24/12/2024

Nhiễm trùng tiêu hoá do… chuột

Tiếp xúc trực tiếp với phân chuột, nước tiểu chuột hay thực phẩm do chuột ăn dở bị ô nhiễm, chúng ta có thể bị bệnh nhiễm trùng tiêu hoá do vi khuẩn Salmonella, bệnh sốt vàng da xoắn khuẩn…

 

Nhiễm trùng tiêu hoá do… chuột

Tiếp xúc trực tiếp với phân chuột, nước tiểu chuột hay thực phẩm do chuột ăn dở bị ô nhiễm, chúng ta có thể bị bệnh nhiễm trùng tiêu hoá do vi khuẩn Salmonella, bệnh sốt vàng da xoắn khuẩn…



 
 

Nhiễm trùng tiêu hóa do... chuột - Ảnh 1.

Chuột nhắt trong nhà bị mèo bắt được – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

 

Lũ chuột gây rắc nhiều phiền toái cho chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày. Có thể kể đến hơn 30 loại bệnh khác nhau do chuột truyền cho người như dịch hạch, sốt xuất huyết Omsk, sốt núi đá, viêm não ngựa miền Tây, sốt xuất huyết với hội chứng thận, bệnh Leptospirose, nhiễm Salmonella…

Trong đó, có hai bệnh khá thường gặp ở Việt Nam.

Bệnh sốt vàng da xoắn khuẩn

Bệnh này do một loại vi trùng có hình xoắn ốc mang tên Leptospira gây ra. Vi trùng này hiện diện trong nước tiểu, máu và mô của các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột. 

Chúng ta bị mắc bệnh khi tiếp xúc với xoắn khuẩn này qua vùng da chúng ta bị trầy xước tiếp xúc với nước có nhiễm bẩn bởi dịch tiết hay xác của chuột, thường gặp là do lội bùn lầy, cống rãnh, ao hồ, ruộng rẫy có lẫn xác chuột chết hay nước tiểu chuột.

Xoắn khuẩn này gây nhiễm trùng huyết cấp tính và gây phản ứng miễn dịch tấn công nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan và thận nên được gọi là sốt vàng da xoắn khuẩn.

Bệnh diễn tiến qua 2 giai đoạn:

– Giai đoạn ủ bệnh: Từ lúc vi trùng xâm nhập cơ thể cho đến khi gây triệu chứng là khoảng 10 ngày, nhưng có thể dao động từ 2 ngày đến 1 tháng.

– Giai đoạn lây nhiễm và có triệu chứng:

Đầu tiên bệnh biểu hiện đột ngột với các triệu chứng: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, tiêu chảy, đau nhức cơ bắp (đặc biệt là đùi và cơ bắp chân), nổi ban đỏ toàn thân, mắt đỏ rực.

Sau giai đoạn đầu tiên kéo dài khoảng 5-7 ngày, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tổn thương gan và thận với triệu chứng vàng da vàng mắt, tiểu ít, phù. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể có các biểu hiện như nhịp tim không đều, đau đầu, nôn ói, cứng gáy, vật vã. 

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng suy thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp, viêm cơ tim loạn nhịp tim và thậm chí tử vong. Bệnh có thể điều trị thành công vì đã có kháng sinh đặc trị và các phương pháp điều trị hỗ trợ.

Bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella

Vi khuẩn này có dạng hình que màu hồng khi nhìn dưới kính hiển vi, chúng thường có trong phân chuột, một số loại thú cưng, loài gặm nhấm… Chúng ta mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với phân hay thực phẩm do chuột ăn dở bị ô nhiễm. 

Ngoài ra, vi khuẩn này còn có thể hiện diện trong nước uống không đun sôi, thịt chưa nấu chín, vỏ trứng, bàn tay bẩn của bệnh nhân.

Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh này, tuy nhiên trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất. Vi khuẩn này tấn công dạ dày và ruột non gây nên tình trạng viêm dạ dày, ruột cấp tính. Bệnh thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1/2 ngày đến 3 ngày.

Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh do vi khuẩn Salmonella là tiêu chảy (có thể có máu hay dịch nhầy), sốt, đau quặn thắt như ai bóp bụng, buồn nôn, nôn mửa và nhức đầu. Tình trạng mất nước có thể xảy ra, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.

Bệnh thường diễn tiến rầm rộ và nặng hơn ở người lớn tuổi và người có bệnh tật khác kèm theo như tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan mãn tính.

– Những dấu hiệu cần nên gặp bác sĩ ngay:

+ Triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần

+ Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi

+ Phân có máu, sốt cao từ 39 độ trở lên

+ Bụng trướng, đi tiểu ít hoặc không muốn đi tiểu

+ Tim đập nhanh, thở nhanh hơn bình thường.

Bệnh thường diễn tiến tốt và kéo dài từ 4-7 ngày, trở nên tốt hơn với việc nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng và bù dịch bằng đường uống, đơn giản nhất là dung dịch ORESOL (ORS) và đặc biệt là KHÔNG NÊN DÙNG THUỐC CẦM TIÊU CHẢY vì có thể làm cho nhiễm trùng của bạn kéo dài hơn.

Nếu bệnh nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn truyền dịch đường tĩnh mạch hoặc dùng kháng sinh.

 

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)