Ung thư và những tin đồn hư thực
Lá đu đủ, nano vàng… có chữa được ung thư? Ăn gì để chống ung thư? Những câu hỏi đó cùng nhiều vấn đề liên quan đến ung thư đã được thảo luận trong buổi talkshow diễn ra ngày 15-6 với chủ đề “Ung thư: Tin đồn và sự thật”.
Ung thư và những tin đồn hư thực
Lá đu đủ, nano vàng… có chữa được ung thư? Ăn gì để chống ung thư? Những câu hỏi đó cùng nhiều vấn đề liên quan đến ung thư đã được thảo luận trong buổi talkshow diễn ra ngày 15-6 với chủ đề “Ung thư: Tin đồn và sự thật”.
Ruy Băng Tím (RBT) – tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư – đã phối hợp với Sống và Trạm đọc để tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Ung thư: Tin đồn và bệnh tật”, nhân dịp ra mắt quyển sách cùng tên.
Ung thư: Tin đồn và sự thật
Nhiều khảo sát trong những năm gần đây cho thấy, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Song song với các cảnh báo ấy, những tin đồn về tác nhân gây ung thư, những bài thuốc, phương pháp điều trị “thần kỳ”,… cũng xuất hiện tràn lan trên mạng.
Theo ThS Nguyễn Trương Đức Hoàng – một trong hai diễn giả của chương trình, những tin đồn lan truyền trên mạng gây rất nhiều khó khăn cho các y bác sĩ trong việc khám và điều trị ung thư. Nhiều bệnh nhân do quá tin vào những thông tin trên mạng mà không nghe theo lời khuyên của bác sĩ, cuối cùng dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Hơn nữa, nhiều bài viết không rõ nguồn gốc trên các trang điện tử còn có lời văn chau chuốt, giọng điệu hùng hồn, trộn lẫn giữa các thông tin khoa học đã kiểm chứng và các thông tin tự “chế biến” nên dễ đánh vào lòng tin của những người thiếu kiến thức khoa học.
Bên cạnh các loại “thần dược” chữa hoàn toàn ung thư, mạng xã hội còn cung cấp những thực phẩm có thể giúp phòng chống ung thư. TS Lê Anh Phương, trưởng ban khoa học của RBT, diễn giả của chương trình, cho biết: “Không có một thực phẩm xác định nào có thể hoàn toàn phòng ngừa ung thư nhưng có những nguyên tắc dinh dưỡng có thể phòng ngừa ung thư”.
Nghe theo những tin đồn về phòng chống ung thư, nhiều người không những mất tiền, hình thành tâm lý hoang mang lo sợ dẫn đến căng thẳng quá độ mà còn “rước họa vào thân” do những thực phẩm gây hại nhiều hơn lợi.
6 nguyên tắc ăn uống
TS Lê Anh Phương đưa ra 6 nguyên tắc ăn uống, chia thành 3 tăng và 3 giảm. Ba giảm bao gồm: giảm thịt chế biến và thịt đỏ nhằm giảm lượng muối nitrat trong cơ thể, giảm ăn mặn, giảm các món chiên, xào, nướng. Ba tăng bao gồm: tăng sự cân đối lượng calo trong các bữa ăn để duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường ăn rau, củ, quả và tăng độ đa dạng nguyên liệu, thành phần bữa ăn.
Quyển sách Ung thư: Tin đồn và sự thật là kết quả của một quá trình tổng hợp, nghiên cứu nhằm xác minh tính chính xác của các tin đồn và trình bày một cách khoa học nhưng dễ hiểu của nhóm tác giả.
Quyển sách bao gồm 45 bài viết về các tin đồn khác nhau cùng hai trang phụ lục, được tập hợp từ những bải viết được đăng tải trong suốt quá trình hoạt động của RBT.
Buổi trò chuyện còn có sự tham dự của bác sĩ Phạm Trường Giang, người đã sĩ mang trong mình 6 đợt ung thư và đã chiến đấu suốt 16 năm, truyền động lực đến nhiều người đang chống chọi với căn bệnh nan y này.
Ung thư liên quan đến môi trường sống
Theo thống kê của Bộ Y tế vào cuối năm 2018, khoảng 80% các bệnh ung thư có liên quan đến môi trường sống. Buổi nói chuyện đưa ra một số giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường như tái chế, trồng nhiều cây, thay đổi thói quen sinh hoạt và hạn chế tiêu thụ các loại sản phẩm quá mức cần thiết.