13/01/2025

Để nhà giáo ‘tự quyết’ tuổi nghỉ hưu, được không?

Chúng ta nên có chính sách linh động, nên có cơ chế và có ‘độ giãn nở’, cho biên độ tuổi nghỉ hưu rộng ra một chút để giáo viên tự mỗi người có sự sắp xếp riêng, chứ đừng cứng nhắc quá.

 

Để nhà giáo ‘tự quyết’ tuổi nghỉ hưu, được không?

Chúng ta nên có chính sách linh động, nên có cơ chế và có ‘độ giãn nở’, cho biên độ tuổi nghỉ hưu rộng ra một chút để giáo viên tự mỗi người có sự sắp xếp riêng, chứ đừng cứng nhắc quá.
 
 


Để nhà giáo tự quyết tuổi nghỉ hưu, được không? - Ảnh 1.

Một tiết học nhóm của cô trò lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Theo dõi về các bài viết liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhà giáo, bản thân tôi không đồng tình và cũng không phản đối việc tăng tuổi hưu cho giáo viên vì theo tôi, làm gì chúng ta có “công thức chung” cho tất cả giáo viên hiện có ở Việt Nam?

Với luồng ý kiến không đồng tình, đa số quan điểm đưa ra lập luận là những giáo viên già, lớn tuổi “giành chỗ”, “giữ ghế”, “ù lì” không theo kịp lớp trẻ, vậy thì đừng nên tăng tuổi hưu để những giáo viên này không choáng chỗ, ngáng đường cho lớp trẻ.

Trong khi đó, với luồng ý kiến đồng tình đưa ra các luận điểm cho rằng rất nhiều giáo viên tâm huyết, dày dạn kinh nghiệm và muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Theo tôi thì chúng ta nên có chính sách linh động, nên có cơ chế và có “độ giãn nở”, cho biên độ tuổi nghỉ hưu rộng ra một chút để giáo viên tự mỗi người có sự sắp xếp riêng, chứ đừng cứng nhắc quá.

Những thầy giáo, cô giáo nào yêu nghề, tự thấy còn sức gắn bó với nghề thì có thể làm đơn, giấy khám sức khỏe, thậm chí nên có những buổi thăm dò ý kiến từ đồng nghiệp, học trò để xem cô giáo, thầy giáo đó nên về hưu sớm hay muộn.

Theo tôi biết, có những thầy cô giáo dù già nhưng rất có tâm huyết và rất yêu nghề. Họ không nỡ rời bục giảng và kể cả học trò cũng chẳng muốn xa họ.

Nghề giáo là nghề đặc thù, làm việc càng nhiều năm càng có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, càng hiểu được tâm lý học trò và họ có sự ứng xử rất chuẩn mực, tính kiên nhẫn và sự kiên trì cần thiết của một nhà giáo.

Không phải không có lý do mà thời xưa mối quan hệ thầy – trò khắng khít, thắm thiết đến độ những học trò năm ấy giờ đã bạc đầu vẫn tới thăm thầy cô giáo cũ của mình. Và đa số họ đều là những con người thành đạt, sâu sắc.

Ngược lại, lớp trẻ bây giờ năng động có đó, hiện đại có đó nhưng với chiều sâu cần thiết của nghề thì chưa có, vì thế ngày nay rất nhiều trường hợp thầy cô giáo trẻ không kiềm chế được cảm xúc, có những hành động phi giáo dục và thậm chí là bạo hành, bạo lực học đường.

Nhiều vụ bạo hành, đánh trẻ xảy ra gần đây đa số là những lớp thầy cô giáo trẻ, họ thiếu kiên nhẫn, chưa yêu nghề và không hiểu sâu sắc được ý nghĩa cao cả của nghề.

Tôi có thầy giáo dạy toán. Thầy dạy rất giỏi, có nghề, mấy chục năm kinh nghiệm. Thầy dạy từ thời anh chị tôi còn nhỏ xíu đến lượt tôi, cháu tôi… Và đùng một cái thầy bị tai biến, không thể dạy được nữa. Bao nhiêu học trò tiếc nuối vì không được học ở thầy.

Dù lớp thầy cô giáo trẻ sau này có giỏi và năng động thế nào cũng không thể bằng thầy. Đó là trường hợp một người thầy lớn tuổi, nhưng kinh nghiệm và cách dạy học của thầy thì khó có giáo viên trẻ nào trong trường có thể sánh được.

Nghề giáo là nghề đặc biệt. Tăng tuổi hưu hay giữ nguyên hoặc giảm xét cho cùng chỉ đúng với một nhóm thầy cô giáo nào đó. Mà chúng ta thì không có công thức chung cho tất cả trường hợp.

Vì vậy, theo tôi, để những thầy cô tâm huyết với nghề có nhiều thời gian cống hiến hơn hay để lớp trẻ có cơ hội phát triển mà không bị “lớp già” ngáng đường thì hãy tăng biên độ độ tuổi nghỉ hưu và nên có những trường hợp xét theo đơn tự nguyện, đơn xét duyệt hoặc một cuộc thăm dò ý kiến. Như vậy có vẻ công bằng và hợp lý hơn cho tất cả các giáo viên.

 

HUYỀN NGA