Không sử dụng ngân sách để biên soạn SGK
|
|
|
Bộ sẽ không thể lựa chọn một số cuốn trong mỗi bộ SGK sẵn có để “lắp ghép” thành một bộ SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ SGK theo đúng nghĩa
|
|
|
PGS Bùi Mạnh Hùng
|
|
|
Cùng với việc cho phép thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số SGK cho mỗi môn học, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK”.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là sau khi trả lời chính thức về việc Bộ sẽ không thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK do không đủ ứng viên tham gia viết SGK, thì việc thực hiện trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về việc biên soạn một bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88 sẽ ra sao? PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Nghị quyết 88 giao trách nhiệm “tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” cho Bộ GD-ĐT là để đảm bảo không thiếu SGK của môn học hay lớp học nào khi thực hiện chương trình SGK mới theo đúng tiến độ đã được quy định. Việc Bộ không trực tiếp mời tác giả biên soạn SGK như phương án ban đầu cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ một bộ SGK của tất cả các môn học, lớp học.
Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học.
Không có khái niệm “SGK của Bộ”
|
|
Dự kiến giao kế hoạch biên soạn, xuất bản cho NXB Giáo dục VN
Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT giao kế hoạch biên soạn, xuất bản một bộ SGK cho NXB Giáo dục VN, đơn vị trực thuộc của Bộ GD-ĐT. Việc giao kế hoạch biên soạn và xuất bản một bộ SGK này được thực hiện theo quy định tại Nghị định Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý. “Bộ giao kế hoạch biên soạn và xuất bản cho NXB Giáo dục VN để bảo đảm đầy đủ một bộ SGK các môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, bộ SGK này vẫn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để thẩm định công bằng với các SGK của các NXB khác”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
|
|
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển chương trình giáo dục
phổ thông, cho rằng việc Bộ GD-ĐT không trực tiếp tuyển chọn biên soạn SGK và không “đóng dấu” tên Bộ GD-ĐT vào một bộ SGK là xu hướng tiến bộ.
Nếu thành lập nhóm tác giả gọi là “của Bộ”, sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước để tổ chức viết SGK thì sẽ rất khó giải thích là các bộ SGK đều đảm bảo cạnh tranh công bằng với nhau. Việc triển khai một bộ SGK đòi hỏi những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp), do vậy ông Hùng cũng cho rằng Bộ sẽ không thể lựa chọn một số cuốn trong mỗi bộ SGK sẵn có để “lắp ghép” thành một bộ SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ SGK theo đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, khi thực hiện nhiều SGK theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, dù Bộ có trách nhiệm “tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” nhưng sẽ không có khái niệm “bộ SGK của Bộ”. Trách nhiệm quan trọng nhất của Bộ khi có nhiều bộ/cuốn SGK là thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đảm bảo SGK nào được thẩm định, phê duyệt và cho phép sử dụng đều đảm bảo chất lượng và Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng của tất cả SGK đã được thẩm định, phê duyệt ấy.
Công khai, công bằng trong thẩm định các bộ SGK
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng sau khi được Hội đồng thẩm định phê duyệt thông qua thì các bộ SGK đều có giá trị sử dụng công bằng, không có sự phân biệt. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD-ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK; đồng hành cùng các nhà xuất bản các bộ/cuốn SGK để đảm bảo chất lượng của từng SGK; hỗ trợ, tạo điều kiện trong các khâu như thử nghiệm, phát hành, tập huấn… để giảm chi phí cho tất cả các bộ SGK để giảm giá thành cho người sử dụng SGK.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa khi có nhiều SGK là Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền.
Đã có nhiều bộ SGK
Theo báo cáo của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN, từ đầu năm 2018, sau khi dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông được công bố, NXB này đã triển khai nghiên cứu, biên soạn bản thảo SGK theo chương trình mới bằng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của đơn vị; đã tổ chức dạy thực nghiệm SGK lớp 1 các môn học tại một số trường tiểu học. Đến nay, tiến độ biên soạn SGK của NXB này đã đạt khoảng 90% đối với SGK lớp 1 và sẽ hoàn thành bản mẫu SGK lớp 1 trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK trong tháng 7.2019, kịp thời phục vụ năm học 2020 – 2021.
Ngoài NXB Giáo dục VN, hiện có 6 NXB khác được phép xuất bản SGK, gồm: NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Huế và NXB ĐH Vinh. Một số NXB trên đã có liên kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc biên soạn SGK, có khả năng hoàn thành bản mẫu SGK lớp 1 trình Hội đồng quốc gia thẩm định kịp phục vụ năm học 2020 – 2021.
|
TUỆ NGUYỄN