1.001 sắc thái đạo văn trong nghiên cứu khoa học
Đạo văn không chỉ xảy ra trong sáng tác văn học, mà còn xuất hiện trong nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức. Điều đáng nói là người đạo văn vẫn vô tư “thó” công trình của người khác mà không hề cảm thấy tội lỗi.
1.001 sắc thái đạo văn trong nghiên cứu khoa học
Đạo văn không chỉ xảy ra trong sáng tác văn học, mà còn xuất hiện trong nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức. Điều đáng nói là người đạo văn vẫn vô tư “thó” công trình của người khác mà không hề cảm thấy tội lỗi.
Tuổi Trẻ có bài viết Chuyện Nguyễn Ngọc Tư bị đạo văn: Nhìn từ nhân quả viết về nguyên nhân sâu xa của việc một nhà văn trẻ đạo văn trong một cuộc thi truyện ngắn.
Còn trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến những kiểu đạo văn khác, có khi lộ liễu, có khi tinh vi nhưng ít được nhắc đến. Nó xuất hiện trong nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức…
1. Bạn tôi dạy cao học ở một trường đại học sư phạm trọng điểm. Để loại dần lối học thuộc lòng thụ động, trong bài thi kết thúc học phần, anh cho phép sử dụng tài liệu nhưng luôn đặt những câu hỏi yêu cầu học viên phải thể hiện chủ kiến.
Khi chấm bài, chàng giảng viên té ngửa vì hơn một nửa học viên chép lại nguyên văn ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu khác mà không thể đưa ra một nhận xét riêng. Tệ hơn nữa, những học viên này trích dẫn mà không nêu nguồn, mặc nhiên xem như nội dung đã viết là của chính họ.
Cần lưu ý rằng chương trình cao học có môn phương pháp luận nghiên cứu khoa học, trong đó học viên được học cách trích dẫn tài liệu và cách trình bày danh mục tài liệu tham khảo.
Ta tự hỏi điều gì xảy ra khi các học viên cao học này – vốn đang hoặc sắp là giáo viên, giảng viên – thực thi nhiệm vụ “trồng người” cao quý của họ tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học.
2. Người bạn trên còn phát hiện việc đạo văn cũng xảy ra, dù không thường xuyên, đối với một số luận văn thạc sĩ mà anh tham gia phản biện.
Học viên “hồn nhiên” chép lại nguyên xi kết quả nghiên cứu của người khác mà “quên” dẫn nguồn, ít thì vài dòng, nhiều thì vài trang, có khi lên đến nửa chương.
Thông thường, việc đạo văn này sẽ trót lọt nếu người phản biện chỉ đọc lướt qua hoặc ít thâm niên nghiên cứu khoa học.
Trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hội đồng chấm thường cho phép học viên bảo vệ nhưng yêu cầu họ bổ sung nguồn tham khảo hoặc diễn đạt lại kết quả bằng ngôn ngữ của riêng mình.
3. ”Cao tay” hơn việc chép lại một kết quả nghiên cứu đã công bố bằng tiếng Việt là việc dịch hoặc thuê người dịch một công trình đã công bố bằng tiếng nước ngoài.
Một cán bộ giáo dục gửi đến hội đồng khoa học cấp sở đề tài nghiên cứu về điểm bất động (fixed point), phát triển từ chính luận văn thạc sĩ của mình.
Vị cán bộ này không ngờ rằng một thành viên hội đồng khoa học phát hiện đề tài khoa học lẫn luận văn thạc sĩ liên quan đều được dịch từ tài liệu Fixed point theorems and applications (Các định lý về điểm bất động và ứng dụng) của Vittorino Pata.
Câu hỏi đặt ra là không lẽ người hướng dẫn luận văn thạc sĩ của vị cán bộ nọ không biết học viên của mình “hô biến” tài liệu nước ngoài.
4. ”An toàn” và “hạnh phúc” hơn các trường hợp trên là đứng tên trong một công trình nghiên cứu tập thể nhưng thực tế không tham gia nghiên cứu.
Điều này thường xảy ra khi lãnh đạo trường phổ thông được giáo viên ghi tên vào danh sách đồng tác giả của đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm (sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích…).
Dĩ nhiên không phải mọi lãnh đạo nhà trường đều “ngồi mát ăn bát vàng”, hưởng thành quả nghiên cứu của người khác. Nhưng phải thừa nhận rằng vẫn có một số lãnh đạo trường phổ thông đứng tên chung công trình với người khác nhưng thực tế không tham gia nghiên cứu.
5. Như vậy, việc đạo văn không chỉ xảy ra trong sáng tác văn học, mà còn xuất hiện trong nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức. Điều đáng nói là người đạo văn vẫn vô tư “thó” công trình của người khác mà không hề cảm thấy tội lỗi.
Để công bằng, chúng tôi muốn kết thúc bằng cách “thú nhận” rằng một phần tựa bài viết đã lấy cảm hứng từ tên tập truyện dân gian Nghìn lẻ một đêm và từ tên phim Năm mươi sắc thái.