23/01/2025

Chưa nối mạng, hơn 300 nhà thuốc sẽ bị đóng cửa

Hiện TP.HCM có 6.188 nhà thuốc đã được kết nối dữ liệu cơ sở kinh doanh dược, chiếm gần 95% tổng số các nhà thuốc. Như vậy, còn hơn 5% nhà thuốc (hơn 300 nhà thuốc) chưa được kết nối và khả năng sẽ phải đóng cửa.

 

Chưa nối mạng, hơn 300 nhà thuốc sẽ bị đóng cửa

Hiện TP.HCM có 6.188 nhà thuốc đã được kết nối dữ liệu cơ sở kinh doanh dược, chiếm gần 95% tổng số các nhà thuốc. Như vậy, còn hơn 5% nhà thuốc (hơn 300 nhà thuốc) chưa được kết nối và khả năng sẽ phải đóng cửa.


 

Theo ông Đỗ Văn Dũng – trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, ngày 31-3-2019 là thời hạn cuối mà các nhà thuốc trên địa bàn TP phải hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 300 nhà thuốc trong TP chưa được kết nối.

Cảnh báo những nhà thuốc chưa kết nối

Có nhiều nguyên nhân khiến những nhà thuốc này không chịu kết nối mạng như: một số nhà thuốc kinh doanh không hiệu quả nên muốn ngừng kinh doanh trong thời gian tới; có những nhà thuốc lại e ngại việc kết nối như vậy sẽ bị các cơ quan quản lý chặt chẽ như thuốc không có hóa đơn, hồ sơ các thông tin của nhà thuốc sẽ bị lộ… ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh.

Anh C.Q.T., chủ nhà thuốc Y.N ở Q.5, cho biết trước đây anh có thuê người đứng tên, bán thuốc cho bệnh nhân đến khám tại phòng mạch của anh. 

Nhà thuốc chỉ hoạt động từ 5h chiều đến 8h tối. Nhà thuốc này hoạt động 2-3 năm nay, nhưng khi triển khai việc kết nối mạng, anh T. bận bịu nhiều việc nên có nhờ cô dược sĩ anh thuê đi lên Sở Y tế làm thủ tục kết nối mạng nhưng cô này nói đây là công việc của anh T., cô ấy không làm. 

Chi phí cho nhà thuốc nhiều, lời không bao nhiêu, cộng thêm việc phải kết nối mạng, anh T. quyết định dừng hoạt động nhà thuốc.

Ông Đỗ Văn Dũng cho biết các nhà thuốc trong TP đều đã được các phòng y tế tổ chức tập huấn triển khai phần mềm kết nối mạng nhà thuốc 1-2 lần, có nhiều phòng y tế đã tổ chức tập huấn đến 3 lần. 

Ngoài ra, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM đều đưa thông tin về chủ trương này, thế nhưng nhiều nhà thuốc vẫn chưa quan tâm.

Sau khi hoàn tất lộ trình kết nối dữ liệu cơ sở kinh doanh dược (31-3-2019), Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành hậu kiểm các nhà thuốc, đặc biệt là các quận, huyện có tỉ lệ nhà thuốc đăng ký tài khoản kết nối còn thấp như huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. 

Bước đầu, Sở Y tế cũng đã đi hậu kiểm gần 20 nhà thuốc chưa kết nối và chuyển qua thanh tra, xác lập những hành vi vi phạm để có hướng xử lý. 

Sở Y tế sẽ công khai kết quả này trên cổng điện tử của sở để cảnh báo những nhà thuốc chưa thực hiện việc kết nối.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết căn cứ số liệu thống kê các nhà thuốc chưa chịu kết nối, sở sẽ mời những nhà thuốc đó lên. 

Nếu nhà thuốc nào không có lý do chính đáng trong việc chậm kết nối, sở sẽ yêu cầu những nhà thuốc đó ngưng hoạt động cho đến khi thực hiện kết nối mới được tiếp tục hoạt động trở lại.

Trong số những nhà thuốc chưa kết nối dữ liệu cũng có một số nhà thuốc tự viết phần mềm, không thuê bao sử dụng phần mềm của những nhà kinh doanh phần mềm. Những nhà thuốc này phải chờ kết nối được với phần mềm dữ liệu dược quốc gia của Bộ Y tế. 

Đó là những lý do khách quan. Còn những lý do chủ quan về phía nhà thuốc thì Sở Y tế sẽ thông báo, yêu cầu những nhà thuốc này ngưng hoạt động.

Tránh thuốc không nguồn gốc, kém chất lượng

Theo quy định, nhà thuốc nào cũng phải kết nối để liên thông với dữ liệu dược quốc gia, phục vụ cho các cơ quan y tế quản lý thị trường dược phẩm bán lẻ. 

Khi những nhà thuốc tham gia kết nối phần mềm, các cơ quan quản lý sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng đi vào trong hệ thống. 

Phần mềm còn giúp tăng cường quản lý việc kê đơn và bán thuốc kê đơn, trong đó phải chấm dứt tình trạng bán kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, các nhà thuốc cũng quản lý được hoạt động mua bán thuốc ở góc độ kinh doanh cũng như chuyên môn như nhập, xuất, theo dõi tồn kho, tính lỗ, lãi, dự trù thuốc, theo dõi hạn dùng, số lô của thuốc, làm bảng giá, mã vạch, thực hiện các báo cáo thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thu hồi thuốc… 

Phần mềm này còn là sự trao đổi thông tin hai chiều của các cơ quan quản lý với nhà thuốc và ngược lại.

Sau ba năm, các cơ quan quản lý kiểm tra chuẩn GPP một lần, nếu không đạt được đồng nghĩa là Sở Y tế thu hồi giấy đạt chuẩn GPP. 

Việc nối mạng trong giai đoạn này là một trong những yêu cầu bắt buộc để đạt được chuẩn GPP.

Có quyền lựa chọn từ 69 công ty cung cấp phần mềm

Ông Đỗ Văn Dũng cũng cho biết hiện đã có 69 công ty cung cấp phần mềm nên các nhà thuốc có quyền lựa chọn nhà cung cấp tùy theo nhu cầu quản lý của mình.

Mỗi phần mềm có độ mạnh, yếu khác nhau nhưng đều có chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Ngoài những chuẩn dữ liệu theo quy định bắt buộc, các phần mềm này có thể cung cấp cho nhà thuốc các tiện ích, tùy theo nhu cầu, quy mô lớn nhỏ của nhà thuốc…

Trước đây, Viettel thu phí một nhà thuốc kết nối với phần mềm của công ty này là 150.000 đồng/tháng, thu 1,8 triệu đồng/năm.

Sau đó, xuất hiện một số công ty khác thì Viettel giảm giá xuống bằng cách miễn phí 3 tháng đầu khi kết nối mạng và thu 6 tháng/lần.

Một số công ty sau này đưa ra chương trình một năm miễn phí, còn những năm tiếp theo thu 50% phí (70.000-80.000 đồng/tháng). Đây là một mức giá rất phù hợp.

 

THUỲ DƯƠNG