11/01/2025

Khốn khổ vì ‘lô cốt’

“Lô cốt” án ngữ trên đường trong khi công trình “án binh bất động”, làm mãi không xong ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông ở TP.HCM, khiến nhiều người khốn khổ.

 

Khốn khổ vì ‘lô cốt’

“Lô cốt” án ngữ trên đường trong khi công trình “án binh bất động”, làm mãi không xong ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông ở TP.HCM, khiến nhiều người khốn khổ.

 
 
 

Xe buýt chiếm trọn làn đường ở giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam (P.3, Q.8) vì lô cốt đã án ngữ khoảng 50% lòng đường
Xe buýt chiếm trọn làn đường ở giao lộ Phạm Thế Hiển – Dạ Nam (P.3, Q.8) vì lô cốt đã án ngữ khoảng 50% lòng đường

 

“Điệp khúc” kẹt xe

Tại giao lộ Phạm Thế Hiển – Dạ Nam (P.3, Q.8), một “lô cốt” rộng khoảng 5 m, dài khoảng 30 m đã án ngữ ở đây gần cả năm trời khiến lòng đường bị bóp chặt. Mỗi khi xe tải, xe buýt di chuyển qua, những phương tiện khác gần như không có lối đi.
 
Dưới cầu vượt Nguyễn Văn Cừ (đường Phạm Thế Hiển, P.1, Q.8), tình trạng kẹt xe do “lô cốt” cũng không kém. Ở khu vực này, cứ vào thời gian cao điểm buổi sáng và buổi chiều, lại diễn ra “điệp khúc” kẹt xe. Chiều 13.5, PV ghi nhận tình trạng kẹt xe cục bộ diễn ra liên tục trên đoạn đường này. “Lô cốt” hiện diện ngay giữa lòng đường, mỗi khi ô tô từ 2 chiều cùng di chuyển qua thì kẹt xe xảy ra ngay lập tức.
 
Khốn khổ vì ‘lô cốt’ - ảnh 1
Những vũng nước đọng trên đường Cao Lỗ đã khiến nhiều người té ngã

 
Kẹt xe do “lô cốt” ở khu vực cầu Kênh Tẻ (nối Q.4 với Q.7) cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người khi phải di chuyển qua đây. Nếu lúc trước chỉ mất vài phút chạy qua, cả năm nay, người dân phải hóa… “rùa”, mất vài chục phút mới qua cầu mỗi buổi tan tầm. Điều đáng nói là hiếm khi bảo vệ công trình có mặt hướng dẫn giao thông. Tiếp cận với một bảo vệ đang túc trực trong “lô cốt” trên đường Phạm Thế Hiển, PV Thanh Niên đặt câu hỏi vì sao không ra điều tiết giao thông, người này phân trần: “Tôi nói thiệt, dân bảo vệ tụi tôi toàn dưới nhà quê mới lên Sài Gòn làm việc, qua đường thôi còn không dám huống chi cầm gậy điều tiết giao thông!”. Ngoài kẹt xe, xung quanh khu vực lô cốt còn có sự hiện diện của nhiều ổ gà, ổ voi… khiến người dân lưu thông qua lại luôn đối mặt với nguy hiểm.
 
Còn trên đường Cao Lỗ (P.4, Q.8), ổ gà, ổ voi dày đặc; nước đọng thành từng vũng chỉ chực chờ “bẫy” người đi đường. “Tôi chứng kiến không dưới 10 vụ tai nạn giao thông ở khu vực này. Có hôm, 2 vợ chồng với đứa con nhỏ té luôn vào bên trong lô cốt. Bên dưới nước sâu nhưng may mắn được người dân vớt lên kịp thời”, ông Phan Văn Thanh (ngụ đường Cao Lỗ, Q.8) kể.
 
Lô cốt còn xuất hiện dày đặc trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Khoảng 15 giờ 30 ngày 16.5, PV Thanh Niên chứng kiến một vụ tai nạn giao thông ở sát vị trí rào chắn trên tuyến đường này. “Đi đường này phải có… kinh nghiệm né “lô cốt”. Chạy bình thường như những đường khác thì té phải rồi”, một người dân chứng kiến vụ việc bình luận.
 
Khốn khổ vì ‘lô cốt’ - ảnh 2
Rào chắn tạm bợ, không người thi công, không bảo vệ trông coi… là lô cốt nằm trên đường Cao Lỗ (P.4, Q.8)

Dân khổ !

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, 66 tuổi (ngụ đường Phạm Thế Hiển, P.1, Q.8), cho biết: “Bình thường tôi bán một ngày 3 cây nước đá, lời vài chục ngàn để phụ lo nhỏ cháu đi học. Từ khi “lô cốt” dựng tại đây, một ngày bán được còn 1 cây. Công trình án ngữ lâu ngày làm khu vực này tan nát. Quán tạp hóa bên cạnh một ngày bán 4 – 5 triệu đồng, giờ ế ẩm phải đóng cửa”. Bà Anh nhớ lại: “Bữa trước kẹt đường quá, người dân thấy bảo vệ không ra dẹp đường nên bức xúc, xô xát với bảo vệ công trình. Tôi cũng nản lắm! Nhiều lúc muốn chuyển đi chỗ khác cho rồi…”.
 
Còn ông Phan Văn Thanh (62 tuổi, ngụ đường Cao Lỗ, P.4, Q.8) nói: “Tôi nhẩm tính lô cốt này “mọc” trên 2 năm rồi. Việc này khiến nhà tôi kinh doanh, mua bán chẳng được gì; sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Công trình cũng chẳng đền bù gì hết”. Ông Thanh cho hay, công tác vệ sinh công trình quá cẩu thả. Ổ gà, ổ voi dày đặc khiến người đi đường té liên tục. “Người lớn tuổi qua đây té nằm chỏng chơ như cơm bữa, tôi ra phụ đỡ lên hoài. Không ai làm nên dân bức xúc, tự lấp ổ gà. Riêng tôi, lấy xe rùa lấp ổ gà, ổ voi không biết bao lần mà kể”, ông Thanh ngán ngẩm.
 
Khốn khổ vì ‘lô cốt’ - ảnh 3
 
Bên trong công trình chẳng có ai khác ngoài… bảo vệ
 

Bà Hoàng Thị Vinh (55 tuổi, ngụ P.3, Q.8) nhớ lại: “Lúc chắn đường, dân buôn bán không được nên tập trung phản ứng không cho thi công. Lúc trước tiệm bán xe máy cũ cạnh lô cốt bán chạy ào ào, giờ ế quá họ phải bỏ đi biệt xứ”.
 
Theo tìm hiểu của PV, các lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển, Cao Lỗ hầu hết bắt đầu thi công từ tháng 3.2018 và kết thúc vào tháng 3.2019. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại các lô cốt đều “án binh bất động”, chưa thi công xong và đã xin giấy phép gia hạn thi công do Sở GTVT TP.HCM cấp.

“Thích thì làm, không thích thì nghỉ”

Khoảng 19 giờ 30 ngày 10.5, lô cốt nằm dưới cầu Nguyễn Văn Cừ (đường Phạm Thế Hiển) im lìm, không một bóng công nhân nào làm việc bên trong. Theo quan sát của PV Thanh Niên, công trình này còn dựng bảng thông báo “tạm dừng thi công”. 20 giờ ngày 12.5 cũng y điệp khúc cũ, lô cốt không một công nhân làm việc ngoài vài bảo vệ đang… ngồi nói chuyện bên trong. Chiều 13.5, công trình vẫn tiếp tục tình trạng “vườn không nhà trống”. Khoảng 21 giờ ngày 12.5, một lô cốt trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) cũng “cửa đóng, then cài”, PV quan sát bên trong chỉ thấy một nhóm người đang ngồi ăn uống.
 
Khuya 14.5, lô cốt trên đường Cao Lỗ (P.4, Q.8) cũng chẳng thấy bóng dáng người thi công. Thậm chí bảo vệ trông coi, điều tiết hướng dẫn cho người dân cũng không có. Trong khi đường sá ổ voi, ổ gà dày đặc, nước đọng thành vũng, vô cùng nguy hiểm cho phương tiện qua lại.
 
Khốn khổ vì ‘lô cốt’ - ảnh 4
Kẹt xe liên tục ở khu vực dưới cầu Nguyễn Văn Cừ (đường Phạm Thế Hiển, P.1, Q.8, TP.HCM), nơi có lô cốt án ngữ thời gian dài

 
Để hiểu rõ hơn lịch trình làm việc bên trong công trình thi công, PV Thanh Niênđã tiếp cận với những người canh gác công trình. “Tôi làm bảo vệ công trình chứ có biết gì đâu. Hiện giờ ở đây có 2 bảo vệ chứ chẳng còn ai nữa. Tôi không biết gì nên nếu cần tôi gọi đội trưởng tới nói chuyện”, ông Trần Quan Đồ, bảo vệ lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển (P.3, Q.8), cho hay.
 
“Ở trong này mấy giờ làm việc?”, PV đặt câu hỏi cho bảo vệ lô cốt gần giao lộ Phạm Thế Hiển – Cao Lỗ (Q.8). “Vô chừng lắm, tôi không biết được. Vì tụi nó (công nhân – PV) thích thì làm, không thích thì nghỉ. Có lúc đang làm tự dưng nghỉ là nghỉ. Tôi coi ngó vật tư thôi, tối ngủ lại luôn. Cũng chẳng biết bao giờ công trình xong vì thấy đào tới đào lui hoài…”, bảo vệ trả lời. “Tôi làm bảo vệ ở công trình này khoảng một năm nay rồi. Chừng 9 giờ xe tải đi nhiều là kẹt xe, trưa học sinh đi về cũng kẹt. Tôi ra điều tiết giao thông bị mấy ông tài xế xe hơi chửi hoài. Phải nói ngọt chứ công trình làm cản trở giao thông mình đâu có quyền nói nặng nói nhẹ người ta”, bảo vệ này chia sẻ thêm (còn tiếp)
 

“Lô cốt” mọc trên 54 tuyến đường

Trong báo cáo tháng 4.2019 về kết quả kiểm tra công tác thi công xây dựng công trình thiết yếu trên địa bàn TP.HCM (từ 21.3.2018 – 20.4.2019), Sở GTVT TP thống kê có 137 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường. Trong đó, Q.8 có số lượng “khủng” nhất với 50 rào chắn; Q.1 có 8 vị trí; Q.2 có 14 vị trí; Q.4 có 16 vị trí… Thanh tra Sở GTVT (thuộc Sở GTVT) đánh giá một số nhà thầu, đơn vị thi công vi phạm các hành vi như: không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong (10 trường hợp); thi công trên đường bộ không treo biển báo thông tin công trình (8 trường hợp); không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp (6 trường hợp); để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông (3 trường hợp)…

 

TRÁC RIN