18/11/2024

Thấy con đau bụng là cứ cho đi xét nghiệm HP: Bác sĩ nói gì?

Thấy con thỉnh thoảng đau bụng, nhiều phụ huynh liền cho đi xét nghiệm HP do sợ trẻ bị viêm dạ dày, có thể dẫn đến ung thư. Còn bác sĩ thì phải ‘đau đầu’ giải thích thực hư về xét nghiệm này.

 

Thấy con đau bụng là cứ cho đi xét nghiệm HP: Bác sĩ nói gì?

Thấy con thỉnh thoảng đau bụng, nhiều phụ huynh liền cho đi xét nghiệm HP do sợ trẻ bị viêm dạ dày, có thể dẫn đến ung thư. Còn bác sĩ thì phải ‘đau đầu’ giải thích thực hư về xét nghiệm này.

 
 
 
Trẻ bị đau bụng, phụ huynh không nên lo lắng tự đi xét nghiệm HP /// Ảnh: Nguyên Mi

Trẻ bị đau bụng, phụ huynh không nên lo lắng tự đi xét nghiệm HP  ẢNH: NGUYÊN MI

 

Đau bụng là đi xét nghiệm HP (Helicobacter pylori)

Thấy con gái 5 tuổi đôi lúc đau bụng, ăn vào thì ọc ra, hỏi ý kiến nhiều mẹ trên một diễn đàn, chị T.M.T (32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được khuyên nên cho con đi xét nghiệm HP coi “có HP trong bao tử không”, “coi bao tử con có sao không”.
 
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HP, chị hốt hoảng dẫn con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám và đề nghị bác sĩ điều trị “cho hết con HP trong dạ dày”.
 
Tuy nhiên, đối với trường hợp của con chị, bác sĩ xác định bé hoàn toàn không có triệu chứng, không bị bệnh gì cả nên không phải điều trị. Sau một hồi được bác sĩ thuyết phục, chị cũng đành cho con về nhưng vẫn còn băn khoăn, bán tín bán nghi.
 
Không chỉ chị T., xét nghiệm HP hiện đang được nhiều phụ huynh mách nhỏ lẫn nhau để… tầm soát viêm dạ dày, phòng ngừa sớm ung thư dạ dày.
 
Các phụ huynh tự cho con đi thử phân, thử máu, hơi thở tại các phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân, thậm chí có dịch vụ đến lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, mà không cần có chỉ định của bác sĩ.
 
“Cứ thấy con đau bụng chút là mẹ dẫn vô bệnh viện khám đòi thử máu, thử phân, test hơi thở tìm HP. Bác sĩ cố gắng giải thích mà phụ huynh cứ không chịu”, một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ.
 
Ghi nhận tại Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tháng qua, mỗi ngày đều có 2-3 trường hợp phụ huynh đưa con đến khám và yêu cầu được làm xét nghiệm HP. Khi bác sĩ không đồng ý vì trẻ không có biểu hiện hay nguy cơ bệnh thì phụ huynh tự đưa con đi làm xét nghiệm ở các dịch vụ tư nhân.
 
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HP trên tay, phụ huynh lại đưa con vào bệnh viện khám và đề nghị bác sĩ điều trị “cho hết vi khuẩn HP”.
 
Trong khi đó, nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi đang “đau đầu” giải thích, thuyết phục phụ huynh hiểu đúng về vi khuẩn HP này.

Xét nghiệm cần có chỉ định của bác sĩ

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Trường, Phó khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 1, các thông tin quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm vi khuẩn HP quá phổ biến nên người dân ai cũng biết nhưng lại chưa hiểu thấu đáo. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm thích hợp. Còn tình trạng tự ý xét nghiệm vi khuẩn HP tràn lan đang gây hoang mang cho phụ huynh và không có ý nghĩ chẩn đoán, điều trị gì.
 
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Đồng 1, phụ huynh cần phân biệt giữa dương tính với HP và điều trị HP. Trên toàn cầu, ước tính 50% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Tại các nước phát triển, tỉ lệ nhiễm là 25%, còn nước đang phát triển như Việt Nam tỉ lệ nhiễm khoảng 50%.
 
Theo một thống kê năm 2016, tỉ lệ trẻ nhiễm khuẩn HP tại Việt Nam là khoảng 40%. Trẻ có xu hướng nhiễm HP từ rất sớm và tỉ lệ nhiễm HP tăng nhanh nhất trong giai đoạn trẻ ăn dặm và đi nhà trẻ (2-6 tuổi).
 
Nguyên nhân lây nhiễm HP là từ người sang người (qua đường miệng-miệng, phân-miệng, dạ dày-miệng). Trẻ lại chưa biết tự giữ gìn vệ sinh ăn uống, kèm với thói quen ăn uống chung, người lớn thường ôm hôn trẻ cũng có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn.
 
Phần lớn những người bị nhiễm HP không có triệu chứng gì và sẽ không phát triển thành bệnh lý. Nghĩa là, cơ thể có thể sống “hoà bình” với vi khuẩn này mà không có vấn đề gì về sức khỏe.
 
Các bác sĩ khẳng định, kết quả xét nghiệm dương tính với HP không có nghĩa là bé bị “viêm dạ dày do HP”, không có việc “điều trị dự phòng” như các bậc phụ huynh lầm tưởng.
 
“Ở trẻ em, rất hiếm khi bị ung thư tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng vì vi khuẩn HP. Khi bị nhiễm HP mà chưa có triệu chứng, HP không gây bệnh thì không can thiệp. Bác sĩ chỉ điều trị khi xác định vi khuẩn HP đang gây bệnh. Thuốc điều trị HP có thể gây ra những tác dụng phụ như nôn ói, mệt mỏi. Đó là chưa kể trẻ em chưa nhận thức được nguồn lây nhiễm, khi ăn uống chung rất dễ tái nhiễm”, bác sĩ Phúc cho biết.
 
Theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu hoá – Gan mật – Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu và Bắc Mỹ (ESPGHAN & NASPGHAN), tất cả trẻ đau bụng cần được khám lâm sàng và làm xét nghiệm loại trừ nguyên nhân đau bụng ngoài đường tiêu hoá trước khi làm xét chẩn đoán nhiễm HP, không làm đại trà các xét nghiệm để “tầm soát” HP ở trẻ em.
 
 
KHẢI LINH