16/01/2025

Giúp trẻ kỹ năng để tự phòng vệ

Câu chuyện bé gái bị sàm sỡ trong thang máy tại chung cư ở Q.4 (TP.HCM) một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc phải có biện pháp bảo vệ trẻ em trước những hành động biến thái, nguy cơ bị xâm hại.

 

Giúp trẻ kỹ năng để tự phòng vệ

Câu chuyện bé gái bị sàm sỡ trong thang máy tại chung cư ở Q.4 (TP.HCM) một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc phải có biện pháp bảo vệ trẻ em trước những hành động biến thái, nguy cơ bị xâm hại.


 

Giúp trẻ kỹ năng để tự phòng vệ - Ảnh 1.

Các em nhỏ được tập huấn một số kỹ năng, thế võ tự vệ để tự bảo vệ mình trong một vài tình huống nguy hiểm đến bản thân – Ảnh: Q.L.

Chia sẻ vấn đề này, phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Phan Thị Thanh Phương nhấn mạnh: “Chúng ta vô cùng bức xúc, lên án và không thể chấp nhận được hành vi như vậy dù chỉ là của một cá nhân nào đó.

Người lớn lẽ ra phải thương yêu, phải làm mọi cách để bảo vệ trẻ thì lại trở thành một trong những mối nguy hại với trẻ là điều không bao giờ có thể tha thứ và được phép tồn tại trong xã hội văn minh”.

Đã làm nhưng chưa như kỳ vọng

* Từ góc độ tổ chức có vai trò bảo vệ trẻ em, quan điểm của Thành đoàn và Hội đồng Đội TP.HCM thế nào trước sự việc này?

– Chúng tôi cho rằng cần xử thật nghiêm vụ việc này để đảm bảo tính nghiêm minh, sự thượng tôn pháp luật. Làm như vậy còn để răn đe những trường hợp khác, thậm chí ngăn ngừa với bất kỳ ai dù chỉ là “có suy nghĩ làm tương tự như vậy”.

Chúng ta hay nghĩ rằng khi gặp trẻ là người lớn được phép “nựng” thì nay phải thay đổi bởi có khi đó lại là hành vi xâm hại đến trẻ. Có những hành động vốn được xem như thói quen nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng và được phép làm với bất kỳ đứa trẻ nào.

Qua sự việc lần này, tôi cho rằng ngoài tuyên truyền pháp luật, cốt lõi cần thay đổi chính là suy nghĩ, thói quen của người lớn để cư xử một cách chừng mực vì có những thứ không còn phù hợp nữa. Cùng với đó, cần trang bị kỹ năng cần thiết cho các em.

phan thi thanh phuong 5(read-only)
Chị Phan Thị Thanh Phương – Ảnh: TT

* Thực ra kỹ năng là một trong các hoạt động vẫn được Đoàn và Đội quan tâm, song có vẻ như là chưa đủ?

– Chúng tôi đã từng làm, đã hỗ trợ kỹ năng cho trẻ nhưng thẳng thắn mà nói thì chưa như kỳ vọng, chưa thật bài bản.

Kỹ năng cần được lặp đi lặp lại mới thành phản xạ. Với trẻ càng cần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần chứ không thể chỉ một vài lần là sẽ nhớ được ngay đâu.

Mặt khác, phải có chuyên gia lĩnh vực cùng tham gia chứ không chỉ Đoàn, Đội tự làm vì như vậy khó mà chuyên sâu được.

Việc giúp trẻ biết một vài thế võ tự vệ là cần thiết để chẳng may khi rơi vào tình huống chỉ có một mình, các em cũng biết làm gì trước mắt để tự phòng vệ. Nhưng giúp trẻ biết tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh khẩn cấp cũng chỉ là một phần.

 

Phần còn lại cần thấu hiểu tâm lý của trẻ, biết trẻ sẽ phản ứng ra sao khi rơi vào từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Tức là cần các chuyên gia tâm lý vào cuộc, chia sẻ và hỗ trợ, cùng làm với Đoàn và Đội mới mong đạt hiệu quả như mong muốn.

Cần hành động ngay để bảo vệ con em mình cũng như bao bạn nhỏ khác.

Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG

Kỹ năng phải thành phản xạ tự nhiên

* Trở lại câu chuyện kỹ năng, một trong những điều mà dường như phần đông các bạn nhỏ đều còn thiếu rất nhiều!

– Chúng ta đã trang bị kỹ năng cho trẻ khá nhiều, song chắc chắn cũng còn thiếu nhiều lắm. Điều mà sau câu chuyện này rút ra là các kỹ năng phải thực tế hơn, đi vào thực tiễn hơn. Cụ thể là ngay hè sắp tới, thay vì chỉ đơn thuần là trò chơi, chúng tôi sẽ tính toán để lồng ghép vào đó càng nhiều kỹ năng thực hành xã hội cho trẻ càng tốt, các kỹ năng tự phòng vệ, chí ít là khi gặp sự cố sẽ biết phản ứng ra sao để tự bảo vệ mình.

Như đã nói, phải nhờ đến các chuyên gia để trang bị kỹ năng sâu cho các em, cả chuẩn bị về mặt tâm lý nữa. Làm sao các kỹ năng sẽ được trang bị thường xuyên, dần trở thành phản xạ tự nhiên của các em. Trong câu chuyện này, phụ huynh cũng cần tham gia, được trang bị kỹ năng để biết cách giúp con em mình, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

* Không thể không nói đến yếu tố pháp luật, làm sao để hạn chế thấp nhất những sự việc tương tự?

– Khi chúng ta tuyên truyền Luật trẻ em mới chỉ chú trọng đến quyền trẻ em mà chưa nói nhiều với chính các em và người lớn về trách nhiệm bảo vệ trẻ em đã được luật quy định. Trong các tiết sinh hoạt Đội, cố gắng giúp các em hiểu điều này một cách thấu đáo, để khi gặp chuyện các em biết tìm đến ai để được hỗ trợ.

Cũng vậy, các cấp, các ngành và phụ huynh hãy cùng vào cuộc mới mong giảm thiểu và dần chấm dứt những câu chuyện như vậy. Cùng với trang bị kỹ năng, phụ huynh phải chung tay cùng nhà trường, xã hội và là những người bảo vệ con mình trước hết vì không đâu bằng gia đình. Chỉ cha mẹ mới gần gũi con cái mình hằng ngày, mới có thể giúp con mình tốt hơn.

Đừng xáo trộn cuộc sống của trẻ

* Chị có thấy một phần từ áp lực của mạng xã hội mà những vụ việc xâm hại trẻ được xử lý thích đáng?

– Tôi không phủ nhận điều đó, song chia sẻ gì, hành xử ra sao trên mạng xã hội có lẽ cần có kỹ năng. Tôi đồng tình rằng phải lên tiếng nhưng đưa thông tin thế nào, liều lượng ra sao lại là câu chuyện cần hết sức cân nhắc sao cho hợp lý.

Dĩ nhiên dư luận từ mạng xã hội cũng tạo thành áp lực, song không thể xử lý vì áp lực dư luận mà bỏ qua yếu tố pháp luật. Có khi chúng ta hồn nhiên chia sẻ hình ảnh, clip lại làm cho sự việc lan rộng ra, đi nhanh hơn và hậu quả do chính nạn nhân gánh chịu.

Thực tế có nhiều câu chuyện bởi sự chia sẻ quá đà trên mạng xã hội đã không giúp được gì mà còn làm xáo trộn cuộc sống của người liên quan. Mà ở đây lại là trẻ nhỏ, đối tượng rất dễ bị tổn thương và dường như chưa có khả năng tự vệ.

 

QUỐC LINH thực hiện