10/01/2025

Chúa Nhật V Phục Sinh, năm C: Hội Thánh

Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ giới răn yêu thương như là mối giây liên kết các ông trong cộng đoàn môn đệ và như là chứng tá cho tư cách môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Yêu thương chính là chuẩn mực cho mọi cộng đoàn Kitô hữu.

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C

(Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

HỘI THÁNH

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:                                là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

 

Khởi đi từ cộng đoàn các môn đệ quy tụ quanh Chúa Giêsu, Hội Thánh dần rộng mở đón nhận tất cả những ai tin vào Đức Giêsu nhờ hoạt động rao giảng Tin Mừng của các tông đồ và môn đệ. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh lữ hành vẫn tiếp tục, dẫu phải đối diện với nhiều khó khăn, thách đố, cho đến khi đạt tới sự viên mãn nơi Hội Thánh khải hoàn.

         

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

    Sách Công vụ Tông đồ cho thấy sứ mạng của Hội Thánh thời sơ khai, cách riêng là công việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại của hai ông Phaolô và Banaba, với các hoạt động như sau:

    Trước hết, đó là hoạt động rao giảng Tin Mừng và thành lập các cộng đoàn. Khi đến bất cứ nơi nào, điều ưu tiên trước hết của hai ông Phaolô và Banaba là loan báo Tin Mừng và nhận nhiều người làm môn đệ (x. Cv 14,21b). Đối với hai ông, loan báo Tin Mừng và đón nhận những người dân ngoại tin Đức Giêsu vào trong Hội Thánh là ý định của Thiên Chúa, Đấng mở cửa cho dân ngoại đón nhận đức tin (x. Cv 14,27). Vì xác tín như vậy nên các ông không ngừng mở rộng việc loan báo Tin Mừng và thành lập các cộng đoàn Hội Thánh ở rất nhiều nơi mà các ông đi qua.

    Sau nữa, đó là việc củng cố tinh thần và khuyên nhủ các tín hữu giữ vững đức tin. Thật vậy, sau khi thành lập các cộng đoàn, hai ông Phaolô và Banaba tiếp tục quan tâm chăm lo cho đời sống tinh thần của các tín hữu. Hai ông thăm viếng, an ủi, khích lệ và khuyên nhủ họ kiên vững trong đức tin, nhất là trong những lúc khó khăn, vì “chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (x. Cv 14,22). Đức tin còn non yếu của các tín hữu gốc dân ngoại cần được củng cố nhờ sự động viên và khích lệ, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, thử thách.

   Cuối cùng, đó là việc cắt đặt các kỳ mục để coi sóc cộng đoàn. Vì phải đi nhiều nơi rao giảng và thành lập các cộng đoàn, hai ông Phaolô và Banaba không thể trực tiếp lo cho đời sống tinh thần của các tín hữu, nên trong mỗi cộng đoàn,các ông cắt đặt các kỳ mục để họ trực tiếp lo cho đời sống đức tin của các tín hữu. Hơn nữa, hai ông còn cầu nguyện và phó thác họ cho Thiên Chúa (x. Cv 14,23), vì xác tín rằng chỉ với ơn Chúa, việc phục vụ của các kỳ mục mới đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho các tín hữu.

    Sứ mạng của hai ông Phaolô và Banaba được thể hiện qua ba hoạt động: rao giảng và thành lập các cộng đoàn; củng cố tinh thần và khuyên nhủ giữ vững đức tin; cắt đặt các kỳ mục trực tiếp coi sóc. Trong một chừng mực nào đó, mô hình rao giảng Tin Mừng này vẫn có thể được áp dụng ngày nay.

 

2. Bài đọc 2

    Tác giả sách Khải huyền mô tả thị kiến về “trời mới đất mới”, trong đó Hội Thánh chính là Giêrusalem mới từ trời xuống, nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Hội Thánh này có hai đặc điểm sau:

    Thứ nhất, khi Thiên Chúa đưa công trình tạo dựng và cứu độ đến giai đoạn cuối cùng với “trời mới đất mới”, Người hoàn toàn tiêu diệt sự ác (Kh 21,1). Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt và an ủi những ai đã sống trung tín với Người. Người sẽ loại trừ sự chết và sẽ “không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Vì thế, tất cả những ai đã trải qua bao đau khổ, thử thách vì Đức Kitô và Tin Mừng, sẽ được tân lang là Đức Kitô đón chào trong thành thánh Giêrusalem trên trời.

    Thứ hai, sự xuất hiện của Giêrusalem mới từ trời xuống là hình ảnh Hội Thánh thiên quốc. Hội Thánh này là công trình của Thiên Chúa chứ không phải do tay con người làm ra; và đó là nơi Thiên Chúa cam kết sẽ mãi ở cùng nhân loại qua một giao ước vĩnh cửu (x. Kh 21,3). Đây là nơi Thiên Chúa ngự trị và là nơi ở dành cho những người được tuyển chọn.

    Thị kiến về trời mới đất mới, về Hội Thánh là Giêrusalem từ trời xuống, đem lại niềm an ủi và sự khích lệ lớn lao cho những ai đang bị bách hại hay sống đời chứng nhân cho Đức Kitô và Tin Mừng.

 

3. Bài Tin Mừng

    Trong diễn từ tiệc ly, Chúa Giêsu cho thấy con đường dẫn đến vinh quang mà Người sắp hoàn tất để tôn vinh Thiên Chúa. Đồng thời, Người cũng nhắn nhủ các môn đệ hãy yêu thương nhau theo mẫu gương của Người.

    Trước hết, thập giá là con đường mà Thiên Chúa muốn Đức Giêsu phải đi qua để đạt tới vinh quang phục sinh. Khi chấp nhận con đường thập giá theo thánh ý Thiên Chúa, Đức Giêsu làm cho Thiên Chúa được tôn vinh. Như thế, từ thập giá đến vinh quang là con đường cứu độ mà Đức Giêsu phải đi qua để tôn vinh Thiên Chúa. Không qua thập giá thì chẳng thể đến được vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang mà không có thập giá thì chỉ là vinh quang theo kiểu của con người.

    Hơn nữa, trước khi rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu còn trối lại cho các ông giới răn yêu thương. Yêu thương là điều răn mới vì chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ để các ông biết yêu như Người đã yêu. Lòng yêu thương đó được diễn tả cách cụ thể qua sự hy sinh tính mạng mình. Thêm nữa, yêu thương là sức mạnh nối kết các môn đệ trong những lúc khó khăn, khi mà Thầy không còn ở bên cạnh họ nữa. Yêu thương cũng là chứng tá sống động để người ta nhận biết người môn đệ đích thật của Đức Kitô.

    Trước khi bước vào cuộc thương khó để tiến vào vinh quang, Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ giới răn yêu thương như là mối giây liên kết các ông trong cộng đoàn môn đệ và như là chứng tá cho tư cách môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Yêu thương chính là chuẩn mực cho mọi cộng đoàn Kitô hữu.

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Hoạt động của hai ông Phaolô và Banaba theo tường thuật của sách Công vụ Tông đồ có thể được tóm lại trong ba công việc: một là, rao giảng Tin Mừng và thành lập các cộng đoàn; hai là, củng cố tinh thần các tín hữu và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin; ba là cắt đặt các kỳ mục để họ trực tiếp coi sóc cộng đoàn. Hoạt động rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay cũng có thể dựa trên những yếu tố cơ bản này.

2/ Sách Khải huyền cho thấy thị kiến về trời mới đất mới, về Hội Thánh là Giêrusalem từ trời xuống. Hội Thánh lữ hành luôn phải đối diện với những thách đố không ngừng ở mọi thời và mọi nơi. Thị kiến này đem lại niềm an ủi và sự khích lệ lớn lao cho những ai đang bị bách hại hay sống đời chứng nhân cho Đức Kitô và Tin Mừng. Mọi khó khăn, thách đố, bách hại Hội Thánh rồi sẽ đến hồi kết thúc, khi Thiên Chúa đổi mới mọi sự.

3/ Đứng trước cuộc thương khó, Chúa Giêsu xác tín rằng con đường dẫn tới vinh quang phục sinh cần phải trải qua đau khổ của thập giá, nhưng con đường thập giá mới là con đường vinh quang mà Thiên Chúa muốn Người đi. Dẫu đường thập giá có lắm chông gai, tình yêu đối với Thiên Chúa chính là động lực giúp Đức Giêsu vượt qua tất cả. Người cũng muốn để lại cho các môn đệ giới răn yêu thương vừa như là mối dây liên kết cộng đoàn môn đệ, vừa như là chứng tá cho Tin Mừng yêu thương mà các ông rao giảng. Cộng đoàn Hội Thánh ở mọi nơi và mọi thời chỉ có thể đứng vững trước bao sóng gió nếu liên kết với nhau trong tình yêu thương.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người và trao cho chúng ta giới răn mới là hãy yêu thương nhau. Với quyết tâm thực hành lời Chúa dạy, cộng đoàn chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta:

1. Hội Thánh có sứ vụ đem tình thương cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết tích cực làm lan tỏa bình an và sức sống của Chúa Kitô Phục sinh bằng một đời sống yêu thương và phục vụ.

2. Ghen ghét hận thù chính là nguồn gốc của bao đau khổ và khủng hoảng trên khắp thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa biến đổi tâm hồn những người chủ trương bạo động tranh chấp, giúp họ biết giải quyết xung đột bằng tình yêu và thông cảm.

3. Cuộc vượt qua của Chúa Giêsu đã đem lại trời mới đất mới cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết tích cực sống đời sống mới trong ân sủng của Đấng Phục sinh, cùng nỗ lực chung xây nền văn minh tình thương cho thế giới.

4. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người đang hiện diện nơi đây trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô qua đời sống bác ái, luôn hiền lành và khiêm nhường theo gương của Người.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con thực thi giới răn mà Con Chúa truyền dạy, để nên những chứng nhân sống động cho lòng thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.