10/01/2025

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 7 Phục Sinh năm C: Chúa Thăng Thiên

Chúa Giêsu được đem lên trời (Lc 24,51), được cất lên (Cv 1,9), được rước lên (Cv 1,2.22). Thánh Luca đã dùng ba động từ khác nhau để mô tả việc Chúa thăng thiên.

 

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH NĂM C:

CHÚA THĂNG THIÊN

Lc 24,46-53

 

     1. Bài Tin Mừng này nằm trong bối cảnh nào, xảy ra khi nào? Đọc toàn bộ Luca chương 24. Mọi chuyện trong chương này có vẻ xảy ra trong vòng mấy ngày? Có khác với Cv 1,3-11 không?

     2. Luca 24,25-27 và Luca 24,44-46 có những điểm nào giống nhau? Từ đó cho thấy một trong những việc quan trọng mà Chúa Giêsu Phục Sinh làm cho các môn đệ là gì?

     3. Đọc Lc 24,46. Trước đây có khi nào Đức Giêsu tiên báo về thân phận của mình không?

     4. Đọc Lc 24,25-27 và Lc 24,45-48. Lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các tông đồ có gì khác với lời Ngài nói với hai môn đệ Emmau không? Đâu là sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ?

     5. Bêtania ở đâu? Đọc Cv 1,12. Cử chỉ cuối của Chúa Giêsu trước khi về trời (Lc 24,50) giống cử chỉ của ai? Đọc sách Huấn Ca 50,20-23.

     6. Tin Mừng Luca khởi đầu và kết thúc ở bối cảnh nào? Cuộc hành trình cuối đời của Đức Giêsu là cuộc hành trình đi đâu (Lc 9,51)? Đâu là nơi xuất phát công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai? Đọc Lc 24,47; Cv 1,8; 8,14-17.

     7. Chúa Giêsu được đem lên trời (Lc 24,51), được cất lên (Cv 1,9), được rước lên (Cv 1,2.22). Thánh Luca đã dùng ba động từ khác nhau để mô tả việc Chúa thăng thiên. Đâu là nét chung của ba cách mô tả này?

     8. Có nhân vật nào trong Cựu Ước đã được đem lên trời không? Đọc Sáng Thế 5,24; 2 Vua 2,11. Đức Giêsu được đưa về trời có gì khác biệt không với những nhân vật đó?

     9. Cử chỉ bái lạy của các tông đồ (Lc 24,52) diễn tả niềm tin gì của họ đối với Chúa Giêsu? Đọc Lc 4,5-8.

 

     CÂU HỎI SUY NIỆM: “Anh em là những chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Muốn trở thành chứng nhân cho Chúa, cần những điều kiện nào? Người Kitô hữu cần làm chứng về điều gì cho thế giới hôm nay?

 

     PHẦN TRẢ LỜI:

   1- Bài Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ sau khi Ngài sống lại. Biến cố này diễn ra vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Lc 24,1). “Cũng ngày hôm ấy” (Lc 24,13), Chúa lại hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmau vào lúc “trời đã xế chiều” (Lc 24,19), rồi hiện ra với tất cả các ông (Lc 24,36-49). Cuối cùng Ngài được đem lên trời (Lc 24,50-53). Mọi chuyện có vẻ được diễn ra nội trong một ngày theo Tin Mừng Luca. Còn sách Công vụ Tông đồ, tuy cũng của thánh sử Luca, lại nói đến việc Chúa Giêsu ở với các môn đệ 40 ngày sau khi Ngài được phục sinh, rồi mới “được cất lên trời” (Cv 1,3-11).

    2- Luca 24,25-27 và Luca 24,44-46 có nét giống nhau. Khi gặp các môn đệ hay tông đồ, Chúa Giêsu Phục Sinh thường giải thích sách Thánh Cựu Ước cho họ. Ngài sử dụng các sách Ngũ Thư được coi là của ông Môsê, tất cả các sách Ngôn Sứ, và cả các Thánh Vịnh nữa (Lc 24, 27.44). Ngài chứng minh cho họ thấy các sách Kinh Thánh Cựu Ước đã viết về Ngài, và Ngài đã làm “ứng nghiệm” lời trong các sách ấy. Điểm đặc biệt được ứng nghiệm đó là: Đức Kitô phải chịu đau khổ, rồi mới vào vinh quang, mới được sống lại từ cõi chết (Lc 24, 26.46). Vậy một trong những việc quan trọng Chúa Phục Sinh làm cho các môn đệ, đó là giúp họ hiểu được biến cố thập giá. Biến cố này không phải là một thất bại cay đắng nhục nhã, nhưng là điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, và đã được báo trước trong các Sách Thánh.

    3- Trước đây Đức Giêsu đã ba lần tiên báo về số phận sắp đến của mình (Lc 9,22.44; 18,31-34). Ngoài ra, Ngài cũng ám chỉ trong nhiều lần khác (Lc 12,49; 14,33; 22,19-20.37).

    4- Luca 24,25-27 và 24,45-48 có một điểm khác nhau quan trọng. Khi hiện ra với hai môn đệ Emmau, Chúa Giê su chưa trao sứ mạng gì cho hai ông. Nhưng khi Ngài hiện ra cho các Nhóm Mười Một và các bạn hữu thì Ngài sai họ đi rao giảng cho mọi dân tộc, kêu gọi người ta hoán cải để được ơn tha tội, và làm chứng nhân cho Ngài (Lc 24,47-48).

    5- Bêtania ở trên núi Ôliu (x. Cv 1,12). Đây là nơi Chúa Giêsu được đem lên trời theo thánh Luca. Đang khi được lên trời, Ngài chúc lành cho các môn đệ và các ông bái lạy Ngài (Lc 24,50-52). Cử chỉ này giống với cử chỉ của vị thượng tế Simôn khi ông chúc lành cho toàn thể cộng đồng con cái Israel, và dân chúng phủ phục đón nhận phúc lành (Huấn Ca 50,20-23).

    6- Tin Mừng Luca khởi đầu với cảnh ông Giacaria lo việc tế tự trong Đền Thờ Giêrusalem (Lc 1,9), và kết thúc với chuyện các môn đệ trở lại Giêrusalem, và chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ (Lc 24,52-53). Như thế Đền Thờ ở Giêrusalem vừa là nơi khởi đầu, vừa là nơi kết thúc của cuốn Tin Mừng Luca. Cuộc hành trình cuối đời của Đức Giêsu là cuộc hành trình lên Giêrusalem (Lc 9,31). Giêrusalem cũng là nơi xuất phát công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai (Lc 24,47; Cv 1,8; 8,14-17).      

    7- Thánh Luca đã dùng ba động từ khác nhau để diễn tả cùng một biến cố: Chúa Giêsu được đem lên trời (Lc 24,51 anephereto), được cất lên (Cv 1,9 epêrthê), được rước lên (Cv 1,2.22 avelêmphthê). Cả ba động từ này đều ở dạng thụ động: Chúa Giêsu được Chúa Cha đưa về trời. Hơn nữa các động từ đều có chữ “lên”.

    8- Sách Sáng Thế 5,24 nói về ông Khanốc như sau: “sau khi đi với Thiên Chúa, ông không còn nữa, vì Thiên Chúa đã đem ông đi.” Sách 2 Vua 2,11 nói về ông Êlia “lên trời trong cơn gió lốc.” Như thế Cựu Ước có nói đến một vài nhân vật được đưa lên trời mà không phải qua cái chết. Còn Đức Giêsu là Đấng được đưa về trời sau khi đã chết, đã được chôn táng, và đã được Thiên Chúa phục sinh từ cõi chết.

    9- Cử chỉ bái lạy của các tông đồ trước Đức Giêsu Phục Sinh (Lc 24,52) là một cử chỉ thờ phượng. Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Đức Giêsu đã từ chối bái lạy Satan và nói rõ chỉ bái lạy hay thờ phượng một mình Thiên Chúa thôi (Lc 4,5-8).