12/01/2025

Người say thế nào thì bị cấm lên máy bay?

Từ 1.6, những hành khách “mất khả năng làm chủ hành vi” do sử dụng rượu bia, chất kích thích sẽ không được chuyên chở trên máy bay.

 

Người say thế nào thì bị cấm lên máy bay?

Từ 1.6, những hành khách “mất khả năng làm chủ hành vi” do sử dụng rượu bia, chất kích thích sẽ không được chuyên chở trên máy bay.
 
 
 
 

Người say thế nào thì bị cấm lên máy bay?

 
 
Đây là điểm rất mới được quy định trong Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không VN, có hiệu lực từ 1.6.2019.

Từng lúng túng do thiếu quy định cấm

Điều 58 Thông tư 13 quy định kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị mất khả năng làm chủ hành vi do bệnh tâm thần, hoặc do sử dụng rượu, bia, các chất kích thích. Đồng thời, không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia, chất kích thích. Đây là điểm mới so với Thông tư 01 vào năm 2016 của Bộ GTVT; bởi điều 61 Thông tư 01 chỉ quy định không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng chất kích thích.
 

Vấn đề hành khách say rượu bia có được phép đi máy bay hay không từng nảy sinh rất nhiều tranh cãi từ trước những năm 2010; và trước Thông tư 13, cũng chưa có một quy định chính thức nào về việc cấm hành khách say rượu đi máy bay.

 
Tình trạng say rượu của hành khách khi đi máy bay diễn ra với rất nhiều hãng bay. Cuối năm 2015, ông T.T.Đ (ngụ TP.HCM) trong quá trình làm thủ tục lên máy bay từ Vinh – TP.HCM, khi nhân viên an ninh soi chiếu yêu cầu mở hành lý kiểm tra, ông Đ. đã nói “trong hành lý tôi có bom”. Ông Đ. còn gây mất trật tự, khiến nhân viên an ninh phải khống chế và có biện pháp kiểm tra hành lý nghi vấn. Kết quả kiểm tra hành lý không có bom, lý do hành khách này dọa chỉ vì… say rượu, mất kiểm soát hành vi.
 
Trước đó, năm 2014, trên chuyến bay VN195 từ Cam Ranh (Nha Trang) đi Hà Nội, khi lên máy bay, hành khách Đ.X.Đ có biểu hiện say rượu, không chấp hành hướng dẫn của tiếp viên, thậm chí còn gây gổ với hành khách ngồi cạnh. Một hành khách khác trên chuyến bay từ Hà Nội đi Nga vào tháng 2.2013, trong quá trình bay còn say rượu, đi lại nhiều trên máy bay, gây gổ với hành khách ngồi gần, hút thuốc trong bếp phía sau. Dù tiếp viên nhiều lần nhắc nhở nhưng hành khách này không hợp tác, thậm chí nằm gác chân qua lối đi, đe dọa đánh tiếp viên…
 

Đại diện một hãng hàng không cho biết trước đây do chưa có quy định, nên dù khách có mùi cồn, hãng phải đợi khách có hành vi quấy rối mới có thể từ chối phục vụ (trường hợp máy bay chưa cất cánh). Với những khách đã say rượu lên máy bay mới gây rối khiến an ninh, an toàn chuyến bay bị đe dọa; và vấn nạn này cũng gây nhiều khó khăn cho xử lý, chưa kể tốn thời gian để nhân viên an ninh đưa khách xuống, công tác sắp xếp hành lý…

Do hãng hàng không và sân bay quyết định

Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT đặt ra quy định từ chối chuyên chở bằng đường hàng không đối với “ma men”. Tuy nhiên, khách say đến mức nào sẽ bị cấm lại chưa được quy định chi tiết.
 
Trả lời Thanh Niên, đại diện Cục Hàng không (Bộ GTVT) – cơ quan tham gia soạn thảo Thông tư 13, cho biết việc quy định nhóm hành khách bị cấm bay căn cứ theo Nghị định 92/2015 của Chính phủ. Theo đó, Cục trưởng Cục Hàng không sẽ căn cứ hành vi vi phạm của hành khách, có thể áp dụng cấm chuyên chở với những khách có hành vi gây rối, gây mất an toàn, an ninh hàng không. Quy định này cũng theo thông lệ quốc tế, được nhiều nước áp dụng.
 

Dù ủng hộ việc cấm đối với khách say rượu, bia, song câu hỏi được nhiều hãng hàng không và người dân quan tâm là: say xỉn đến mức nào sẽ bị cấm?, bởi Thông tư 13 chỉ quy định cấm chuyên chở với những hành khách “mất khả năng làm chủ hành vi” do sử dụng rượu, bia, chất kích thích, nhưng không quy định chi tiết, nồng độ cồn ở mức bao nhiêu sẽ bị cấm.

 
“Tính thực tế trong quy định của Thông tư 13 chưa rõ, nếu chỉ quy định mất khả năng làm chủ hành vi thì cũng tương tự trước đây, khi hành khách có hành vi gây rối do bia, rượu, thì mời nhân viên an ninh sân bay lập biên bản, từ chối phục vụ. Chỉ khác ở chỗ thông tư cho phép hãng hàng không, sân bay có quyền tự đánh giá. Nhưng đánh giá này mang định tính mà chưa có định lượng, tức là nhân viên sẽ định tính hành vi giống mất khả năng tự chủ thì cấm”, đại diện một hãng hàng không trong nước nhìn nhận và cho rằng việc chỉ định tính rất nhạy cảm, dễ gây tranh cãi, kiện cáo của hành khách.
 
Trên thực tế, rất khó để áp dụng việc đo nồng độ cồn của người đi máy bay, vì có những người chỉ uống một ít rượu đã say, nhưng nồng độ cồn lại không đạt mức để cấm lên máy bay, trong khi nhiều người có nồng độ cồn cao nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo.
 
Trước lo ngại này, đại diện Cục Hàng không cho biết việc kiểm tra, giám sát và từ chối vận chuyển được trao quyền cho các hãng hàng không và cảng hàng không dựa trên 2 yếu tố: an toàn và an ninh. An toàn là không đủ sức khỏe để lên máy bay; và an ninh là người có biểu hiện say rượu không kiểm soát được hành vi, có nguy cơ gây rối, gây mất an ninh, thậm chí tấn công người khác trên máy bay.
 
“Những nguy cơ này khi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên của hãng và nhân viên an ninh đều có thể kiểm tra, xác định với những người say xỉn mất khả năng làm chủ hành vi, như đi không vững, nói năng mất tự chủ… Còn thông tư không quy định chính xác nồng độ cồn bị cấm lên máy bay”, đại diện Cục Hàng không nhấn mạnh.
 
 

Như thế nào là mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia ?

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích dẫn đến mất khả năng làm chủ hành vi chỉ là định tính, không có định lượng được, tức sẽ dựa vào cảm tính của nhân viên hàng không; dựa vào việc hành khách có hành vi, hành động, lời nói bất thường, không có chủ đích cụ thể.
 
“Vì vậy, để xác định được hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích, là lúc hành khách có men rượu, có biểu hiện gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cá nhân, an toàn chuyến bay và ảnh hưởng đến người khác, thì hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành khách cùng việc xử phạt hành chính với những hành vi liên quan”, luật sư Hoan nói.
 
Luật sư Lê Văn Hoan cho rằng quy định đo nồng độ cồn tại sân bay, đối với hành khách là không phù hợp, vì hành khách trên chuyến bay là người được vận chuyển, không phải là người điều khiển phương tiện nên việc dựa vào nồng độ cồn để từ chối vận chuyển hành khách là không nên.
 
Phan Thương

 

Thế giới cũng cấm

Hầu hết tổ chức hàng không dân dụng ở các nước đều có quy định cấm người say xỉn hoặc có dấu hiệu say xỉn lên máy bay, nếu xác định đối tượng có thể gây ảnh hưởng đến an toàn của máy bay, phi hành đoàn và những hành khách khác.
 
Luật liên bang Mỹ cấm các hãng bay cho người có biểu hiện say xỉn rõ ràng lên máy bay, và tiếp viên hàng không cũng không được phép bán rượu bia cho hành khách say xỉn. Bên cạnh đó, hành khách nếu có hành vi tấn công, hăm dọa hay can thiệp vào công việc của phi hành đoàn có thể chịu mức phạt lên tới 35.000 USD (819 triệu đồng) và án tù tối đa 20 năm, theo trang Traveller.
 
Cục Hàng không dân dụng Anh (CAA) đưa ra quy định các hãng hàng không có quyền từ chối chở những hành khách có biểu hiện hoặc hành vi đe dọa đến sự an toàn của chuyến bay. Cơ quan này cũng đưa ra hình phạt tùy theo mức độ vi phạm, theo đó việc say xỉn trên máy bay có thể bị phạt tối đa 5.000 bảng (147 triệu đồng) và 2 năm tù giam. Người có hành vi gây hại đến sự an toàn của máy bay có thể bị ngồi tù đến 5 năm. Những hành khách gây rối cũng có thể phải bồi thường toàn bộ chi phí, nếu sự cố khiến máy bay phải chuyển hướng, thường dao động từ 10.000 – 80.000 bảng Anh tùy vào kích cỡ máy bay và nơi nó chuyển hướng.
 
Cục An toàn hàng không dân dụng Úc (CASA) quy định hành khách say xỉn trước khi lên máy bay, hoặc say xỉn trên máy bay là phạm tội, có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố. Ngoài ra, hành khách chỉ được uống rượu do phi hành đoàn phục vụ, và không được uống rượu mua từ trước khi lên máy bay.
 
Bảo Vinh

 

MAI HÀ