Tỉ lệ người học đại học Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới
Mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2019 tăng nhẹ nhưng trên thực tế ở Việt Nam số người trong độ tuổi đi học đại học (từ 18-29 tuổi) tham gia học đại học rất thấp, khoảng 28,3%, thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Tỉ lệ người học đại học Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới
Ông Phạm Như Nghệ giải đáp thắc mắc của đại diện các trường tại buổi tập huấn phần mềm tuyển sinh sáng 17-6 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT Phạm Như Nghệ – cho biết như vậy trong hội nghị tập huấn tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM hôm nay 17-6.
Trong khi đó, tỉ lệ này ở Thái Lan, Malaysia là 43% hay 48%, còn tại những nước phát triển thì tỉ lệ này còn cao hơn nữa.
“Như vậy, số lượng người đi học đại học ở tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước khác. Giám đốc Ngân hàng Thế giới cho biết ông rất bất ngờ với thông tin này và cho rằng con số đó không tương xứng với Việt Nam khi Việt Nam có định hướng nền kinh tế tri thức”, ông Nghệ nói.
Cũng theo ông Nghệ, mặc dù vậy, Chính phủ và Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết phải đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH. Vì vậy chỉ tiêu đào tạo ĐH tăng rất thấp.
Tổng chỉ tiêu tăng 7,5% so với năm 2018
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, năm 2019, có 887.173 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, trong đó có hơn 223.800 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (khoảng 26%) và hơn 653.000 thí sinh thi để xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành sư phạm (khoảng 74%).
Con số này khá ổn định trong khoảng 3 năm vừa qua. Cũng theo thống kê, năm nay có 2.575.305 lượt nguyện vọng. Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 là 489.637 chỉ tiêu, tăng 7,5% so với năm ngoái.
Giải thích việc tăng chỉ tiêu này, ông Nghệ cho biết do các điều kiện đảm bảo chất lượng hằng năm đều tăng (số giảng viên và số giảng viên trình độ tiến sĩ tăng), chủ yếu là các trường đã được kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn kiểm định tăng lên đáng kể (122 trường) và các ngành đào tạo đạt chuẩn kiểm định nên được tăng chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo của các trường. Chỉ tiêu tăng thêm trên cơ sở đào thải sinh viên trong quá trình học…
Chỉ tiêu theo các phương thức khác (như tuyển theo năng lực, học bạ) là 141.968 sinh viên.
Nộp bản photo màu giấy chứng nhận kết quả thi sẽ bị xử lý
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Phạm Như Nghệ còn cho biết Bộ GD-ĐT đã đề nghị với các địa phương phải khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên thực tế theo từng năm, trên cơ sở đó bộ xem xét thông báo chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho các trường.
Năm nay bộ xác định chỉ tiêu đào tạo sư phạm là 46.000 chỉ tiêu (tăng khoảng 10.000 chỉ tiêu so với năm 2018). Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 65-70% nhu cầu giáo viên của các địa phương trên thực tế.
“Chúng tôi cân nhắc số sinh viên tốt nghiệp sư phạm những năm trước chưa có việc làm và tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Trong trường hợp đó, giáo viên phải học văn bằng 2 để chuyển về những ngành địa phương có nhu cầu. Bộ cũng đã có thông tư hướng dẫn cụ thể việc này”, ông Nghệ cho hay.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 400 cơ sở giáo dục xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chỉ có khoảng 400.000 thi sinh là có cơ hội trúng tuyển vào học ở các trường đại học, cao đẳng (đạt 82-85% tổng chỉ tiêu).
Điều này có nghĩa còn khoảng 500.000 học sinh đã tốt nghiệp THPT, nhưng không vào học các trường đại học, cao đẳng. Đó là chưa kể những người đã tốt nghiệp những năm trước.
Liên quan đến quy định khi trúng tuyển thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp bản chính phiếu chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 (Quy chế yêu cầu các trường phải lưu giữ bản chính này), đại diện một số trường thắc mắc thí sinh có được phép sử dụng phiếu chứng nhận kết quả thi là bản photo màu hoặc scan màu để xác nhận nhập học?
Ông Nghệ khẳng định là không được. Nếu thí sinh cố tình vi phạm thì phần mềm sẽ phát hiện ra, trong trường hợp đó thí sinh thuộc diện gian lận và sẽ bị xử lý. Đồng thời bộ đề nghị các trường lưu ý kỹ việc này.