Xà bông, thuốc rửa móng tay: hiểm hoạ đáng lo cho trẻ em
ứ mỗi hai giờ lại có một trẻ em ở Mỹ bị cấp cứu liên quan đến mỹ phẩm, dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Đây là con số mà các nhà khoa học cảnh báo trên tạp chí Clinical Pediatrics (Nhi khoa Lâm sàng).
Xà bông, thuốc rửa móng tay: hiểm hoạ đáng lo cho trẻ em
Cứ mỗi hai giờ lại có một trẻ em ở Mỹ bị cấp cứu liên quan đến mỹ phẩm, dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Đây là con số mà các nhà khoa học cảnh báo trên tạp chí Clinical Pediatrics (Nhi khoa Lâm sàng).
Ghi nhận ở các phòng cấp cứu từ năm 2002 đến 2016 ở Mỹ cho thấy có gần 65.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị tổn thương liên quan đến hoá mỹ phẩm gia đình. Tính ra, con số là 1 trường hợp mỗi hai giờ.
Trong 86% trường hợp, trẻ bị ngộ độc dạng nhẹ do nuốt nhầm hoá chất. Phần lớn các trường hợp còn lại liên quan đến bỏng hoá chất.
Cứ 3 trong số 5 trường hợp có liên quan đến trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất thích đưa mọi thứ vào miệng để khám phá và do đó dễ bị tai nạn.
Bà Rebecca McAdams, công tác tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách về chấn thương tại Bệnh viện Nhi quốc gia ở Columbus, bang Ohio và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đối với các bé, màu sắc của các chai lọ hoá mỹ phẩm này rất bắt mắt và mùi thì có vẻ ăn được. Do đó, các bé cố mở nắp và thử một miếng”.
Theo nhóm tác giả, hầu hết các phụ huynh ở Mỹ đều có trong nhà vệ sinh thứ gì đó có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ.
Trong nghiên cứu, các chấn thương liên quan đến sản phẩm chăm sóc móng tay móng chân chiếm 28% (thuốc rửa móng 17% và sơn móng chiếm 9%), sản phẩm chăm sóc tóc 27%, chăm sóc da chiếm 25%, 13% liên quan đến nước hoa, hoá chất duỗi thẳng tóc 10%, dầu gội và dầu xả chiếm 7%, kem dưỡng da và dưỡng thể chiếm 10%.
Trong đa số các trường hợp, trẻ em được điều trị ở phòng cấp cứu và sau đó về nhà. Rất ít bị thương nghiêm trọng phải nằm viện.
Một hạn chế của nghiên cứu là có thể con số thống kê trong bài báo nhỏ hơn thực tế do các nhà nghiên cứu chỉ ghi nhận các trường hợp có đi cấp cứu. Như vậy, họ đã bỏ sót những trường hợp tự xử lý ở nhà, gọi đến trung tâm xử lý chất chất độc, đến các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế khác.
Dù vậy, kết quả nghiên cứu cảnh báo bố mẹ và người lớn cần cất chai lọ đựng hoá mỹ phẩm trong nhà cẩn thận hơn. Các sản phẩm này được thiết kế cho người lớn sử dụng, nhưng trẻ nhỏ lại rất dễ tiếp cận chúng nên sự cố là có thể xảy ra.
Lời khuyên của các chuyên gia là nếu có trẻ nhỏ trong nhà, hãy xem các loại chai lọ đựng sơn móng tay, xà bông, nước hoa… giống như thuốc.
Bố mẹ hãy cất các sản phẩm chăm sóc cơ thể này trong tủ mà trẻ không với tới hoặc mở ra được. Khi không sử dụng, chúng luôn được bỏ trong tủ và lưu ý đến chúng khi sử dụng, tránh để trẻ tiếp cận, cầm chơi.
Nếu trẻ lỡ nuốt hay để hoá chất dây vào mắt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử lý hoặc gọi đến cơ quan chuyên môn có thể trợ giúp.