23/12/2024

Mở ‘chiến dịch’ triệt bán thuốc không toa

Kể từ tháng 4-2019, TP.HCM chính thức thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Trong đó tập trung ‘đánh’ mạnh vào việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh không đơn – vấn đề nhức nhối bấy lâu nay.

 

Mở ‘chiến dịch’ triệt bán thuốc không toa

 Kể từ tháng 4-2019, TP.HCM chính thức thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Trong đó tập trung ‘đánh’ mạnh vào việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh không đơn – vấn đề nhức nhối bấy lâu nay.


 

 

Mở chiến dịch triệt bán thuốc không toa - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quận Phú Nhuận là địa bàn được lựa chọn mở đầu cho “chiến dịch” tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, sau đó mở rộng ra toàn TP.HCM, kéo dài đến hết năm 2020.

Uống thoải mái đi, không sao đâu…

Theo Sở Y tế TP.HCM, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10-2019, đơn vị sẽ khảo sát đánh giá thực trạng về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Theo đó sẽ khảo sát người bán thuốc ở tất cả các nhà thuốc trên địa bàn quận Phú Nhuận, kể cả trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh, và 30 người mua thuốc ngoài khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiến hành khảo sát tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận, An Sinh và Mỹ Đức Phú Nhuận, cùng toàn bộ phòng khám đa khoa, chuyên khoa nội tổng hợp, nhi và tai mũi họng trên địa bàn. Ngoài việc khảo sát người kê đơn, Sở Y tế TP sẽ thu thập 580 đơn thuốc ở tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân, các phòng khám chuyên và đa khoa.

Mặc dù kế hoạch này đang được triển khai nhưng tại rất nhiều nhà thuốc trên địa bàn Q.Phú Nhuận lại tỏ ra “không hề hay biết chuyện gì”. 

Thuốc kháng sinh vẫn được bán công khai, không cần đơn thuốc. Trưa 21-4, tại một tiệm thuốc tây trên đường Phan Đình Phùng, nữ dược sĩ vô tư bốc bán hai vỉ thuốc kháng sinh amoxicillin giá 32.000 đồng cho một người dân vào mua để chữa viêm họng.

Người mua hỏi liệu có phản ứng gì không? Dược sĩ này trả lời: “Tùy, có người uống bị dị ứng, nhưng nếu người nhà anh đã sử dụng rồi thì không sao đâu”. 

Dược sĩ này khuyên người bệnh uống mỗi ngày 3 viên sau khi ăn và uống liên tục trong vòng 7 ngày mới có thể khỏi bệnh. “Nếu bán đúng thủ tục là phải bán theo toa, bán thế này là sai quy định của Sở Y tế TP rồi” – dược sĩ này thú nhận luôn.

Tiệm thuốc tây M.C trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) khá lớn, chúng tôi thấy nhiều người mua không có toa thuốc vẫn được bán thuốc vô tư. Trưa cùng ngày, dược sĩ của tiệm này hỏi han vài triệu chứng của người bệnh rồi thao thao kê toa gồm 5 loại thuốc, trong đó có kháng sinh cephalexin để chữa viêm họng. 

 

Người mua thuốc hỏi có cần đơn thuốc không, dược sĩ này cười nói: “Không cần”. Khi được hỏi có biết về đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của Sở Y tế TP vừa ban hành không thì dược sĩ này lắc đầu.

100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc

Theo Sở Y tế, việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn từ 2017 – 2020 vô cùng cấp bách, nhằm giảm tình trạng lạm dụng thuốc gây nguy cơ kháng kháng sinh trên địa bàn TP. 

 Qua kiểm tra, đối với các cơ sở được phát hiện vi phạm về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn sẽ bị áp dụng hình thức xử lý nhắc nhở. Nếu sau lần đầu bị nhắc nhở, các cơ sở tiếp tục vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bằng tiền ở mức độ cao nhất theo quy định. 

Còn đối với các cơ sở tái phạm sau khi bị phạt lần 1, ngoài việc phạt tiền sẽ bị áp dụng hình phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm khác.

Với các giải pháp nêu trên, Sở Y tế TP phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đạt 100% đơn thuốc ở cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập kê đủ nội dung về kê đơn trong điều trị ngoại trú. 

Ngoài ra, đạt 90% việc kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng ở cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập và 70% đối với cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác trên địa bàn.

Đặc biệt, kế hoạch này còn quy định việc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.

Trên 72% nhà thuốc kết nối mạng

Trao đổi với Tuổi Trẻ đầu tháng 4-2019, ông Đỗ Văn Dũng – trưởng phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM) – cho biết theo lộ trình của Sở Y tế TP đặt ra, đến ngày 31-3 sẽ có 100% nhà thuốc phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia do Bộ Y tế quản lý nhằm kiểm soát việc mua bán thuốc.

Nhưng đến thời điểm đầu tháng 4 chỉ có khoảng 72% (tức khoảng 6.480 nhà thuốc) kết nối mạng, chưa đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế đề ra.

Theo ông Dũng, đây là chủ trương lớn và mới, do đó trong quá trình thực hiện vẫn có một số khó khăn từ nhiều phía.

Trong đó có hoạt động về giới thiệu, cài đặt phần mềm của các nhà cung cấp gặp nhiều trục trặc bởi quá trình tiếp cận giới thiệu cài đặt phần mềm và một phần nhận thức của các nhà thuốc không đầy đủ.

“Ngoài gần 1.000 nhà thuốc tự ngưng hoạt động vì nhiều lý do, trong tháng 4 chúng tôi tiếp tục thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để xác định cho ngưng một số nhà thuốc chưa đạt chuẩn kết nối.

Bởi trên thực tế, hiện tại các công ty không thu tiền trước mà có nhiều chương trình khuyến mãi như sau 6 tháng đến cả năm mới thu tiền kết nối. Do đó không thể nói khó khăn về tài chính mà không chịu kết nối được” – ông Dũng nói.

 

HOÀNG LỘC