Phụ huynh còn thờ ơ với sách
Trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao thói quen đọc trong người Việt, TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát về niềm tin đọc và thói quen đọc trong giới trẻ, cho thấy bức tranh đọc sách được định lượng kỹ và những đề xuất có trách nhiệm.
Phụ huynh còn thờ ơ với sách
Trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao thói quen đọc trong người Việt, TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát về niềm tin đọc và thói quen đọc trong giới trẻ, cho thấy bức tranh đọc sách được định lượng kỹ và những đề xuất có trách nhiệm.Cuộc khảo sát như một đề tài nghiên cứu: “Niềm tin – Thói quen đọc trong giới trẻ tại TPHCM” được Văn phòng đại diện phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam và Công ty Đường Sách thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6, với 1600 phiếu được phát ra để khảo sát 5 đối tượng đọc: học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3, Cao đẳng – Đại học, và phụ huynh/ giáo viên của học sinh cấp 1, 2.
Đây cũng là một bước thực hiện chủ trương của Chính phủ, với đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm 2017.
4 thành tố đặc trưng tạo nên văn hóa đọc
Tại buổi công bố kết quả cuộc khảo sát vào sáng 14-6, TS Quách Thu Nguyệt – Phó giám đốc công ty Đường Sách, phụ trách chương trình này – dẫn cách hiểu về văn hóa đọc từ nhà nhân học người Mỹ Carolyn Behrman, cho rằng: văn hóa đọc bao gồm 4 thành tố đặc trưng là: Niềm tin đọc, thói quen đọc, hành vi đọc, và kiến thức đọc.
Đặc trưng của văn hóa đọc là tạo lập môi trường học tập độc lập, tự nguyện, có thể triển khai việc học ở mọi lúc mọi nơi với mọi lứa tuổi, đối tượng bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú.
Những người thực hiện cuộc khảo sát này cũng xác tín rằng: niềm tin, thói quen, hành vi và kiến thức đọc là yếu tố cốt lõi để xây dựng thành phố học tập/quốc gia học tập.
Cuộc khảo sát với mục tiêu qua đó sẽ tìm hiểu thực trạng đọc của giới trẻ tại TP.HCM; vai trò của gia đình, nhà trường tác động đến niềm tin, thói quen đọc, xu hướng đọc của giới trẻ thành phố trước sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay…
Theo lý thuyết của Behrman, Niềm tin đọc (Reading Beliefs) là nhận thức, suy nghĩ về việc đọc của cộng đồng; là sự tin tưởng và lợi ích và cần thiết của việc đọc. Còn Thói quen đọc (Reading Practices) là tính tích cực đọc của con người, thể hiện ở lần đọc, lượt đọc nhiều hay ít, thường xuyên hay không thường xuyên…
Trên cơ sở đó, các bảng câu hỏi dành cho mỗi đối tượng được soạn tập trung vào hai thành tố là niềm tin đọc và thói quen đọc.
24% phụ huynh không khuyến khích con cái ở độ tuổi cấp 1 đọc sách?!
Ở cả hai hướng Niềm tin đọc và Thói quen đọc, những người thực hiện đã thiết kế các câu hỏi thật thú vị và kết quả thu được cũng đáng suy ngẫm.
Chẳng hạn với học sinh cấp 1, câu hỏi “Em có nghĩ rằng việc đọc sách cần thiết cho việc học của em không?”, có 32% cho rằng rất cần thiết, 35% cần thiết, và 19% đôi khi cần thiết; nhưng với học sinh cấp 2 thì chỉ có hai mức độ: rất cần thiết: 45%, và đôi khi cần thiết: 50%!
Hay như với câu hỏi dành cho học sinh cấp 2 “Đọc sách có giúp em mở mang kiến thức và biết thêm nhiều điều về thế giới xung quanh không?”, có 81% trả lời “em nghĩ là có” bên cạnh 4% “em cho là không”, và 3% “em chưa nghĩ đến điều này”.
Ở hướng khảo sát niềm tin đọc, có câu hỏi dành cho học sinh cấp 1 để nắm bắt mức độ quan tâm của phụ huynh đối với việc đọc của con: “Ba mẹ có bắt buộc hay khuyến khích em đọc sách không?”, kết quả thu được bên cạnh 23% trả lời “thường xuyên”, nhưng 24% trả lời “không bao giờ” (bên cạnh 20% thỉnh thoảng và 33% không bắt buộc). Điều này chứng tỏ hiện tại số phụ huynh không quan tâm đến việc đọc của con em còn lớn hơn số phụ huynh thường xuyên khuyến khích các em đọc.
Ở hướng khảo sát thói quen đọc, có câu hỏi đánh giá mức độ quan tâm giữa việc đọc và nghe nhìn các thiết bị như iPad, điện thoại di động đối với học sinh cấp 1, kết quả cho thấy 44% các em cho biết thích chơi iPad và điện thoại hơn đọc sách; 36% thích đọc sách và chỉ 20% thích xem truyền hình dành cho thiếu nhi.
Cuộc khảo sát cũng làm phát lộ những thói quen thú vị khi đọc, chẳng hạn với học sinh cấp 3, có 31,8% cho biết thường xuyên giới thiệu một cuốn sách hay khi đọc được cho bạn bè, người thân tìm đọc, (ở mức độ rất thường xuyên là 15,7%, thỉnh thoảng: 26, 3%, và hiếm khi: 12,6%).
Sẽ có các kênh lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn
Kết quả công việc định lượng này đem lại cái nhìn tổng quát về thực tế việc đọc tại TP.HCM. Cụ thế với học sinh cấp 1-2, cấp độ yêu thích đọc chiếm chưa đến 50% (trong khi có 35% học sinh cấp 1 và 16% học sinh cấp 2 cho biết rất không thích đọc lắm).
Đây là cơ sở để nhóm thực hiện đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc đọc của các em độ tuổi cấp 1-2, nhất là khi kết quả khảo sát cho thấy quỹ thời gian để các em tạo lập thói quen đọc từ gia đình và nhà trường đang bị bỏ ngỏ, thiếu tính chủ đích và kế hoạch.
Dù vậy, có đến 57% các em cấp 1-2 cho biết rất thích và thích tham gia các hoạt động đọc sách ở trường. Điều này đang gợi cho Hội Xuất bản Việt Nam và Đường Sách TP.HCM một kế hoạch làm việc chung giữa ngành xuất bản và ngành giáo dục trên mục tiêu phối hợp nâng cao thói quen đọc cho học sinh.
“Chúng tôi đang có kế hoạch vào tháng 8 tới đây sẽ phối hợp với ngành giáo dục Thành phố tổ chức một hội thảo với nội dung tạm gọi là Thói quen đọc góp phần hình thành nhân cách cho trẻ như thế nào, để kêu gọi không chỉ các thầy cô giáo mà ngay cả phụ huynh và bản thân học sinh cũng cùng quan tâm đến việc đọc và xây dựng thói quen đọc cho nhau”
Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng đại diện văn phòng phía Nam tại TP. HCM
Và trên bình diện rộng hơn, TS Quách Thu Nguyệt đang hy vọng từ xã hội sẽ xuất hiện các kênh youtube lành mạnh lan toả sách, và “để tạo lập thói quen đọc sách trong nhân dân nhất là giới trẻ, cần phải xác lập niềm tin rằng việc đọc sẽ tạo ra giá trị cho cá nhân, cộng đồng, quốc gia”.