Chở con ngang hiện trường tai nạn, coi chừng trẻ bị ám ảnh hàng chục năm
‘Hồi 5 tuổi, tôi thấy một người đàn ông mặc áo màu xanh dương bị xe tải cán qua người ở quốc lộ 13 (TP.HCM). Cảnh tượng đó ám ảnh tôi một thời gian rất dài, đi vào cả giấc ngủ’.
Chở con ngang hiện trường tai nạn, coi chừng trẻ bị ám ảnh hàng chục năm
‘Hồi 5 tuổi, tôi thấy một người đàn ông mặc áo màu xanh dương bị xe tải cán qua người ở quốc lộ 13 (TP.HCM). Cảnh tượng đó ám ảnh tôi một thời gian rất dài, đi vào cả giấc ngủ’.
Trong số nhiều người hiếu kỳ theo dõi một vụ tai nạn giao thông có cả trẻ em và phụ huynh bế theo con nhỏ – Ảnh: LÊ PHAN
“Tôi sợ hãi đến mức luôn cho rằng người nhà mình cũng sẽ bị như vậy và tìm mọi cách ngăn không cho bố mình mặc áo màu xanh dương”.
Anh M.V. (34 tuổi) nhớ lại những ký ức khi vô tình nhìn thấy cảnh tai nạn giao thông trên đường từ hàng chục năm trước.
Theo các bác sĩ, có rất nhiều tình huống khiến trẻ bị ám ảnh hoặc tổn thương tâm lý như bị hiếp dâm, trải qua các vụ thảm sát, thảm họa thiên nhiên, bị bạo hành, nhìn thấy người thân qua đời…
Trong một số trường hợp, phụ huynh chở con đi ngang qua hiện trường các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, để trẻ vô tình nhìn thấy cũng có thể gây ám ảnh nặng cho trẻ.
Ảnh hưởng hành vi, cảm xúc
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, trẻ 2 – 3 tuổi đã có thể nhận biết được khi chứng kiến những cảnh ghê rợn, gây cú sốc đột ngột về tinh thần.
Các hình ảnh này có thể tái diễn trong đầu trẻ từ 15 đến 20 phút sau khi xảy ra, nhưng cũng có thể vài tiếng, vài tuần hoặc vài tháng sau đó, thậm chí có khi cả chục năm. Đôi khi, cha mẹ không để ý đến nỗi sợ hãi của trẻ cho đến khi trẻ mang các ám ảnh này nói ra trong bữa ăn hoặc trước khi ngủ.
“Nhiều trẻ đang ngồi ăn thì nhớ lại, không ăn nữa mà ngồi thừ ra khóc, nói với bố mẹ là con sợ quá thì lúc đó phụ huynh mới biết trẻ vẫn còn bị ám ảnh từ chuyện cũ” – BS Quang cho biết.
Tùy nhận thức và nhân cách mà mỗi trẻ có những phản ứng khác nhau thay đổi từ nhẹ đến nặng đối với sốc tâm lý, nhưng biểu hiện rõ nét nhất là về mặt hành vi và cảm xúc, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, học tập của trẻ.
Có trẻ cáu gắt, biếng ăn, khó ngủ, sợ sệt không chịu ra khỏi nhà mà luôn quanh quẩn, tìm cách bấu víu vào người thân, không muốn tiếp xúc với người lạ. Trẻ tìm đủ lý do để tránh đi học hoặc đặt điều kiện như không được đi ngang nơi chúng đã thấy tai nạn. Một số trẻ khác ngơ ngác, ngồi im lặng không nói gì hoặc phát âm ra những từ ngữ rất lạ.
“Một số trẻ bị nặng hơn dẫn đến rối loạn lo âu, ám ảnh sợ. Nếu không kịp thời điều trị tâm lý cho trẻ sẽ dễ tái đi tái lại, dẫn đến tình trạng mạn tính mà đỉnh điểm là trẻ có các cơn rối loạn âu lo ngày một nhiều, hoảng loạn, gào thét và khóc lóc, đồng thời hồi tưởng lại chuyện cũ” – BS Quang nói.
Nâng đỡ tinh thần trẻ
Thực tế cho thấy có nhiều phụ huynh khi đi ngang hiện trường các vụ tai nạn giao thông, vì tò mò mà nán lại xem nhưng vô tình quên mất đứa trẻ đi cùng cũng phải chứng kiến cảnh tượng thương tâm, khủng khiếp từ vụ tai nạn.
BS Quang cảnh báo khi đang chở trẻ mà gặp tai nạn, phụ huynh nên chuyển hướng lưu thông hoặc tìm mọi cách tránh để trẻ phải trông thấy các cảnh này.
BS Ngọc Quang cũng nêu một thực tế là khi cấp cứu tai nạn giao thông, hiện nay đội ngũ cứu thương và người dân cũng thường chỉ tập trung vào cứu chữa nạn nhân. Mọi người còn khá lúng túng trong việc trấn an tâm lý cho trẻ có mặt trong tai nạn.
“Tại Pháp, ngoài kỹ thuật ứng cứu cơ bản, người ta còn quan tâm rất nhiều đến việc vỗ về về mặt tâm lý. Khi xảy ra tai nạn, ngoài việc bế trẻ ra khỏi hiện trường để trẻ không phải thấy cảnh người thân bị nạn còn cần an ủi, xoa đầu, làm dịu tâm lý trẻ” – BS Quang nói.
Bác sĩ nhấn mạnh cần nhanh chóng cho trẻ rời khỏi nơi xảy ra vụ việc. Đối với trẻ từng trải qua các biến cố quá lớn như sống sót sau thảm sát, thảm họa, cần cách ly trẻ khỏi môi trường cũ, không nên để trẻ quay lại và gợi nhớ ám ảnh cũ.
Theo các bác sĩ, phụ huynh có con từng trải qua biến cố hoặc trông thấy những cảnh gây ám ảnh cần chú ý đến các biểu hiện hành vi, cảm xúc của trẻ bằng cách quan sát trẻ ăn uống, học hành, nghỉ ngơi. Nếu cần thiết, có thể trao đổi với nhà trường và bạn bè của trẻ để tìm hiểu.
Đặc biệt, cần chú ý nếu trẻ học hành chểnh mảng, không tập trung, thay đổi tính tình, thiếu kiềm chế, khó ngủ hoặc thức khuya, ngồi, nằm một chỗ trầm ngâm suy nghĩ hoặc ngơ ngác.
Cần cho trẻ xem các hình ảnh vui tươi, tạo cho trẻ sự an tâm, tăng cường thời gian thư giãn và chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bồi dưỡng nhân cách cho trẻ bằng những câu chuyện nhân văn, khơi gợi trí tưởng tượng tích cực.
Khi cần thiết, phụ huynh cần ghi nhận các thay đổi về hành vi, cảm xúc của trẻ và đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý để có hướng tư vấn, điều trị kịp thời.
Trò chuyện thế nào với trẻ?
Theo The Trauma and Grief Network, một mạng lưới trực thuộc Đại học Quốc gia Úc do Chính phủ Úc tài trợ, người thân nên thẳng thắn giúp trẻ đối diện với những ám ảnh thay vì cố ý tránh né chúng.
Tuy nhiên, người lớn cần đóng vai trò như một hình mẫu để trẻ noi theo trong cách ứng xử bằng cách quản lý cảm xúc của bản thân, điềm tĩnh khi nói về vấn đề, chia sẻ cho trẻ những cách mà bản thân bạn dùng để vượt qua căng thẳng.
Hãy trả lời các câu hỏi của trẻ một cách đơn giản và thành thật, tìm hiểu xem trẻ có muốn biết gì hoặc có lo lắng về vấn đề gì sau sự việc xảy ra, sửa lại thông tin nếu thấy trẻ hiểu sai hoặc hiểu lầm. Nói cho trẻ biết rõ rằng biến cố đã xảy ra trong quá khứ và hiện giờ trẻ đã được an toàn, nhấn mạnh việc trẻ cần phải bản lĩnh để sống tiếp.
Ngoài ra, hãy nói với trẻ về những điều tích cực trong câu chuyện, ví dụ như bạn bè và mọi người đã giúp đỡ trẻ ra sao, hoặc bản thân trẻ đã cố gắng tốt thế nào để vượt qua biến cố…