YouTube bỏ lơi, bạo lực ngôn từ hợp thức hoá, ai sẽ nghĩ cho giới trẻ?
Chuyên đề ‘Vũ trụ giang hồ’ từ phim chiếu trên mạng (Tuổi Trẻ 7-4) đã nhận được sự quan tâm của nhiều người đọc, bày tỏ những lo ngại nếu câu chuyện bạo lực, giang hồ… trên các sản phẩm văn hoá online bị đẩy đi quá xa.
YouTube bỏ lơi, bạo lực ngôn từ hợp thức hoá, ai sẽ nghĩ cho giới trẻ?
Chuyên đề ‘Vũ trụ giang hồ’ từ phim chiếu trên mạng (Tuổi Trẻ 7-4) đã nhận được sự quan tâm của nhiều người đọc, bày tỏ những lo ngại nếu câu chuyện bạo lực, giang hồ… trên các sản phẩm văn hoá online bị đẩy đi quá xa.
“Vũ trụ giang hồ” dần hình thành qua loạt web drama. Phim chỉ dừng lại ở mức phim giải trí bởi kịch bản lỏng lẻo, hời hợt
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của hai tác giả đang làm việc trong môi trường giáo dục, tiếp xúc thường xuyên với giới trẻ.
YouTube cảnh báo đối tượng khán giả chỉ là hình thức
Những phim về giang hồ, về đề tài bạo lực không phải mới mẻ. Trong lịch sử điện ảnh, những phim về găngtơ, tâm lý tội phạm, kinh dị… vẫn có nhiều phim kinh điển nhưng đó là những bộ phim tốt và có ngôn ngữ nghệ thuật.
Và khi những bộ phim đó được công chiếu, phim sẽ được dán nhãn về độ tuổi bởi trẻ em, thanh thiếu niên chưa hiểu hết ý nghĩa nghệ thuật đằng sau phim nên sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều mặt như tâm lý, tính cách.
Đó là tôi đang nói tới những phim có chất lượng tốt, được làm nghiêm túc, tử tế. Còn những phim chỉ lấy câu chuyện bạo lực, giang hồ, đánh đấm… mua vui trên YouTube thì để lại nhiều hậu quả khác.
Có một thực tế cho thấy YouTube hoàn toàn không thể hiện tốt như những gì họ đưa ra trong chính sách. Tôi thấy việc cảnh báo đối tượng khán giả chỉ là một cách làm hình thức. Xưa nay người ta có câu: cái gì càng cấm thì càng dễ gây tò mò nên việc cảnh báo đôi khi càng khiến trẻ em tò mò hơn.
Tôi nghĩ dù có thế nào thì YouTube vẫn là kênh video mở nên mọi người có thể tiếp cận bất kỳ video clip nào, ngay cả việc giới hạn độ tuổi, chỉ cần đăng nhập và xác nhận tôi trên 18 tuổi là có thể xem các clip có nội dung xấu, bạo lực.
Đó là chưa kể nhiều người còn lợi dụng sự dễ dãi này để làm những video clip ban đầu tưởng là nội dung tốt, giáo dục nhưng giữa chừng là những cảnh máu me, ghê rợn, kinh dị.
Tôi nghĩ sự phát triển quá nhanh khiến YouTube không thể kiểm soát hết những video được đưa lên, nên tốt nhất bản thân mỗi người, nhất là những người được xem là nghệ sĩ Việt Nam, cần thành thật với sản phẩm mình làm ra trước khi quyết định đưa lên YouTube. (Đào Lê Na – trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu – điện ảnh, khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Khi bạo lực ngôn từ được hợp thức hoá
Cùng với những tình tiết mang tính bạo lực trong hành động, những yếu tố bạo lực trong ngôn từ, trong lời thoại cũng có xu hướng tăng cao ở các sản phẩm giải trí vào những năm gần đây, nhất là đối với các tiết mục hài kịch, video clip ngắn phát trên mạng xã hội. Điều đáng nói ở đây là phong cách bạo lực ngôn từ như thế lại được giới trẻ đón nhận, thậm chí hưởng ứng, trở thành trào lưu.
Bạo lực ngôn từ tiến lên một mức độ mới khi bắt đầu có những diễn viên, nhất là các diễn viên trẻ, đã “mạnh dạn” đem những câu chửi vào các lời thoại nhằm khắc họa rõ nét hơn chân dung nhân vật mà mình đang thủ diễn.
Lằn ranh mong manh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật đôi khi đã khiến các diễn viên này chao đảo, đi sai đường. Đã có những sản phẩm văn hoá rất đáng phàn nàn về chất lượng, giá trị thẩm mỹ vì những câu chửi thô thiển, phản cảm. Sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng cũng là cơ hội để tăng cao mức độ bạo lực ngôn từ trong các sản phẩm giải trí.
Yêu thích và rồi mê mẩn những hình thức bạo lực trong các sản phẩm giải trí, khán giả có thể dần dần gia tăng cảm giác “quen” với bạo lực trong ý thức và dễ xung hấn trong hành vi.
Những trào lưu nói như chửi, nói như tát nước vào mặt người khác được không ít người trẻ hưởng ứng, có thể nhìn thấy qua mạng xã hội lẫn cuộc sống hằng ngày. Đây là mầm mống của những mâu thuẫn, xung đột để rồi kết cục tất yếu là dùng hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề. (Trần Xuân Tiến – Trường ĐH Văn Hiến)
Tiềm năng về đề tài giang hồ “còn rất nhiều”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Mr.Tô – người đứng sau của loạt web drama triệu view như Thập tam muội, Vi Cá tiền truyện, Thập Tứ cô nương – cho hay: “Tiềm năng về đề tài này tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều bởi vì khán giả đang yêu cầu tôi làm tiếp các phần tiền truyện cho các nhân vật trong phim. Hiện tại tôi đang thực hiện dự án Giang hồ Chợ Mới tiền truyện có tựa phim chính thức là Trật tự mới do nghệ sĩ Việt Hương đảm nhận vai chính.
Ngoài đề tài về giang hồ, tôi cũng làm nhiều thể loại khác và được ủng hộ từ phía khán giả. Còn về thể loại giang hồ, tôi không muốn xoáy quá sâu về cuộc sống băng đảng, mà chỉ muốn hướng tới tình nghĩa anh em.
Khi làm phim, tôi muốn đề cao tính nhân văn trong mỗi câu chuyện và tất nhiên trong mỗi câu chuyện phải có người tốt và người xấu, điều này chúng ta đã học được từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường và chắc chắn rằng cái tốt sẽ luôn thắng cái xấu”.
TIẾN VŨ ghi