Chốt “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”
Sau rất nhiều ý kiến tranh luận, Luật giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 14-6 đã chốt việc thực hiện một chương trình thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK).
Chốt “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”
Sau rất nhiều ý kiến tranh luận, Luật giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 14-6 đã chốt việc thực hiện một chương trình thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi được hội đồng thẩm định.
Xã hội hóa biên soạn SGK
Theo luật, chương trình giáo dục phổ thông quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước, quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.
Chương trình thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học.
Luật giáo dục (sửa đổi) đã quy định cụ thể về thành phần hội đồng quốc gia thẩm định SGK, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
“Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan” – Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo giải trình.
Phù hợp xu thế chung
Theo nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK để đảm bảo có đủ SGK khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong Luật giáo dục (sửa đổi) vừa thông qua, việc biên soạn SGK sẽ hoàn toàn theo hướng xã hội hóa.
Trao đổi về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – cho rằng trước đây Quốc hội biểu quyết việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK vì lo ngại tình trạng thiếu SGK có thể xảy ra khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nếu các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK không phủ kín tất cả các môn học, cấp học.
Tuy nhiên trên thực tế, điều lo lắng này đã không xảy ra vì hiện có ít nhất 5 đơn vị đang tổ chức biên soạn SGK của tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Vì thế, nên dành kinh phí nhà nước vào các việc khác cần thiết hơn.
Trước đây, khi có những lo ngại Quốc hội không thông qua quy định “một chương trình, nhiều SGK”, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục đã cho rằng nếu điều này không được chấp thuận thì Luật giáo dục (sửa đổi) lại là “bước thụt lùi”.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng quy định có một chương trình, nhiều SGK là xu thế chung của các nền giáo dục tiến bộ.
GS Đỗ Đức Thái – ĐH Sư phạm Hà Nội – cũng bày tỏ quan điểm “chương trình đặt mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học thì cần thiết kế mở, người dạy và học có thể sử dụng nhiều tài liệu (SGK) khác nhau trong việc dạy học.
Luật thông qua là hành lang pháp lý quan trọng cho việc có nhiều SGK do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn dựa trên chương trình chung.
Miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình
Theo Luật giáo dục (sửa đổi), học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Bên cạnh đó, trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo cũng được miễn học phí. Riêng trẻ em mầm non 5 tuổi ở khu vực khác với quy định trên và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, miễn học phí THCS là chính sách ưu việt, giúp thúc đẩy sự phát triển giáo dục, mang lại nhiều hơn cơ hội học tập cho mọi người. Đặc biệt, điều này sẽ giúp định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT rõ ràng hơn.
Có giảm bớt số lượng môn học?
Với mong muốn giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh, có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng môn học.
Giải trình về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng số lượng các môn học được quy định ở chương trình giáo dục phổ thông, Luật giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Việc đảm bảo chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định dưới sự giám sát của Quốc hội và xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông mới – bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học – hiện đã được Bộ GD-ĐT phê chuẩn ban hành theo định hướng tăng cường tích hợp ở bậc học dưới và phân hóa ở bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp.