18/11/2024

Stress ở người trưởng thành

Gần đây số người trẻ bị chứng bệnh stress tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ nhiều người trẻ mắc chứng này là điều đáng báo động trong xã hội…

 

Stress ở người trưởng thành

Gần đây số người trẻ bị chứng bệnh stress tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ nhiều người trẻ mắc chứng này là điều đáng báo động trong xã hội…


 

Stress ở người trưởng thành - Ảnh 1.

Chăm sóc cho bệnh nhân gặp các vấn đề rối loạn do stress, lo âu, trầm cảm tại Viện Sức khoẻ tâm thần – Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Gần 20 năm trước, khi BS Dương Minh Tâm bắt đầu đến làm việc tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày các bác sĩ ở đây chỉ nhận được 1-2 bệnh nhân gặp các rối loạn liên quan đến stress, nhưng ở ngày đỉnh điểm tháng 3-2019, viện nhận trên 350 bệnh nhân đến khám ngoại trú, ngày bình thường cũng trên 300 bệnh nhân.

Gánh nặng cuộc sống làm tăng bệnh

Điều gì đã làm cho con người ta luôn mệt mỏi, lo lắng, bất an, mất ngủ…, tức là gặp các rối loạn do stress, trầm cảm, lo âu? Theo BS Tâm, phần lớn trong đó là gánh nặng cuộc sống và việc chưa tự tin, chưa đủ kiến thức, trải nghiệm để “xử lý” những gập ghềnh gặp phải.

Có hai bệnh nhân nữ mới đến điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, họ đều bị rối loạn, lo lắng, đi khám, chữa bệnh khắp nơi mà không nghĩ rằng mình đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. 

Một trong hai bệnh nhân còn rất trẻ, mới cưới được 5 tháng nhưng luôn lo lắng đến mức không dám ra ngoài đường vì sợ bị đụng xe, cưới xong rồi nhưng vẫn lo khâu tổ chức đám cưới. Bệnh nhân được gia đình đưa đi khám tất cả các bộ phận, nhưng không phát hiện mắc bệnh gì.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, BS Tâm cho biết sau khi đánh giá các yếu tố, bệnh nhân được xác định mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa – một chứng bệnh điều trị không khó, nhưng lại rất khó nếu bệnh nhân không biết bệnh của mình. 

Mới đây, viện cũng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ 38 tuổi, là kế toán, có hai con nhưng chồng đi làm xa, gần đây bệnh nhân xây nhà và có nợ khoản tiền bằng 1/4 chi phí xây nhà nên rất lo lắng, hay đau đầu, khó ngủ, không ăn được… Bệnh nhân đã đi khám khắp nơi, chữa trị với chi phí lớn hơn cả tiền nợ xây nhà. 

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân cũng được xác định bị rối loạn lo âu. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển xấu.

Đáng chú ý, do những gánh nặng trong cuộc sống và chưa đủ trải nghiệm mà số lượng bệnh nhân gặp những rối loạn như thế này lại ngày càng gia tăng. 

Với lứa tuổi học đường, trước đây chỉ gặp bệnh nhân ở nhóm cuối cấp THPT, nhưng gần đây có cả học sinh THCS, đầu cấp THPT cũng đến khám vì rối loạn lo âu. Nhiều cháu đã “tự điều trị” bằng cách rạch tay, gây đau đớn cho mình.

 

Tăng trải nghiệm cho trẻ

“Có những người bệnh là học sinh đến khám, kể cho chúng tôi rằng cháu là học sinh trường tốp trên, nhưng cháu chán nản vì phải học quá nhiều mà không biết cái gì là quan trọng. Cháu nói có đủ thứ công thức mà bác sĩ như tôi cũng có dùng đến đâu. Cháu không tìm thấy ý nghĩa của việc học” – BS Tâm cho hay.

Cha mẹ đang cho các con học quá nhiều, bắt con đi theo “mũi nhọn”, làm gà nòi, nhưng con lại không đủ tự tin, không đủ trải nghiệm để xử lý những vấn đề cá nhân, như sống độc lập như thế nào, quan hệ với bạn bè ra sao, làm gì nếu bị bạn bè bắt nạt, nếu bị điểm xấu có phải là điều tuyệt vọng không sửa chữa được… 

“Nên dạy con và hướng con đến tìm hiểu kiến thức bao quát, để con đủ trải nghiệm, đủ tự tin”- BS Tâm nói.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, có đến 15% người Việt gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người. Cuộc sống căng thẳng với đủ thứ lo lắng: kẹt xe, lo đụng xe, lo con học hành, lo cuộc sống… khiến người ta như bơi trong những tâm trạng không vui. 

Hãy dành sức để trải nghiệm, dành sức chơi với con, hướng con và cả chính chúng ta đến những giá trị tích cực, nhân văn, tránh xa những lo lắng “con phải thành gà nòi, phải thành công” để khiến cả gia đình phải chạy theo mong ước xa vời ấy.

Nhiều bệnh nhân bị lạm dụng tình dục nhập viện

Theo thông tin từ Viện Sức khoẻ tâm thần, gần đây có nhiều bệnh nhân là trẻ em vào viện do bị lạm dụng tình dục. Phần lớn nạn nhân bị người thân quen như chú bác, hàng xóm, anh, người quen của gia đình lạm dụng.

 

LAN ANH