14/01/2025

Trẻ sốt cơn co giật hơn 5 phút, phải gọi cấp cứu ngay!

Sốt co giật là tình trạng co giật khi trẻ sốt cao, gặp ở 2-4% trẻ trong độ tuổi 6 tháng – 5 tuổi, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 12-18 tháng tuổi. Người lớn cần hiểu đúng về sốt co giật và có cách xử trí phù hợp để tránh biến chứng gây hại cho trẻ.

 

Trẻ sốt cơn co giật hơn 5 phút, phải gọi cấp cứu ngay!

Sốt co giật là tình trạng co giật khi trẻ sốt cao, gặp ở 2-4% trẻ trong độ tuổi 6 tháng – 5 tuổi, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 12-18 tháng tuổi. Người lớn cần hiểu đúng về sốt co giật và có cách xử trí phù hợp để tránh biến chứng gây hại cho trẻ.


 

Sốt co giật đa số là lành tính, trông có vẻ đáng sợ nhưng nó không ảnh hưởng đến não bộ hay trí thông minh của trẻ. Trẻ bị sốt co giật không có nghĩa là trẻ sẽ bị động kinh.

Biểu hiện của sốt co giật

Co giật do sốt thường xảy ra vào ngày đầu tiên của bệnh. Hầu hết các cơn co giật xảy ra khi nhiệt độ cao hơn 39 độ C.

Có 2 loại sốt co giật: đơn giản và phức tạp:

– Sốt co giật đơn giản: thường gặp nhất, khi bị co giật, trẻ mất ý thức và co giật toàn thân, hầu hết các cơn co giật không kéo dài quá một đến hai phút, mặc dù chúng có thể kéo dài đến 15 phút. Khi co giật trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, sùi bọt mép, mắt trợn trắng, tiêu tiểu trong cơn co giật. Sau cơn co giật, trẻ có thể buồn ngủ, nhưng không bị yếu tay hoặc chân.

– Sốt co giật phức tạp: ít gặp hơn và có thể kéo dài hơn 15 phút, bị sốt co giật lặp lại trong vòng 24 giờ, co giật 1 bên cơ thể, có thể bị yếu tạm thời một cánh tay hoặc một chân sau cơn co giật.

Nguyên nhân gây sốt co giật:

Nhiễm trùng: Co giật do sốt có thể xảy ra do sốt kèm theo nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.

Chích ngừa: Sốt co giật có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại vắc-xin nhưng ít gặp.

Tiền sử gia đình: nếu một thành viên trong gia đình có tiền sử bị sốt co giật làm tăng nguy cơ co giật do sốt ở trẻ.

Làm gì khi trẻ bị sốt co giật?

Nếu trẻ bị sốt co giật hãy:

– Đặt trẻ nằm xuống sàn hoặc giường, tránh xa những vật cứng, sắc nhọn vì có thể va phải làm trẻ bị thương;

– Nghiêng đầu trẻ sang một bên để nước bọt hoặc chất nôn có thể chảy ra từ miệng;

– Đừng cho bất cứ thứ gì vào miệng của trẻ trong cơn co giật (bao gồm cả thuốc) vì nguy cơ gây hít sặc;

– Nới lỏng quần áo trẻ, để thoáng mát, không trùm chăn mền;

– Hạ sốt cho trẻ bằng cách dùng thuốc hạ sốt dạng đạn dược đặt hậu môn, liều lượng 10-15mg/ kg cân nặng;

– Cố gắng lưu ý thời gian của cơn co giật. Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút, gọi cấp cứu ngay.

Khi cơn co giật kết thúc, hãy đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân gây sốt. Trẻ có thể cần nhập viện để theo dõi và được bác sĩ cho làm một số xét nghiệm nếu trẻ bị sốt co giật phức tạp, trẻ dưới 12 tháng tuổi bị sốt co giật hoặc trẻ sốt co giật kèm với các triệu chứng bất thường (lừ đừ, li bì, cổ cứng, nôn ói …).

Dự phòng sốt co giật được không?

Thuốc chống co giật không được khuyến cáo để ngăn ngừa cơn co giật do sốt vì có nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng sức khoẻ trẻ.

Ngoài ra, trẻ không bị sốt thì không nên dùng thuốc hạ sốt để phòng ngừa (ví dụ: acetaminophen hoặc ibuprofen) vì thuốc không giúp ngăn ngừa co giật do sốt.

Trẻ có nhiều khả năng bị sốt co giật tái phát khi:

– Tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em bị co giật do sốt;

– Trẻ đã từng bị sốt co giật trước đó;

– Trẻ có cơn sốt co giật đầu tiên trước 15 tháng tuổi;

– Co giật xuất hiện sớm từ khi khởi phát sốt;

– Co giật xuất hiện khi sốt nhẹ.

Cần làm gì khi trẻ sốt?

Thuốc: Khi trẻ bị sốt, có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng không phải lúc nào cũng cần dùng. Mục đích dùng thuốc hạ sốt là giúp bé giảm sự khó chịu do sốt gây ra, thuốc hạ sốt chỉ có thể giúp bé giảm được khoảng 1 – 1,5 độ C.

Các loại thuốc hạ sốt có thể dùng cho bé là acetaminophen (không nên được sử dụng ở trẻ dưới ba tháng tuổi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ) hoặc ibuprofen (không nên được sử dụng ở trẻ dưới sáu tháng tuổi). Liều thuốc hạ sốt được tính dựa trên cân nặng của trẻ (không phải tuổi).

Thuốc hạ sốt chỉ nên được dùng khi cần thiết và ngưng sử dụng khi các triệu chứng khó chịu đã được giải quyết.

Uống nước: Bị sốt có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị mất nước. Để giảm nguy cơ này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước. Trẻ bị sốt có thể không cảm thấy đói, không cần thiết phải ép trẻ ăn. Nếu trẻ không muốn uống hoặc không thể uống nước trong hơn một vài giờ, nên đưa trẻ đi khám.

Nghỉ ngơi: Bị sốt khiến hầu hết trẻ cảm thấy mệt mỏi và đau nhức. Trong thời gian này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nếu trẻ thấy mệt. Trẻ có thể đi học lại khi nhiệt độ đã bình thường trong 24 giờ.

Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ?

● Trẻ dưới 3 tháng tuổi đo nhiệt độ nách từ 37,5 độ C trở lên;

● Trẻ trên 3 tháng tuổi sốt từ 38 độ C trở lên kèm tình trạng quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống, thở bất thường, nôn ói …;

● Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên;

● Trẻ bị co giật do sốt;

● Trẻ bị sốt hơn 7 ngày, ngay cả khi sốt chỉ kéo dài vài giờ trong một ngày;

● Trẻ bị sốt và có bệnh mãn tính như bệnh tim, thiếu máu …;

● Trẻ bị sốt kèm phát ban da.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

 

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG