Thư viện tư: thêm cảm hứng đọc cho xã hội
Hiện nhiều thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng do những người khuyết tật, những người nông dân chưa từng học qua trường lớp thực hiện đã lan tỏa rất lớn “cảm hứng đọc” cho xã hội. Nhưng sắp tới họ có thể gặp khó.
Thư viện tư: thêm cảm hứng đọc cho xã hội
Hiện nhiều thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng do những người khuyết tật, những người nông dân chưa từng học qua trường lớp thực hiện đã lan tỏa rất lớn “cảm hứng đọc” cho xã hội. Nhưng sắp tới họ có thể gặp khó.
Theo Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL), cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong đó có 47 thư viện đã được cấp chứng nhận hoạt động.
Người khuyết tật, nông dân “thắp lửa” đọc sách
Đỗ Hà Cừ (P.Trần Lãm, TP Thái Bình) bị liệt toàn thân do ảnh hưởng chất độc da cam. Em không được đi học nhưng nhờ ham học và sự giúp đỡ của gia đình, Hà Cừ vẫn biết đọc và rất ham đọc sách, em cũng biết sử dụng máy vi tính.
Bởi ham đọc nhưng sống ở nông thôn không có nhiều sách vở để đọc, Hà Cừ ngỏ ý xin sách trên Facebook để đọc. Từ đây, bạn gặp gỡ được chương trình Sách hóa nông thôn.
Giữa năm 2017, không gian đọc Hi vọng của Đỗ Hà Cừ ra đời, với 300 cuốn sách vốn là những đầu sách tự có của gia đình. Hiện thư viện của Hà Cừ có khoảng 4.000 đầu sách, phục vụ khoảng 600 người thường xuyên mượn sách đọc.
Không gian đọc Hi vọng của Hà Cừ đã khơi nguồn cảm hứng cũng như trực tiếp giúp đỡ để ra đời thêm 3 không gian đọc do người khuyết tật sáng lập. Đó là không gian đọc Niềm tin của chị Nguyễn Lan Hương ở xã Động Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; không gian đọc Ước mơ của chị Trần Thị Mượt (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, Thái Bình); không gian đọc Ánh sáng của chị Đoàn Thị Lánh (xã An Thái, huyện An Lão, TP Hải Phòng).
Anh Nguyễn Quang Thạch – người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn VN – chia sẻ thêm tủ sách Hà Duyên Đạt (xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) từ khi được thành lập năm 2012 thì ở miền quê nghèo Xuân Lai, các em nhỏ có chỗ vui chơi, học tập sau mỗi giờ tan học; người dân có một nơi để đọc sách… Đến nay, thư viện có trên 500 bạn đọc ở mọi lứa tuổi được cấp thẻ thường xuyên.
Đòi hỏi chuẩn hóa
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà – vụ trưởng Vụ Thư viện, Luật thư viện đã được trình lên Quốc hội tại phiên họp thứ 34 với những thay đổi lớn theo hướng rất thông thoáng về điều kiện thành lập thư viện tư nhân như các thư viện này không cần phải đăng ký hoạt động như dự thảo trước đây, chỉ cần gửi thông báo hoạt động tới UBND xã, phường.
Tuy nhiên, theo báo cáo đề dẫn hội nghị tổng kết hoạt động thư viện tư nhân mới đây của Vụ Thư viện, điều 8 của dự thảo Luật thư viện, dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều thi hành Luật thư viện quy định về điều kiện thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong đó một số quy định có thể gây nản lòng như:
– Vốn tài liệu ban đầu là 1.000 bản sách trở lên.
– Người làm trong thư viện phải tốt nghiệp THPT trở lên, đã tham gia tập huấn hoặc được hướng dẫn nghiệp vụ về thư viện.
– Phải có diện tích bảo đảm bảo quản tài liệu và phục vụ công chúng với số lượng chỗ ngồi đọc ít nhất 10 chỗ.
– Có phương tiện bảo quản tài liệu…
Nếu áp dụng các điều kiện này, các không gian đọc Hi vọng, Niềm tin, Ánh sáng, Ước mơ… khó mà đủ điều kiện hoạt động. Chưa kể tới quy định về số sách và cơ sở vật chất, nhiều người làm trong thư viện không có bằng THPT như yêu cầu.
Cũng với quy định “người làm trong thư viện phải tốt nghiệp THPT trở lên”, ngay cả Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vốn được Vụ Thư viện đánh giá là một trong những mô hình thư viện tư nhân hoạt động có hiệu quả tại VN cũng không đáp ứng được vì thư viện đang có các bạn tình nguyện viên vốn là các em học sinh cấp II, III.
Quy định thư viện cần có vốn tài liệu ít nhất 1.000 đầu sách cũng không dễ đáp ứng bởi nhiều nơi thường bắt đầu từ vài trăm cuốn sách rồi mới nhân lên theo thời gian.
Từ phía quản lý, bà Ngà cho rằng đây là điều kiện cần thiết và cho biết thêm điều kiện này đã được “hạ thấp” hơn dự thảo trước đó. Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định những điều kiện này “còn là dễ” và chỉ để cơ quan nhà nước áp dụng cho khâu hậu kiểm.
Cho nhau mượn sách như mời nhau uống nước
Góp ý kiến cho nghị định quy định chi tiết một số điều thi hành Luật thư viện, anh Nguyễn Quang Thạch đề xuất: “Quản lý nhà nước cần xem hệ thống tủ sách ở các gia đình, dòng họ, xứ đạo, nhà chùa là các hoạt động tất yếu của người dân, không cần đưa ra những ràng buộc khắt khe về quy mô, về nghiệp vụ thư viện, mà cần xem việc mượn sách giữa các cá nhân trong cộng đồng như người ta mời nhau uống nước, cho mượn các công cụ lao động”.