11/01/2025

Hà Nội: báo động trường lớp quá tải

Sĩ số 60-70 học sinh/lớp là tình trạng xảy ra trong nhiều mùa tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội. Năm học 2019-2020 sắp tới, số lượng học sinh tiếp tục tăng.

 

Hà Nội: báo động trường lớp quá tải

Sĩ số 60-70 học sinh/lớp là tình trạng xảy ra trong nhiều mùa tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội. Năm học 2019-2020 sắp tới, số lượng học sinh tiếp tục tăng.
 
 
 

Hà Nội: báo động trường lớp quá tải - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa đón con em tại Trường tiểu học Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Nguyên nhân tăng học sinh ngoài việc tăng cơ học thì việc không giải quyết tốt chuyện quy hoạch trường lớp, tình trạng quá tải vẫn là vấn đề đáng báo động.

Tiểu học tăng 30.000 học sinh

Theo ông Phạm Văn Đại – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 tuy số học sinh vào lớp 6 chỉ tăng 2.000, học sinh vào lớp 10 giảm 4.000 so với năm trước nhưng tổng thể vẫn tăng trên 25.000 học sinh. Có nghĩa tình trạng quá tải vẫn chưa thể giải quyết được.

Đặc biệt, số lượng học sinh vào lớp 1 năm học 2019-2020 vẫn tăng khoảng 30.000 so với số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp (rời khỏi trường tiểu học). 

Như vậy, nếu Hà Nội không mở thêm trường mới hoặc cải tạo tăng thêm số phòng học thì tình trạng quá tải vẫn tiếp tục gia tăng. 

Tình trạng “đầu vào” tăng hàng chục ngàn so với “đầu ra” cũng đã xảy ra vào mùa tuyển sinh năm trước ở bậc tiểu học, khiến hàng loạt trường tiểu học phải nâng sĩ số từ 60-70 học sinh/lớp và tận dụng tối đa phòng học để nới quy mô lớp học/trường.

Nhiều phụ huynh Hà Nội năm học trước đã “choáng váng” khi sĩ số lớp ở Trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân lên đến gần 70 học sinh/lớp. 

Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai lập kỷ lục về số lượng học sinh lớp 1 với hơn 1.000 học sinh ở 23 lớp 1. 

Quá tải học sinh đã khiến Trường tiểu học Chu Văn An phải tổ chức mô hình học 4 buổi/tuần thay vì 5 buổi/tuần như các trường khác. 

Quận Cầu Giấy cũng có những trường như Tiểu học Nghĩa Đô sĩ số lên đến 68 học sinh/lớp, Tiểu học Dịch Vọng 60 học sinh/lớp.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng – trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, đây là quận có tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Hà Nội những năm gần đây. 

Thống kê ban đầu cho thấy năm học tới, Hà Đông tăng hơn 6.000 học sinh các cấp học. Quận xây thêm được 3 trường mới và 5 đơn nguyên ở các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê… 

 

Nhưng vì tốc độ dân số luôn tăng ở các khu đô thị mới nên áp lực về tăng sĩ số vẫn ở phía trước.

Còn bà Đàm Thục Hạnh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, cho biết áp lực tuyển sinh ở một số nơi trên địa bàn quận vẫn căng thẳng. 

Quận Hoàng Mai trong mùa tuyển sinh năm học trước là một trong những điểm nóng nhất ở Hà Nội về tình trạng quá tải chỗ học, khi chỉ trong một phường là Hoàng Liệt có hàng chục tòa cao ốc mọc lên khiến dân số tăng cơ học chóng mặt.

Đối phó với nguy cơ quá tải

Theo ông Phạm Quốc Toản – trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, một số quận, huyện có dân số tăng cơ học mạnh như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì vẫn đang đứng trước áp lực quá tải trường lớp trong năm học tới. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Cẩn, trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng để đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục ở các cấp học, nhiều trường học tại các khu đô thị mới ở Hà Nội buộc phải chấp nhận sĩ số cao so với quy định.

Giải quyết vấn đề này, theo ông Cẩn, phải có giải pháp lâu dài là quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trong năm nay, Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo 239 trường, xây mới và cải tạo hơn 100 trường tại khu vực 12 quận. 

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng rà soát, cải tạo cơ sở vật chất hiện có để có thể tận dụng diện tích cho lớp học ở những nơi quá tải.

Về câu chuyện tăng khoảng 30.000 học sinh tiểu học trong năm học 2019-2020, ông Toản cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã nắm tình hình và yêu cầu các trường tiểu học rà soát quỹ phòng học, đội ngũ giáo viên để chuẩn bị “đón đầu”. 

Bên cạnh đó, các phòng GD-ĐT phải tham mưu cho UBND các quận, huyện để phân lại tuyến tuyển sinh ở những địa bàn xảy ra quá tải, nhằm chia sẻ áp lực với những trường có nguy cơ thiếu chỗ học.

Ở những trường có số lớp quá đông học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu hạn chế học sinh trái tuyến. Nếu sĩ số học sinh một lớp vượt so với quy định, phòng GD-ĐT địa phương đó phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện và Sở GD-ĐT Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – chủ tịch HĐND TP Hà Nội, việc quan tâm đầu tư giáo dục được ưu tiên hàng đầu. Qua thống kê từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã chi khoảng 28.000 tỉ đồng, chưa kể nguồn xã hội hóa, cho việc cải tạo, xây mới trường học. Thế nhưng “nguồn lực đầu tư lớn nhưng so với yêu cầu chưa đáp ứng được”.

“Ngoài nguyên nhân đô thị hóa khiến tăng dân số cơ học thì vẫn có tình trạng một số quận huyện chưa thực sự quan tâm tới quy hoạch trường lớp, còn có những địa điểm xây dựng trường học không phù hợp” – bà Ngọc cho biết. Bà Ngọc đề nghị các cấp, các ngành làm rõ, rà soát lại quy hoạch mạng lưới giáo dục, xuất phát từ thực tiễn yêu cầu và định hướng phát triển. Cụ thể tới năm 2020 còn thiếu bao nhiêu trường, thiếu ở khu vực nào và giải pháp khắc phục.

Năm học 2019-2020, Hà Nội phấn đấu huy động ít nhất 45% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học 2 buổi ngày; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào lớp 6…
 

 

VĨNH HÀ