27/11/2024

ĐTC Phanxicô: Các Kitô hữu phải đồng hành với nhau trong đức tin

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 05.06 dành cho hàng chục ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã thuật lại các hoạt động của ngài trong chuyến viếng thăm kéo dài 3 ngày tại Rumani, từ ngày 31.05 đến 02.06. Trước hết ĐTC cám ơn chính quyền dân sự và giáo quyền tại Rumani đã giúp cho chuyến viếng thăm của ngài được thực hiện tốt đẹp.

 ĐTC Phanxicô: Các Kitô hữu phải đồng hành với nhau trong đức tin

 

 

 

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 05.06 dành cho hàng chục ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã thuật lại các hoạt động của ngài trong chuyến viếng thăm kéo dài 3 ngày tại Rumani, từ ngày 31.05 đến 02.06.

Trước hết ĐTC cám ơn chính quyền dân sự và giáo quyền tại Rumani đã giúp cho chuyến viếng thăm của ngài được thực hiện tốt đẹp. Nhưng trên hết, ĐTC cảm tạ Chúa đã cho đấng vế vị Thánh Phêrô trở lại viếng thăm nước này, 20 năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đồng hành với nhau

Tiếp đến, ĐTC trình bày mục đích của chuyến viếng thăm, như khẩu hiệu của chuyến viếng thăm, ngài đã mời gọi “đồng hành với nhau”. ĐTC chia sẻ: “Niềm vui của tôi là có thể làm điều này không phải là từ xa hay từ trên cao, nhưng bằng cách chính tôi bước đi giữa dân tộc Rumani, như một người hành hương trên trái đất này. Những cuộc gặp gỡ khác nhau đã nêu bật giá trị và sự cần thiết phải cùng nhau bước đi, giữa các Kitô hữu, trên bình diện đức tin và từ thiện, và giữa các công dân, về mức độ cam kết dân sự.”

Bí tích Rửa Tội, máu các vị tử đạo và đau khổ, liên kết các Kitô hữu

Phần đầu của chuyến viếng thăm của ĐTC là các cuộc gặp gỡ với các Giáo hội Kitô anh em. ĐTC cho biết về tương quan huynh đệ giữa các Giáo hội khác nhau. Ngài nói: “Tại Rumani, phần lớn các tín hữu thuộc Chính thống giáo, hiện tại do Đức Thượng phụ Daniel lãnh đạo, người mà tôi có tình anh em và biết ơn. Cộng đồng Công giáo, cả “Hy Lạp” và “Latinh”, vẫn sống và hoạt động. Sự liên kết giữa tất cả các Kitô hữu, mặc dù không hoàn toàn, được dựa trên bí tích rửa tội duy nhất và được đóng ấn bởi máu và đau khổ mà họ cùng nhau gánh chịu trong thời kỳ bách hại đen tối, đặc biệt là trong thế kỷ trước dưới chế độ vô thần. Cũng có một cộng đoàn Tin Lành Luther tuyên xưng cùng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và có những tương giao tốt đẹp với các tín hữu Chính thống và Công giáo.”

Cùng bước đi trong ký ức hoà giải và hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn

Những khoảnh khắc đại kết đặc biệt được ĐTC kể lại. Đó là cuộc gặp gỡ rất thân mật với Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng của Giáo hội Chính thống Rumani. ĐTC cho biết: “Trong đó tôi nhắc lại mong muốn của Giáo hội Công giáo là cùng nhau bước đi trong ký ức hoà giải và hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn, mà chính người dân Rumani đã tiên báo về điều này qua lời cầu nguyện trong chuyến viếng thăm của thánh Gioan Phaolô II.”

Kinh Lạy Cha là di sản chung của tất cả những người được rửa tội

ĐTC cho biết chiều kích đại kết quan trọng của cuộc hành trình đạt đến đỉnh điểm trong buổi cầu nguyện long trọng, đọc Kinh Lạy Cha, tại nhà thờ Chính thống giáo mới và hùng vĩ của thành phố Bucarest. ĐTC nói: Đây là một khoảnh khắc có giá trị biểu tượng mạnh mẽ, bởi vì Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt vời của Kitô giáo, là di sản chung của tất cả những người được rửa tội. Không ai có thể nói “Chúa Cha của tôi” hoặc “Chúa Cha của các bạn”. ĐTC khẳng định: “Kinh Lạy Cha là di sản của tất cả những người được lãnh nhận phép rửa. Chúng tôi đã chỉ ra rằng sự hiệp nhất không lấy đi sự đa dạng hợp pháp. Xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta sống mãi mãi như con cái Chúa và như những người anh em với nhau.”

Ba Thánh lễ tại Rumani

Tiếp đến, ĐTC nhắc lại những hoạt động dành cho Cộng đoàn Công giáo. ĐTC chia sẻ: “Chúng tôi đã cử hành ba Phụng vụ Thánh Thể. Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Chính toà của Bucarest, vào ngày 31.05, ngày lễ Đức Mẹ đi viếng bà Isave, một biểu tượng của Giáo hội trên hành trình đức tin và bác ái. Thánh lễ thứ hai được cử hành tại đền thánh ở  Șumuleu Ciuc, là điểm hành hương của rất nhiều người. Ở đó, Thánh Mẫu của Thiên Chúa tập hợp các tín hữu thuộc nhiều ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống. Và buổi Phụng vụ Thánh Thể thứ ba được cử hành tại Blaj, trung tâm của Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Rumani, với nghi thức phong chân phước cho bảy giám mục Công giáo Hy Lạp, những nhân chứng của tự do và lòng thương xót xuất phát từ Tin Mừng.”

Các chân phước mới là những chứng nhân của tự do và lòng thương xót

ĐTC nhắc lại chứng tá của một trong những chân phước mới, Đức cha Iuliu Hossu, với những lời chân phước đã viết trong thời gian bị giam tù như sau: “Thiên Chúa đã gửi chúng ta vào bóng tối đau khổ này để mang lại ơn tha thứ và cầu nguyện cho tất cả mọi người được hoán cải.” ĐTC khẳng định: “Khi nghĩ về những cực hình khủng khiếp mà họ phải chịu, những lời này là một bằng chứng của lòng thương xót.”

Mở ra những con đường để cùng nhau bước đi

ĐTC chia sẻ tiếp: “Đặc biệt, cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi và gia đình, được tổ chức tại Iaşi, một thành phố cổ và một trung tâm văn hoá quan trọng, một ngã tư giữa phương Tây và phương Đông, là một lễ hội. Đó là một nơi mời bạn mở ra những con đường để cùng nhau bước đi, trong sự phong phú đa dạng, trong sự tự do không dứt bỏ nguồn cội nhưng thu hút bạn theo một cách sáng tạo. Cuộc gặp gỡ này cũng có ý nghĩa thánh mẫu và kết thúc với việc phó dâng những người trẻ và gia đình cho Thánh Mẫu của Thiên Chúa.”

Chống lại sự phân biệt đối xử; tôn trọng mọi người


“Chặng cuối cùng trên hành trình là cuộc viếng thăm cộng đồng người du mục Rom ở thành phố Blaj. Người Rom sống rất đông ở thành phố đó, và vì thế, tôi muốn chào họ và tái kêu gọi chống lại mọi sự phân biệt đối xử, và kêu gọi tôn trọng mọi người thuộc mọi sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo.”

Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cảm tạ Chúa về chuyến tông du này và cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cho chuyến đi được sinh nhiều hoa trái cho Rumani và cho Giáo hội tại nước này.
 
 
 

Hồng Thuỷ