Nấu thức ăn trong nồi nhôm có gây ung thư thực quản?
Theo bác sĩ bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM), chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy mối nguy từ việc chế biến thực phẩm trong nồi nhôm với ung thư thực quản. Tuy nhiên, không nên chứa đựng thực phẩm quá lâu trong nồi nhôm.
Nấu thức ăn trong nồi nhôm có gây ung thư thực quản?
Theo bác sĩ bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM), chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy mối nguy từ việc chế biến thực phẩm trong nồi nhôm với ung thư thực quản. Tuy nhiên, không nên chứa đựng thực phẩm quá lâu trong nồi nhôm.
Gần đây tôi đọc một tài liệu nói rằng cách nấu nướng ở nhiệt độ quá cao có thể là nguyên nhân gây ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa. Vì ở nhiệt độ cao thì các chất biến đổi, sinh ra độc hại. Họ còn nói phải mua nhiệt kế để đo nhiệt độ khi nấu ăn.
Việc nấu ăn ở nhiệt độ nào thực sự quan trọng đến vậy sao, và nấu nhiệt độ cao có thể dẫn đến ung thư? (Lê Thị Kiến, kienvang55@…)
– Bất cứ loại thịt nào nấu ở nhiệt độ trên 150°C (VD: chiên, nướng) hoặc mỡ và nước thịt tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa tạo ra khói đều dẫn đến hình thành các hợp chất gây ung thư, ngoài ra ở nhiệt độ cao sẽ làm mất đi hàm lượng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm.
Vì thế, bạn nên sử dụng phương pháp luộc, hấp, xào thay vì chiên, nướng, nên ăn thịt nạc thay vì thịt mỡ.
Nhiệt kế chỉ nên sử dụng khi bạn muốn kiểm tra độ chín của thịt nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, VD: đo nhiệt độ tâm để đảm bảo nhiệt độ 63 – 82 °C (tùy từng loại thịt)
Nhà tôi có người vừa phát hiện bị ung thư thực quản. Người nhà tìm hiểu thấy có một phần nguyên nhân là do nấu ăn trong nồi nhôm và bắt vứt hết các nồi này đi, thay bằng nồi inox, thủy tinh. Xin hỏi điều này có đúng không, vì trước nay nhà tôi thường nấu vào loại nồi này. (Lê Thị Linh Lan, lanvungtau09@… )
– Chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy mối nguy từ việc chế biến thực phẩm trong nồi nhôm với ung thư thực quản. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần lưu ý không nên chứa đựng thực phẩm quá lâu trong nồi nhôm, vì có một số bằng chứng cho thấy dễ có sự thôi nhiễm các kim loại nặng vào thực phẩm gây nguy hại.
Vì vậy, bạn cần chọn mua các loại nồi nhôm sử dụng vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra chứng nhận bởi cơ quan chức năng và chú ý xem các ký hiệu trên sản phẩm để sử dụng đúng cách.
Bác sĩ ơi, nhiều người nói ăn đồ bổ nhiều chất như tổ yến, thịt nhiều đạm làm tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, có đúng không ạ? Ba tôi vừa mổ u hậu môn, tôi muốn mua mấy loại thực phẩm tốt tốt cho ba bồi bổ, nhưng nghe vậy cũng thấy phân vân. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn! (Trần Thị Thu, nuchuamuadong.dienchau@…)
– Bạn cần nên hiểu rằng, không chỉ tế bào ung thư mới cần năng lượng và dưỡng chất mà các tế bào lành mạnh khác càng cần nhiều năng lượng hơn để duy trì sức khỏe cho cơ thể và chống chọi lại các tế bào ung thư đó.
Khi bạn không nạp đủ dưỡng chất cần thiết, tế bào ung thư (là các dạng đột biến) càng có lợi thế hơn, vì chúng sẽ cạnh tranh hấp thu với các tế bào lành mạnh lân cận để tăng sinh.
Xét về tổ yến, hiện nay chưa có nghiên cứu lâm sàng cho thấy lợi ích của việc dùng yến đối với bệnh nhân ung thư. Về thịt, đây là nguồn cung cấp nhiều chất đạm và khoáng chất có giá trị sinh học cao cho cơ thể.
Theo khuyến nghị của các hiệp hội lâm sàng uy tín, chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư cần nhiều năng lượng và đạm hơn bình thường để giúp nâng đỡ thể trạng của người bệnh và giúp tăng hiệu quả điều trị và phục hồi. Vì vậy, bệnh nhân cần ăn đầy đủ – cân bằng – đa dạng các loại thực phẩm, không nên quá kiêng khem.
Người nhà tôi đang vô hóa chất trị ung thư trực tràng, người mỏi mệt rối loạn tiêu hóa, ăn uống rất kém. Tôi có thể cho uống thêm nước đậu xanh, đậu đen để giải độc hay không ạ? Cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Hồng Ngọc, ngochcmculaw@…)
– Các loại đậu, bao gồm đậu xanh và đậu đen là nguồn cung cấp chất đạm thực vật và một số vitamin, đặc biệt là vitamin B9.
Việc bạn bị mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa là do tác dụng phụ của hóa trị liệu. Các triệu chứng nào có thể được kiểm soát bằng nhiều cách tùy theo cá nhân và bạn cần tham vấn với bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá lâm sàng và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hiện nay chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy việc dùng nước đậu xanh và đậu đen sẽ hỗ trợ giảm các tác dụng phụ của hóa trị liệu.
Xin bác sĩ tư vấn có loại sữa hoặc thức uống nào dành cho bệnh nhân ung thư uy tín nhất giới thiệu giúp em với. Mẹ em vừa xạ trị K vòm họng xong ăn uống khó khăn, sức khỏe rất yếu (Trần Thanh Bình, peacetran83@… )
– Hiện nay trên thị trường có nhiều công ty chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng uy tín. Tùy theo đánh giá dinh dưỡng và diễn biến bệnh mà chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất cho bệnh nhân. Không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không phải sản phẩm dinh dưỡng điều trị.
Thưa bác sĩ, tôi bị K dạ dày, đã cắt bán phần và hóa trị 6 đợt, kết thúc từ tháng 6-2017 tới nay. Sau đó sức khỏe dần ổn định, tôi cũng duy trì ăn uống lành mạnh, không rượu bia, đồ cay nóng, cứng. Nhưng gần đây tôi có biểu hiện hay đau bụng, khó tiêu, thường bị tiêu chảy. Xin hỏi đây là dấu hiệu bệnh tái phát hay chỉ là rối loạn tiêu hóa bình thường ạ? (Lâm, ltl_1963@…)
– Bạn cần đi tái khám để làm các thủ thuật lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán thì mới xác định được vấn đề.
Cháu bị K vòm giai đoạn 2 đã qua 3 đợt hóa trị, tới đây sẽ xạ trị. Cháu nghe nói tác dụng phụ của xạ trị rất kinh khủng, xin bác sĩ tư vấn cho cháu cách tự chăm sóc, giảm tác dụng phụ của xạ trị ạ. (Nguyễn Thu Huyền, cogaikiencuongnth@…)
– Chào bạn, bạn yên tâm nhé. Bởi khi xạ trị hiện nay có nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và cả tác dụng phụ nữa. Còn bạn chỉ nên chú ý trong, sau xạ trị là vệ sinh răng miệng, có răng sâu phải nhổ trước, nên thường xuyên nhai kẹo cao su…thôi.
Người ta nói bệnh từ miệng mà vào. Tôi không uống rượu hút thuốc, ăn uống nghỉ ngơi điều độ, vậy mà tôi vừa đi khám và phát hiện mình bị ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Nguyên nhân tôi bị vậy là do đâu, có phải cách ăn uống của tôi có vấn đề gì không? (Huyền Dương, duongthuhuyen1497@…)
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày ngoài chế độ sinh hoạt, còn có yếu tố gia đình, stress, nhiễm vi khuẩn HP. Ngoài ra, để phân tích được nguy cơ trong chế độ ăn uống, bạn cần gặp và tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng để được phân tích về thói quen ăn uống và sinh hoạt hiện đại, từ đó sẽ có kế hoạch dinh dưỡng lành mạnh nhất cho bạn.
Từ bé tôi luôn ăn rất lâu, mỗi bữa ăn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Vì tôi vừa ăn vừa xem sách báo, tivi, tin tức các loại. Gần đây tôi mới biết việc này tác động xấu đến việc tiêu hóa thức ăn. Không biết thời gian lâu như vậy rồi tôi có thể bị mắc bệnh ung thư không? (An Chiến, chienninhthuan97@…)
Việc vừa ăn vừa xem báo/ti vi sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa do thức ăn không được nhai kĩ, gia tăng nguy cơ béo phì vì không kiểm soát được lượng thức ăn đang ăn. Còn về nguy cơ gây ung thư thì vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này. Tuy vậy, bạn cần chú ý tập trung vào bữa ăn để phòng tránh các nguy cơ trên, hơn thế, việc tập trung vào bữa ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Để tầm soát ung thư, bạn nên đến các cơ sở uy tín để thực hiện các thủ thuật chẩn đoán lâm sàng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ ung thư đường tiêu hóa
Ngoài ăn uống, có thể kết hợp xoa bóp, mát xa cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối được không bác sĩ ơi? Việc nằm một chỗ khiến tay chân mẹ tôi đau nhức và có mùi khó chịu. (Hưng Nguyễn, nguyehungzing@…)
Việc massage sẽ giúp người bệnh thư giãn hơn nhưng bạn cần tham vấn với Bs điều trị & Bs Vật lý trị liệu.
Bố tôi ung thư dạ dày giai đoạn cuối, ăn uống rất khó khăn. Một bữa ăn dù chỉ là nửa muỗng cháo và ít trái cây nhưng có khi phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Ăn lâu như vậy khiến cả ngày không có bữa nào ra với bữa nào, cứ nghỉ một lát rồi lại ăn. Như vậy có tốt không ạ? (Thuận Thảo, microwave63@…)
Việc ăn nửa muỗng cháo và ít trái cây trong một lần ăn không đủ dinh dưỡng, dẫn đến sụt cân nhanh, người bệnh càng mệt mỏi vì thiếu dưỡng chất, vừa không thể theo được liệu trình điều trị. Vì vậy, bệnh nhân cần tư vấn chuyên khoa dinh dưỡng để được can thiệp kịp thời trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.
– Có thể bổ sung một số sản phẩm tinh bột hoặc chất béo thủy phân (VD: maltodextrin hoặc MCT) vào thực phẩm thông thường nhằm tăng đậm độ năng lượng.
Ăn cơm nguội hấp lại sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày có đúng không? Nhà tôi ăn cơm còn dư sẽ trữ lại trong tủ lạnh, khi nào ăn thì hấp lại cho nóng dẻo, nhưng gần đây lại nghe nói làm như vậy có thể dẫn tới ung thư dạ dày, vì khi hấp lại cơm sẽ biến thành bột hồ. (Đỗ Thị Liên, donglienhatrung@… )
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc ăn cơm nguội hấp lại sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, mối nguy từ thức ăn thừa có thể đến từ việc bảo quản không đúng cách, dẫn tới vi khuẩn/nấm mốc phát triển và sinh ra chất độc, các chất độc này có thể gây ngộ độc cấp hoặc tích tụ trong cơ thể gây ảnh hưởng các cơ quan chức năng khác. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bạn cần lưu ý:
– Thức ăn đã nấu chín cần bảo quản nóng trên 60 °C, hoặc giữ lạnh dưới 4 °C càng sớm càng tốt vì vi khuẩn phát triển nhanh chóng từ 4-60 °C.
– Thức ăn thừa có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 4 ngày.
– Bọc thực phẩm thừa bằng màng bọc thực phẩm (hoặc đựng trong các hộp có nắp đậy kín).
– Hâm nóng thức ăn đến nhiệt độ an toàn (ít nhất 75 °C).
– Chỉ nên sử dụng thức ăn qua 1 lần hâm.
Hành lá có tác dụng chống ung thư dạ dày không ạ? Nghe nói món này tốt nên ngày nào tôi cũng phải ăn hành lá luộc, hấp, nấu canh… (Mai Lan, Thủ Đức, TP.HCM, lanhang1963@…)
Dựa theo các nghiên cứu lâm sàng, hành lá thuộc nhóm thực phẩm giup giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ngoài ra nó còn có tính kháng khuẩn tốt, chống oxi hoá. Thêm vào đó, các thực phẩm khác như tỏi, hành tây, hành boa-ro, hẹ cũng có tác dụng tương tự. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng -đa dạng để có nhiều loại chất chống oxy hóa và dưỡng chất ngăn ngừa ung thư khác
Sau điều trị ung thư dạ dày, tôi thường dùng mật ong để vo bột nghệ thành những viên nhỏ và uống dần, như vậy có thể hạn chế được căn bệnh tái phát không? (Lê Minh Hiếu, hieuthaofamily@…)
Hiện nay chỉ có một vài nghiên cứu trên động vật cho thấy lợi ích của mật ong đối các vết loét và tổn thương ở dạ dày, do khả năng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào của mật ong. Đối với bột nghệ, hiện nay người ta đã nghiên cứu giữa việc sử dụng bột nghệ kết hợp với hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật để làm giảm tác dụng phụ của thuốc trị liệu. Tuy nhiên vẫn cần nhiều thử nghiệm lâm sàng để đưa ra kết luận khuyến nghị. Vì thế, để hạn chế ung thư tái phát, bạn chỉ ăn uống đa dạng – cân bằng – lành mạnh mỗi ngày kết hợp với hoạt động thể chất phù hợp để đảm bảo sức khỏe tốt.
Ung thư dạ dày có được ăn chuối tiêu không ạ? Tôi được cho ăn tất cả các loại chuối, trừ chuối tiêu. Nhiều lúc tôi thèm cái mùi thơm của chuối tiêu. (Hương, mincttdtedu@…)
Hầu hết các loại chuối đều tốt cho sức khỏe, vì chứa nhiều vitamin nhóm B và thuộc nhóm thực phẩm chống oxy hóa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy tác hại của chuối tiêu đối với bệnh nhân ung thư dạ dày. Vì vậy, bạn có thể ăn chuối tiêu để đa dạng hóa các thực phẩm trong nhóm trái cây.
Trái bơ, khoai lang và gừng có thực sự tốt cho người bị ung thư trực tràng không thưa bác sĩ? (Mai Anh Đào, daomaianh2003@…)
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy tác dụng tích cực của khoai lang và gừng trong việc giảm nguy cơ ung thư trực tràng. Tuy nhiên không có nghiên cứu có thấy tác dụng tích cực của khoai lang trong quá trình điều trị ung thư trực tràng, bên cạnh đó gừng có thể hỗ trợ giảm cảm giác buồn nôn trong quá trình điều trị. Còn về trái bơ thì không có nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa trái bơ và mối nguy ung thư trực tràng cũng như quá trình điều trị.
Vì vậy, để đem lại hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng -đa dạng.
Tôi cao 1m70 nhưng nặng tới 95kg, tôi rất lo việc béo phì sẽ gây nên các bệnh, trong đó có ung thư. Nhưng tôi tìm mọi cách từ tập luyện, ăn kiêng, uống thuốc, trà giảm cân… cũng không có tác dụng. Liệu đây có phải là bệnh lý và có thể chữa trị được không? (Minh Béo, tranquangminh80@…)
Dựa theo số liệu cân nặng và chiều cao mà bạn cung cấp có thể tính được BMI = 32,8 và xếp vào dạng béo phì độ II theo chuẩn của người châu Á. Tuy nhiên, kết quả BMI không nói lên được tỉ lệ cơ và mỡ của bạn, và ít có ý nghĩa trong chẩn đoán béo phì lâm sàng.
Lối sống và chế độ ăn không lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thừa cân – béo phì. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị béo phì như phẫu thuật béo phì, điều chỉnh chế độ ăn,… Vì vậy, bạn cần được tư vấn chuyên khoa dinh dưỡng để phân tích chế độ ăn uống sinh hoạt hiện tại cũng như làm một số phân tích lâm sàng để tìm nguyên nhân, từ đó sẽ cho bạn liệu trình điều trị phù hợp.
Ung thư dạ dày thì không nên ăn nhiều dầu mỡ, vậy tôi có thể thay thế bằng dầu đậu phộng, dầu mè để nấu ăn không? (Minh Kiệt, nhomotmuahoa@…)
Mỗi loại dầu ăn đều có 3 dạng chất béo: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đa, và chất béo không bão hòa đơn. Trong đó, chất béo không bão hóa đa thì mang nhiều lợi ích cho sức khỏe, tốt cho tim mạch, thường được gọi là chất béo tốt.
Tuy nhiên chất béo không bão hóa đa thì dễ bị biến đổi ở nhiệt độ cao, sinh ra các tiền chất gây ung thư. Bên cạnh đó, chất béo bão hòa thì không có lợi ích cho sức khỏe nhưng lại bền ở nhiệt độ cao. Vì vậy, tùy theo mục đích chế biến mà bạn nên chọn loại dầu ăn phù hợp.
Nếu làm sốt salad hoặc không xử lý nhiệt thì dùng các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, dầu hướng dương
Nếu xào ở nhiệt độ tương đối thì nên dùng dầu có ít chất béo bão hoà đa như dầu đậu phộng, dầu oliu
Nếu dùng để chiên ở nhiệt độ cao thì nên dùng dầu ăn có nhiều chất béo bão hòa như dầu cọ
Việc thay thế mỡ động vật thành dầu thực vật là điều tốt, tuy nhiên, bản chất loại dầu nào cũng cung cấp nhiều năng lượng (9 kcal/g) và dễ gây khó tiêu đầy bụng khi tiêu thụ quá nhiều, vì vậy bạn vẫn phải tiêu thụ với lượng hạn chế.
Mẹ tôi thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng với niềm tin sẽ tránh được bệnh loãng xương và cả ung thư. Điều này có tác dụng thực sự, có cơ sở khoa học không thưa bác sĩ? (Liên, tieulien_battan@…)
Ánh nắng mặt trời giúp kích hoạt các tiền chất sản sinh ra Vitamin D, giúp hấp thu Canxi từ máu vào xương, điều này có thể giảm nguy cơ bị loãng xương.
Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc tắm nắng hàng ngày có thể giảm nguy cơ gãy xương ở người lớn tuổi và cũng như giảm nguy cơ mắc một số căn bệnh ung thư phổ biến như đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô phổ, khối u ác tính và ung thư hạch Hodgkin.
Sau điều trị ung thư đại tràng, tôi thường xuyên bị tiêu chảy khi ăn những thức ăn như bắp, nấm…dù trước đây tôi không hề bị dị ứng với những loại thức ăn này. Có phải việc điều trị đã gây kích ứng, khiến tôi mẫn cảm hơn, cơ địa thay đổi? Tôi có thể tập ăn lại những thực phẩm này từ từ, hay phải bỏ luôn, xin tư vấn giúp. (Kiều Công Minh, TP.HCM, minhkieuphoto@…)
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào báo cáo về việc gây tiêu chảy do bắp và nấm đối với bệnh nhân sau khi điều trị ung thư. Có thể việc điều trị khiến cơ thể bạn bị mẫn cảm hơn, và bạn yên tâm là có thể tập ăn lại những loại thực phẩm này từ từ.
Việc luyện tập cũng khá đơn giản, bạn có thể ăn một lượng nhỏ kèm với những loại thực phẩm khác, ăn từ từ và tăng lượng dần để cơ thể thích ứng lại. Cùng với đó thì bổ sung nhiều thực phẩm giàu đạm và chất xơ hoà tan, chia nhỏ bữa ăn để cung cấp đủ năng lượng cho việc phục hồi cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư.
Các loại đậu có nhiều chất xơ, tốt cho tiêu hóa, nhưng tại sao khi tôi ăn thường bị đầy bụng khó chịu? (tôi bị ung thư đại tràng) (LMN, lenam263@…)
Các loại đậu được biết là nguồn cung cấp nhiều protein và chất xơ tốt cho cơ thể. Trong các loại đậu còn chứa một thành phần là tinh bột kháng (Resistant starch) hoạt động như chất xơ không hòa tan. Vì vậy, khi ăn nhiều các loại đậu, dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu hoá, gây ra đầy bụng, khó chịu. Để giảm tình trạng này, bạn nên lưu ý lượng đậu khi ăn (có thể giảm bớt lượng đậu cho mỗi lần ăn). Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có giải pháp hiệu quả.
Bác sĩ ơi có phải ung thư ruột kết thì không nên ăn các loại thực phẩm có màu đỏ, vì khi đại tiện có thể nhầm lẫn là máu trong phân đúng không ạ? (Hoài Vinh, vinhcocacorp@…)
Thông thường, nhóm rau củ quả chứa sắc tố đỏ là do những hợp chất như anthocyanin, lycopene, betacyanin,…Khi vào cơ thể chúng sẽ được hấp thụ ở ruột non hoặc chuyển đổi thành dạng khác tại gan, ngoài ra chúng có thể được bài tiết thẳng qua đường nước tiểu, tuy nhiên với hàm lượng khá thấp và không đủ tạo nên màu đỏ trong nước tiểu hoặc phân.
Máu trong phân là do haemoglobin từ máu giải phóng vào phân, vì thế khi phát hiện máu trong phân chứng tỏ cơ thể có triệu chứng bất thường.
Vì vậy, để biết được có máu trong phân hay không, bạn cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm “tìm máu trong phân”.
Bên cạnh đó, bạn không nên kiêng cử những loại thực phẩm này vì chúng giàu hợp chất chống oxy hóa, có thể giúp bạn giảm nguy cơ tái phát ung thư, ngoài ra chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể hồi phục tốt hơn.
Ba tôi bị ung thư đại tràng đã di căn, có thể uống bổ sung vitamin D để kéo dài sự sống hay không? (Trần Hoàng Kim, kim_nguoihanoi@…)
Một số nghiên cứu lâm sàng báo cáo kết quả tích cực của việc uống bổ sung vitamin D đối với các bệnh nhân ung thư đại tràng. Nhưng các nghiên cứu này còn riêng biệt và chưa mang đến một kết luận chung cho việc sử dụng vitamin D trong việc điều trị hay kéo dài sự sống. Vì vậy, bệnh nhân cần chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng – đa dạng với các lưu ý sau:
Hạn chế chất xơ dạng sơi, tăng cường thực phẩm có chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau quả)
Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày hoặc hơn.
Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ
Xin bác sĩ cho biết yếu tố tinh thần, tâm lý có ảnh hưởng như thế nào đến việc điều trị bệnh ung thư dạ dày? (Nguyễn THị Tố Nga, Bình Thạnh, ngaphuongkiet@…)
Tâm lý thoải mái, lạc quan đóng 1 phần quan trọng giúp người bệnh vượt qua các khó khăn trong giai đoạn điều trị.
Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hoá từ ngày 2-4 đến 15-5.
Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn…) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.
500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).
Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.