11/01/2025

UBND tỉnh chọn sách giáo khoa cho học sinh có phù hợp?

Việc giao UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.

 

UBND tỉnh chọn sách giáo khoa cho học sinh có phù hợp?

Việc giao UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
 
 
 

Học sinh trong tiết học ngữ văn /// Đ.N.T

Học sinh trong tiết học ngữ văn  Đ.N.T

 

Ngày 22.5, trước thông tin dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra điểm mới so với dự thảo trước đây quy định về chủ thể lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường, nhiều giáo viên và hiệu trưởng các trường đã đưa ra quan điểm khác nhau.

Nhà trường, giáo viên chọn SGK sẽ không cảm tính?

Theo dự thảo trước, quy định việc lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường sẽ do các trường quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến của phụ huynh và học sinh. Thì nay, trong dự thảo Luật GD (sửa đổi), quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Với đề xuất thay đổi chủ thể lựa chọn SGK như trên, giáo viên H.L.T đang dạy tại một trường THCS (Q.1, TP.HCM), nói rằng việc giáo viên và nhà trường có quyền lựa chọn SGK sẽ không cảm tính mà xuất phát từ sự quan sát thực tế của học sinh. Giáo viên và nhà trường sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp với trình độ, định hướng phát triển của nhà trường. Và để giúp học sinh có thể tiếp cận với những bộ sách chất lượng về nội dung, hình thức và phát triển nhận thức, trình độ, năng lực bản thân, đòi hỏi các trường mà ở đây chủ yếu là vai trò của các giáo viên là sự tích cực. Mỗi bộ sách cần đội ngũ giáo viên thể hiện năng lực chuyên môn, bản lĩnh của nhà trường.

 

Theo giáo viên này việc giáo viên hay UBND tỉnh chọn sách dạy học sinh, mỗi góc độ có những ưu thế và hạn chế khá nhau. Vì vậy các cơ quan quản lý và có quyền quyết định việc làm này nên cân nhắc góc độ nào có ưu thế tạo hiệu quả cao đối với học sinh thì đưa ra quy định.

Riêng giáo viên N.T.H.Ngân (Q.4, TP.HCM) cho rằng việc thay đổi quyền lựa chọn SGK như vậy thể hiện việc giao quyền tự chủ cho các trường, cho giáo viên chỉ mang tính hình thức. Trước đây, khi đề cập đến việc SGK mang tính hàn lâm, thiếu thực tế, giáo viên cứ phải chạy theo phân phối chương trình, phải dạy cho đủ cho hết… nên mới giao quyền chọn tài liệu dạy học sinh cho giáo viên. Bây giờ các nhà chức trách lại lo việc để các cơ sở giáo dục tự chọn SGK có thể dẫn đến tình trạng lộn xộn, không thống nhất trong sử dụng SGK ở các địa phương e rằng hơi khiên cưỡng. Định hướng là một chương trình nhiều bộ sách SGK và SGK chỉ được đưa ra sử dụng khi có sự thẩm định của Bộ GD-ĐT thì sao phải lo?.

Giáo viên tham gia hội đồng thẩm định

Còn ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ nếu UBND tỉnh có quyền quyết định chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục thì nên chăng phân cấp cho Sở GD-ĐT đơn vị phụ trách chuyên môn giáo dục của địa phương, đề xuất, tham mưu và chịu trách nhiệm.

Từ đó, ông Hải đưa ra phương án, mỗi sở cần thành lập một hội đồng thẩm định mà thành viên là những giáo viên được lựa chọn từ các trường có chuyên môn tốt nhất, có năng lực thẩm định để tham gia vào quá trình chọn sách giảng dạy trong nhà trường.

Tương tự, ông Trần Đức Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) đưa ra ý kiến, trình độ và năng lực của giáo viên không đồng đều từ trong trường cho đến giữa các trường, các quận, huyện với nhau. Nên chăng UBND tỉnh giao trách nhiệm này cho ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, thông qua giáo viên, mỗi trường có đề xuất riêng và theo phân cấp từ quận, huyện sẽ đề xuất lên sở. Như vậy sẽ vừa có tiếng nói của giáo viên, của cơ sở giáo dục, bộ sách lựa chọn sẽ sát thực tế hơn.

 

BÍCH THANH