18/11/2024

Đừng để ân hận vì lười vận động

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA công bố Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới.

 

Đừng để ân hận vì lười vận động

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA công bố Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới.


 

Đừng để ân hận vì lười vận động - Ảnh 1.

Một bài tập vận động cơ thể – Ảnh: T.T.D.

Trong khi đó, một con số nghiên cứu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.

Đây là “căn bệnh” dẫn tới nhiều bệnh khác mà mỗi người cần được cảnh báo để chữa trị trước khi “bệnh” lười vận động chuyển qua thành bệnh nơi thân thể…

Xóc dậy bản thân

Kiên, một người bạn của tôi, từng rất lười tập thể dục và thường thức khuya để “cày” game, bỗng một ngày giật mình nhận ra: “Trời ơi, sao tôi mập thế này, quần áo đã căng cứng rồi”. Đó là thời điểm Kiên gần 80kg trong khi chiều cao chỉ 1,66m.

Theo Kiên, “lý do mình béo là do mình thức khuya, ít vận động; thức khuya chơi game – đói, thế là cứ xuống tủ lạnh kiếm đồ ăn, khi thì mì gói, lúc uống nước ngọt các kiểu…”.

Tôi khuyên Kiên, “vậy cậu phải dần thay đổi giờ giấc ngủ nghỉ, chơi game đừng quá nhiều, không nên thức khuya và như thế sẽ tránh phải ăn đêm. Thay vào đó, buổi chiều tối hoặc sáng sớm hãy ra một thời khóa biểu tập luyện, có thể chạy hoặc đi tập gym ở phòng tập gần nhà”. 

Tỉ tê và khuyến khích mỗi ngày nên Kiên cảm thấy được khích lệ, cậu từ từ thay đổi thói quen: không thức khuya nên cũng không ăn đêm, bớt ngồi trước máy tính và thêm thời gian vận động; ngủ sớm nên sáng cũng đủ sức để dậy sớm và ra công viên tập thể dục, bớt ăn cơm và tăng lượng rau củ quả…

Kết hợp giữa ăn, tập, Kiên giảm ký bớt và sau gần một năm đã giảm được gần 10kg, thân hình cân đối lại. Kiên chia sẻ: “Nhờ có bạn khuyến khích và sự quyết tâm của mình mà giờ đã tự tin hơn, cảm thấy người nhẹ, khỏe hẳn”.

Lan tỏa tinh thần sống khỏe

Phải chơi một môn thể thao nào đó, giúp mình vận động nhiều hơn! Đây là một trong những “nhiệm vụ” quan trọng tôi đặt ra cho bản thân từ rất lâu rồi. Có một thời gian bị tai nạn (gãy chân), tôi bị hạn chế việc vận động nên chỉ sau 6 tháng không đi công viên, tôi đã lên tới 7kg. 

Mặt to ra (bạn bè vẫn hay đùa là có thể để 10 chén chè lên được), bụng thì “phì nhiêu” nên khi làm việc tôi cảm giác hơi thở ngắn, hay mệt dù mình có tập thiền chút ít. 

 

Tôi “dậy mà đi” bằng cách tập đi bộ nhanh tại công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM), đăng ký tập tại phòng gym gần nhà, chủ yếu đến đó để chạy và có không khí (vì có đông người tập sẽ kích thích mình tập hăng say hơn).

Quả thực là vậy, khi ra công viên và đến phòng tập, gặp và quan sát những người yêu vận động, yêu thể thao, thấy ai cũng khỏe, đẹp hơn người thức khuya, ngủ nướng, ăn nhiều. 

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, do vậy tôi được “sáng” theo, những ý niệm về vận động, tập luyện cho thân thể dẻo dai trước đây được thúc đẩy nhiều hơn. Tôi được chính những người cùng sở thích “nuôi dưỡng” tinh thần tập luyện. 

Nhờ vậy, tôi mau khỏe chân (bị gãy) hơn và trong vòng một năm tôi đã xuống 8kg (từ 76kg còn 68kg) nên cảm thấy khỏe khoắn, năng động hơn hẳn, làm việc cũng hiệu quả hơn.

 Nhiều bạn bè tôi, như Kiên chẳng hạn, đã chịu nghe tôi vì tôi đã cố gắng làm được việc giảm cân qua vận động và tìm hiểu cách ăn uống khoa học trên sách, báo chí, tư vấn với bạn bè là bác sĩ.

Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, với công việc, thể thao, giải trí… Nếu nghiêng về bên nào cũng đều không tốt, cần một lối sống cân bằng để khỏe. Và muốn được vậy, trước tiên phải trị “bệnh” lười vận động!

Vận động thể dục hằng ngày có nhiều lợi ích

Giảm cân. Tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh. Giảm stress cho não bộ, có lợi cho khả năng nhớ của não bộ, từ đó giảm nguy cơ bị các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, suy giảm trí nhớ…

Tăng hoạt động của tim mạch, có lợi cho tim mạch. Có lợi cho giấc ngủ. Cải thiện chất lượng đời sống tình dục. Có lợi cho hệ cơ và hệ xương: tăng tuần hoàn, đào thải chất độc, cung cấp dinh dưỡng cho hệ cơ.

BS Đoàn Văn Thoại (Bệnh viện Hồng Hà, Hà Nội) - TẤN KHÔI ghi

Vì sao giới trẻ ít tập thể dục?

 

tập thể dục

Người trung niên, cao tuổi năng tập thể dục hơn giới trẻ – Ảnh: D.PHAN

“Trẻ uống trà, già thể dục” là một cụm từ được dùng để ám chỉ tình trạng ít tập thể dục hay lười vận động ở giới trẻ hiện nay. Thực tế, giới trẻ ít tập thể dục từ quê đến phố.

Sau mấy năm triển khai xây dựng nông thôn mới, mỗi xóm làng quê tôi đều có khu vực phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao… cho người dân trong thôn, xóm. Trong đó, các sân bóng chuyền, bóng hơi là nơi được đông đảo người dân tìm đến để “nâng cao sức khỏe”.

Trong những lần tham gia đánh bóng chuyền cùng người dân nhân dịp về quê, tôi chỉ thấy người chơi chủ yếu là những người đứng tuổi, lớn tuổi. Trong khi đó, tại cụm chung cư nơi tôi đang ở (quận Thủ Đức, TP.HCM), dù có đến hơn 5.000 người dân nhưng đội hình tập thể dục, đi bộ… hằng ngày thỉnh thoảng mới xuất hiện vài người trẻ tuổi.

Đối lập với việc vắng bóng người trẻ tập thể dục, những người đứng tuổi, lớn tuổi vẫn cần mẫn rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Ở công viên và một số khu vực tập trung đông người vào lúc sáng, chiều tối đa phần vẫn là người đứng tuổi, lớn tuổi tham gia đi bộ hay tập các bài tập thể dục, còn giới trẻ cũng có nhưng thưa thớt.

Tác giả đã tiến hành một cuộc khảo sát trên cơ sở lấy mẫu thuận tiện với hơn 100 người từ 18 tuổi trở lên và chia thành các nhóm tuổi: từ 18 đến dưới 30 tuổi, từ 30 đến 45 tuổi và trên 45 tuổi.

Trong một cuộc thảo luận nhóm, khi đề cập đến vấn đề “Bạn có thói quen tập thể dục nhằm nâng cao sức khỏe cho bản thân mình không?”, thì có gần 80% người tham gia khảo sát có độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi trả lời là “không”, mà họ chỉ tham gia tập thể dục bắt buộc phải tập như học môn giáo dục thể chất, quốc phòng – an ninh hay tham gia phong trào nào đó.

Hơn 20% còn lại của nhóm tuổi này tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng rổ, gym, aerobic, võ thuật, bơi lội… theo sở thích của mình với mức độ “thỉnh thoảng” – mỗi tuần 2-4 buổi. Trong khi đó, nhóm từ 30-45 tuổi cũng không có thói quen tập thể dục với 68% trả lời là “không”, hơn 20% chọn “thỉnh thoảng” và hơn 10% chọn “thường xuyên”.

Kết quả từ các cuộc thảo luận nhóm cũng cho thấy hầu hết các bạn trẻ ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi cho rằng lý do họ ít tập thể dục, thể thao vì họ cảm thấy sức khỏe của mình bình thường, hoặc do dành thời gian cho công việc, bè bạn, chơi trò chơi trên mạng, con cái, làm thêm… nên ít tập thể dục.

Giới trẻ ngày nay ít tập thể dục do bận rộn, do chủ quan… có thể tạo ra những hệ lụy về sau.

ThS Nguyễn Quế Diệu

LƯU ĐÌNH LONG