28/01/2025

Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh?

Nhiều bệnh viện thu tiền người nuôi bệnh với lý do vào bệnh viện dùng điện, nước…; hạn chế lượng người nhà vào bệnh viện.

 

Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh?

Nhiều bệnh viện thu tiền người nuôi bệnh với lý do vào bệnh viện dùng điện, nước…; hạn chế lượng người nhà vào bệnh viện.
 
 
 
 
Khu nhà nghỉ cho người nuôi bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy ẢNH: DUY TÍNH
Khu nhà nghỉ cho người nuôi bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy ẢNH: DUY TÍNH

 
 
Mặc dù chưa có quy định nào về việc thu tiền người nuôi bệnh, nhưng nhiều bệnh viện đã thu với lý do bù lại việc người nuôi bệnh vào bệnh viện dùng điện, nước… và nhằm hạn chế bớt lượng người nhà vào bệnh viện để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Ngày 9.4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip cảnh đối thoại giữa người nuôi bệnh (NNB) và lãnh đạo Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực (ĐKKV) Thủ Đức (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) về việc BV thu tiền NNB. Những NNB phản đối BV này thu 30.000 đồng/ngày đối với NNB tại khoa hồi sức.

Mỗi nơi thu một kiểu

Anh Phương, người có mặt trong cuộc đối thoại này, đề nghị BV ĐKKV Thủ Đức xem xét lại giá thu, nhất là với BN nghèo. “Con tôi bệnh, không có tiền ăn nữa, lấy đâu 30.000 đồng tiền phí. Tôi làm bảo vệ dân phố, nhà nước trả cho 23.000 đồng/ngày. Quá bất hợp lý”, một người đang nuôi con bệnh tại BV ĐKKV Thủ Đức bức xúc.

 
 
Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh? - ảnh 1
Chưa tính được tốn tiền điện, nước cụ thể cho việc tăng thêm này, nhưng ước số tiền này không nhỏ và BV phải tự chủ nên đây là gánh nặng tài chính cho BV. Tuy nhiên, việc thu này, cần phải được cho phép và phải đồng bộ ở các BV
Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh? - ảnh 2
 
TS-BS Bùi Minh Trạng,Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM
 
Hôm qua (9.4), trả lời Thanh Niên, ông Cao Tấn Phước, Giám đốc BV ĐKKV Thủ Đức, xác nhận chủ trương thu 30.000 đồng/ngày/NNB đã được Đảng ủy, Ban giám đốc BV thông qua và bắt đầu thực hiện từ ngày 8.4. Tuy nhiên khi triển khai thì bị NNB phản đối nên chưa thu được đồng nào. “Vì đây mới là chủ trương nên BV muốn lấy ý kiến, lắng nghe NNB để từ đó biết cách định hướng làm sao cho hiệu quả mà hợp tình, hợp lý”, ông Phước nói.
 
Lý giải về việc thu 30.000 đồng/ngày/NNB, ông Phước cho rằng hiện nay BV công tự chủ tài chính nên điện, nước… dùng cho sinh hoạt đều tăng nên BV không biết lấy kinh phí đâu để bù đắp. Khi thu tiền, BV sẽ cung cấp lại 4 dịch vụ cho họ, gồm: máy nước nóng lạnh (dùng lấy nước uống, ăn mì gói…), chỗ sạc điện thoại, ghế bố ngủ qua đêm và chỗ giặt và phơi quần áo; góp phần chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại BV.
 
“Hiện chúng tôi đã tạm dừng thu phí NNB. BV đang làm báo cáo lên Sở Y tế để xin ý kiến”, ông Phước cho biết.
 
Bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, cho biết BV này có thu 100.000 đồng/NNB thứ hai (người thứ nhất không tính tiền). Theo BS Nhi, việc thu tiền NNB có những lý do: để hạn chế NNB vào BV quá đông. Do tình trạng vi trùng kháng thuốc kháng sinh một phần xuất phát từ mật độ đông người; NNB vào phòng bệnh quá đông khiến bệnh nhân (BN) không được nghỉ ngơi; đảm bảo ANTT do nhiều phòng bệnh bị kẻ gian lợi dụng đông người trà trộn lấy cắp tài sản của BN.
Nhà lưu trú cho người nuôi bệnh tạiBệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM
Nhà lưu trú cho người nuôi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM

 
Việc thu tiền này được BV công khai và NNB đồng ý, nhưng BV chỉ áp dụng thu ở khu dịch vụ. Tiền thu này chi cho điện, nước, tăng cường bảo vệ đi từng phòng. “Có nhiều NNB ở lại làm việc thiếu tế nhị trong phòng bệnh, nhậu nhẹt say sưa vào nói chuyện to BN không ngủ được…”, BS Nhi nói.
 

Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), lâu nay có khoảng 300 NNB lưu trú tại khu T25 để chờ thông tin, bị quá tải do nhiều BN có đến 5 – 6 người nhà đi theo. BV thu phí nhà vệ sinh 2.000 đồng (gồm tắm, giặt, đi vệ sinh)/NNB. Giá thu này theo BV tạm thời chỉ hỗ trợ để bù lỗ cho chi phí thuê nhân công làm sạch, điện, nước, giấy vệ sinh, đã thông qua lãnh đạo BV, phòng tài chính. Khu này vừa ngưng từ đầu năm 2019, được thay thế bằng một khu xây mới.

 
Theo đại diện Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, 5 năm trước BV cũng có thu phí NNB, nhưng Sở Y tế đã yêu cầu dừng và BV đã dừng. Đặc điểm BN ở đây nằm dài ngày, NNB 70% là người làm thuê (được đăng ký lưu trú), họ ở BV dài ngày, xài điện nước nhiều và cũng từng xảy ra tình trạng mất cắp.
 
TS-BS Bùi Minh Trạng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM, cho rằng thực trạng NNB tại BV cũng giống như BV khác. Mỗi BN vô BV thường có hơn 1 người nuôi, gây quá tải BV về vệ sinh, điện, nước, ANTT… nhưng lâu nay BV không thu phí NNB.
 
“Chưa tính được tốn tiền điện, nước cụ thể cho việc tăng thêm này, nhưng ước số tiền này không nhỏ và BV phải tự chủ nên đây là gánh nặng tài chính cho BV. Tuy nhiên, việc thu này cần phải được cho phép và phải đồng bộ ở các BV”, TS-BS Trạng nói.
 
Theo các BV hạng 1 tại TP.HCM, tiền điện, nước mỗi tháng mỗi BV trả trên 1 tỉ đồng. Còn các BV lớn ở Hà Nội cho biết, tiền điện, nước mỗi tháng hơn 2 tỉ đồng/BV.

Đã tính trong cơ cấu giá dịch vụ y tế

Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã từng có vài BV ở TP thu tiền NNB 30.000 đồng/ngày, bị phản ánh, Sở Y tế TP đã yêu cầu BV ngưng thu.
Theo bà Liễu, trong cơ cấu giá viện phí chỉ được thu của BN (kể cả điện, nước), không nói đến việc thu tiền điện nước NNB sử dụng. “Đúng là BV có tốn chi phí điện, nước khi NNB sử dụng, trong khi các BV nhà nước hiện phải tự chủ tài chính nên rất khó cho BV. Sở Y tế sẽ có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị xem xét việc BV thu chi phí NNB dựa trên chi phí điện, nước thực tế”, bà Liễu nói.
 
Trong khi đó, theo một cán bộ của Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), trước đây một số BV có thu 5.000 – 15.000 đồng/ngày/NNB cho vệ sinh, điện, nước… Tuy nhiên, hiện tại các chi phí này đã tính trong cơ cấu giá dịch vụ y tế, nên không thu lặt vặt, mặc dù có thể phần cơ cấu giá dịch vụ y tế cũng chưa đủ nhưng BV cần tự cân đối các nguồn thu khác để bù đắp. Một số BV từng có thu phí vệ sinh để lấy nguồn bù đắp cho việc đảm bảo vệ sinh, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu dừng các khoản thu này, sau khi chi phí điện nước đã có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế.
 
Theo bà Lý Thị Hảo (Trưởng phòng Công tác xã hội Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư) ở Hà Nội, tại Viện không thu phí của NNB, nhà vệ sinh vẫn đảm bảo sạch sẽ; chỉ thu 5.000 đồng/giường gấp nhỏ/đêm với NNB có nhu cầu. Còn lại không có phí nào khác”.
 
Tại BV K (Hà Nội) từng thu phí 2.000 đồng/lượt sử dụng nhà vệ sinh với người nhà nhưng đã bỏ từ lâu; tại BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng không còn thu các khoản phí “mượn” áo vàng mặc khi vào chăm BN.

 

Làm riêng nhà lưu trú cho người nuôi bệnh
Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM, 2 năm nay BV dùng kinh phí của BV xây dựng một khu riêng cho NNB (nuôi BN nằm khu hồi sức cấp cứu) với 70 giường (giường tầng). Khu này có 4 nhà vệ sinh, nơi giặt giũ, phơi đồ và có cả wifi miễn phí; có nhân viên lau dọn mỗi ngày.
 
“Phục vụ thân nhân BN là chính nên BV chỉ thu 10.000 đồng/người; mỗi BN chỉ được ở lại một thân nhân, và tính vào viện phí. Để tránh trường hợp không phải NNB, nhưng vào BV chờ cơ hội trộm cắp, BV cấp cho mỗi người một thẻ nuôi bệnh, cũng là thẻ thăm bệnh”, BS Hùng cho biết. Trả lời Thanh Niên, nhiều NNB ở BV này cho biết: giá 10.000 đồng/ngày là chấp nhận được và hài lòng với dịch vụ được cung cấp.
 
BV Chợ Rẫy đã xây khu nhà nghỉ cho NNB 5 tầng, thay thế cho khu T25 nói trên, với 90 giường tầng, loại 30.000 đồng và 50.000 đồng, có các tiện ích máy quạt, truyền hình cáp, máy nước uống nóng lạnh, nhà vệ sinh dùng chung; 82 giường đơn, có 2 loại giá 250.000 đồng và 350.000 đồng, với các tiện ích quạt máy, máy lạnh, truyền hình cáp, nhà vệ sinh riêng, máy nước uống nóng lạnh…; 42 giường đơn 350.000 đồng và 400.000 đồng, với các tiện ích máy lạnh, tủ lạnh, truyền hình cáp, máy tắm nóng lạnh, nhà vệ sinh riêng từng phòng… Ở đây dành một khu rộng có ghế ngồi (kiểu ghế sân bay), nước uống nóng lạnh miễn phí cho NNB không đăng ký phòng.
D.Tính

 

DUY TÍNH – CÔNG NGUYÊN – DIÊN CHÂU