhái’?

Thời gian qua, một số tác phẩm được ca sĩ tự nhận phái sinh hay được tòa phán là phái sinh đã gây tranh cãi trong dư luận lẫn người trong cuộc.

 

Phái sinh có phải là ‘đạo, nhái’?

Thời gian qua, một số tác phẩm được ca sĩ tự nhận phái sinh hay được tòa phán là phái sinh đã gây tranh cãi trong dư luận lẫn người trong cuộc.

 
 
 

Tinh hoa Bắc bộ dù được tòa tuyên là tác phẩm phái sinh nhưng vẫn còn gây tranh cãi /// Ảnh: BTC

Tinh hoa Bắc bộ dù được toà tuyên là tác phẩm phái sinh nhưng vẫn còn gây tranh cãi   Ảnh: BTC

 

 

Không dễ hiểu đúng “phái sinh”

Hai vụ việc liên quan đến khái niệm “phái sinh” trong lĩnh vực nghệ thuật gần đây được công chúng quan tâm là việc ca sĩ Bùi Lan Hương giới thiệu 2 bài hát Mưa hồng, Dư âm với phiên bản “phái sinh” (từ cô đặt bên dưới tên ca khúc khi đăng lên kênh YouTube của mình) và vở diễn Tinh hoa Bắc bộ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam được TAND TP.Hà Nội tuyên tại phiên sơ thẩm là tác phẩm phái sinh của vở Ngày xưa (còn gọi Thuở ấy xứ Đoài) của đạo diễn Việt Tú.
 
Hiện nay Bùi Lan Hương đã gỡ 2 bài hát trên khỏi kênh YouTube của mình sau khi bị dư luận phản ứng. Còn đạo diễn Hoàng Nhật Nam tiếp tục gửi đơn và kiên quyết theo vụ kiện để chứng minh Tinh hoa Bắc bộ là một tác phẩm hoàn toàn độc lập, không phái sinh, “đạo, nhái” từ tác phẩm khác. Trong khi đó, đạo diễn Việt Tú cho biết: “Trừ khi toà án và hội nghề nghiệp có phán quyết khác đi ở phiên phúc thẩm, còn hiện tại kết luận được đưa ra là không thể đảo ngược. Đấy là về luật, còn về nghệ thuật: một tác phẩm được làm lại dựa trên toàn bộ ý tưởng nền tảng, thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ và cả diễn viên đã được vở trước đào tạo thì không cần phải là người có nghề cũng có thể kết luận được”.
 
Tuy Bùi Lan Hương có chia sẻ rằng đó là cách làm chơi cho vui, mang tính chất thể nghiệm và sáng tạo, không mang tính thương mại, không có tính chất truyền thông tên tuổi; song theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, thì luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định người làm tác phẩm phái sinh không được phương hại đến quyền tác giả, tức là phải tôn trọng các quyền nhân thân. Anh cho biết, luật SHTT cũng quy định người làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc, trừ trường hợp ngoại lệ là chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị. Do đó, theo anh khi thể hiện lại ca khúc Mưa hồng, Bùi Lan Hương thay đổi, chỉnh sửa 2/3 ca từ so với bản gốc thì tác phẩm Mưa hồng này không phải là tác phẩm phái sinh, nếu như cô không xin phép tác giả và những người đang nắm giữ quyền tác giả.
 
Luật sư Tuấn cho biết thêm, hiện nay pháp luật quốc tế và pháp luật VN chưa có quy định nào về khái niệm “phái sinh trong lĩnh vực nghệ thuật”, mà chỉ có quy định tác phẩm phái sinh theo hướng liệt kê như luật SHTT năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật SHTT năm 2009. “Pháp luật hiện hành không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng. Chính vì thế, không thể tránh khỏi nhiều trường hợp “ý tưởng lớn gặp nhau” khi sáng tạo tác phẩm. Việc hai tác phẩm có cùng một ý tưởng nhưng cách thức thể hiện khác nhau là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập, không thể coi tác phẩm có sau là tác phẩm phái sinh của tác phẩm có trước. Như trường hợp Thuở ấy xứ Đoài và Tinh hoa Bắc bộ – cùng là kịch bản, vở diễn có nội dung diễn tả thực cảnh nhưng nghệ sĩ Nhật Nam và Việt Tú đều có cách thể hiện khác nhau”, luật sư Tuấn phân tích.

Cần tuân thủ quy định pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, Công ty luật Tầm nhìn và Liên danh, thì ở VN việc phái sinh tác phẩm nghệ thuật chưa được tôn trọng, do ý thức về tài sản trí tuệ chưa cao, chất xám không được đánh giá đúng, dẫn đến vô số các vụ xâm phạm bản quyền cả vô ý lẫn cố ý (làm phái sinh mà không xin phép được gọi là vi phạm bản quyền hay nói cách khác là “đạo, nhái”). Bà cho rằng các đơn vị hành pháp lâu nay cũng chưa có án lệ trong lĩnh vực này, khi tính pháp lý chưa đủ răn đe thì việc này vẫn diễn ra khắp các lĩnh vực sáng tạo, cả trong nghệ thuật lẫn công nghiệp.
 
Trong khi đó, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, tác phẩm phái sinh dù được quy định cụ thể trong luật SHTT nhưng trên thực tế, người ta dùng từ “phái sinh” không theo quy định của luật; khi thấy bất kỳ tác phẩm nào “hao hao” giống tác phẩm tồn tại trước thì họ gọi đó là “tác phẩm phái sinh”. Thực tế cũng cho thấy người ta sẵn sàng cover bất kể bài nhạc nào theo một phong cách khác, ngôn ngữ khác, thậm chí một nội dung khác hoàn toàn so với tác phẩm gốc của tác giả mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đơn cử như những bản cover bài hát Độ ta không độ nàng gây sốt cộng đồng mạng thời gian qua.
 
Để làm một tác phẩm phái sinh, luật sư Tuấn lưu ý một số điểm: phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; không làm phương hại tới quyền tác giả; tự sáng tạo tác phẩm phái sinh, không sao chép từ người khác; dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh. Anh cũng nhấn mạnh: “Để tránh phát sinh tranh chấp khi làm tác phẩm phái sinh thì quan trọng nhất là cần tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”.
 
Theo luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi nó không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc (được dùng để làm tác phẩm phái sinh). Theo điều 20 luật SHTT, làm tác phẩm phái sinh là quyền độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này có nghĩa là chỉ có chính tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện tác phẩm phái sinh.
Luật sư Lê Quang Vy (Công ty luật P&P)
 
 
 
NGUYÊN VÂN