Gốc trung thực đang bị lung lay, nghi ngờ
Giáo dục là cái gốc của xã hội. Vậy mà cái gốc trung thực đó lại bị lung lay, nghi ngờ, bị gian dối. Nếu không chỉnh đốn, vun đắp gấp cho cái gốc ngày càng bền chặt, vô số hệ luỵ xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Giáo dục là cái gốc của xã hội. Vậy mà cái gốc trung thực đó lại bị lung lay, nghi ngờ, bị gian dối. Nếu không chỉnh đốn, vun đắp gấp cho cái gốc ngày càng bền chặt, vô số hệ luỵ xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Vào thời thơ ấu của tôi, mẹ tôi ngoài việc làm cô giáo, dạy toán tại một trường cấp II ở Bạc Liêu, mẹ quần quật với công việc đồng áng và nuôi dạy ba anh em chúng tôi.
Tôi nhớ một buổi sáng chủ nhật, hai người học trò của mẹ đến nhà tôi. Họ ăn mặc bảnh bao, trên tay họ nặng trĩu túi quà. Nấp sau cánh cửa khép hờ, tôi thấy mẹ thẳng thừng từ chối những món quà đắt tiền đó.
Mẹ nói rằng nếu mẹ thiên vị cho ai đó trong lớp, có nghĩa là mẹ không công bằng với các học sinh khác.
Khi hai học trò ra về cùng với túi quà vẫn nặng trĩu trên tay, mẹ tôi vội vã ra đồng cùng đôi quang gánh. Nhìn dáng đi tất tả của mẹ, tôi biết rằng mình vừa học được bài học lớn về đạo đức làm người và lòng trung thực.
Thật may mắn là tôi đã nhận được những bài học quan trọng ấy không chỉ từ mẹ tôi, mà còn từ các thầy cô giáo khác. Họ không chỉ truyền cho tôi kiến thức mà còn biết bao niềm tin vào sự công bằng và lòng trung thực.
Vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La gần đây chỉ là tảng băng nổi của một thực trạng: gian lận trong ngành giáo dục đã trở thành những con bạch tuộc lôi kéo sự tham gia của nhiều thành phần bao gồm phụ huynh, học sinh, hội đồng chấm thi, các bên liên quan…
Những hành động dối trá của họ vừa vi phạm pháp luật, vừa gây ra những tổn thất nặng nề đối với danh dự của những nhà giáo chân chính, lòng tin của xã hội nói chung vào ngành giáo dục, đồng thời tước đi cơ hội của biết bao học sinh có thực lực.
Không chỉ có những vụ chạy điểm, sự trung thực trong ngành giáo dục còn được phản ánh trong một thực trạng gần đây: tỉ lệ học sinh được điểm tuyệt đối, tỉ lệ học sinh giỏi cao một cách đáng ngờ.
Những năm tôi đi học, trường của tôi thường chỉ có một hoặc hai học sinh giỏi và rất ít học sinh khá. Trong khi đó, tỉ lệ điểm 10, tỉ lệ học sinh giỏi của các trường tiểu học, THCS hiện nay phổ biến đến mức không điểm 10, không học sinh giỏi mới lạ!
Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định năm 2019, ngành giáo dục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận rằng chính việc đăng ký thi đua làm cho nhiều thầy cô phải chạy đua điểm “ảo”, và bộ sẽ tích cực để hạn chế vấn đề này, để kết quả học tập của học sinh phản ánh được chất lượng giáo dục thực tế.
Gần một nửa năm 2019 đã trôi qua, tình hình vẫn vậy, trong khi gian lận thi cử ở Sơn La phanh phui những thông tin ngày càng sốc. Có lẽ đã đến lúc Bộ GD-ĐT và các cấp chức năng cần nhìn thẳng sự thật để có những biện pháp kiên quyết và mạnh tay hơn.
Chúng ta mong chờ những hình phạt không chỉ có tính chất cảnh báo, răn đe, phòng ngừa mà còn đảm bảo tính công bằng, minh bạch, bình đẳng trước pháp luật, giúp trả lại sự trung thực cho ngành giáo dục.
Giáo dục là cái gốc của xã hội. Vậy mà cái gốc trung thực đó lại bị lung lay, nghi ngờ, bị gian dối. Nếu không chỉnh đốn, vun đắp gấp cho cái gốc ngày càng bền chặt, vô số hệ lụy xảy ra là điều không thể tránh khỏi.