24/01/2025

Ám ảnh chuyện chó thả rông cắn người

Không ít vụ việc chó thả rông cắn người gây thương tích, thậm chí gây chết người nhưng các chủ nuôi không bị xử lý. Chó được thả rông không rọ mõm vẫn rất phổ biến.

 

Ám ảnh chuyện chó thả rông cắn người

Không ít vụ việc chó thả rông cắn người gây thương tích, thậm chí gây chết người nhưng các chủ nuôi không bị xử lý. Chó được thả rông không rọ mõm vẫn rất phổ biến.


 

Ám ảnh chuyện chó thả rông cắn người - Ảnh 1.

Bé Y. quê huyện Đô Lương, Nghệ An bị tổn thương nặng ở vùng mặt do chó cắn – Ảnh: D.HOÀ

Tại Nghệ An và Thanh Hóa, nhiều vụ chó tấn công trẻ để lại nhiều tổn thương lâu dài ở vùng mặt và nỗi ám ảnh cho gia đình. Đặc biệt, các bé từ 2-6 tuổi bị chó cắn chưa có kỹ năng phòng vệ, trong khi các bậc phụ huynh lại chủ quan với chính chó của gia đình nuôi.

Tổn thương lâu dài do chó cắn

Đưa con từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An về nhà để tiếp tục điều trị, anh N.Đ.C. (ngụ xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) chưa hết dằn vặt bản thân khi để chó cắn con mình. Dù vụ việc đã trôi qua gần nửa năm, nhưng các vết thương trên vùng mặt bé N.Đ.V.H. (3 tuổi, con anh C.) vẫn còn hằn rõ nhiều vết sẹo.

Theo lời kể của anh C., bé đang chơi và ăn bim bim thì con chó của gia đình nuôi chạy theo đùa giỡn. Bé H. lấy tay để đuổi chó thì bất ngờ bị con chó lao vào tấn công, cào cắn. Người nhà vội vàng chạy lại nhưng bé đã bị chảy máu rất nhiều, trên mặt, mắt, cổ có nhiều vết thương. “Từ trước đến nay, gia đình anh tôi nuôi chó nhưng không rọ mõm vì nghĩ chó của nhà nuôi là an toàn và thân thiện”, anh C. nói.

Cùng điều trị với bé H., bé T.T.H.Y. (31 tháng tuổi, quê xã Nam Sơn, huyện Đô Lương) cũng bị chó trong thời kỳ sinh sản cắn. Vùng mặt bé Y. bị hàng chục vết thương, trong đó vết thương vùng quanh mắt trái sâu. Sau ca phẫu thuật, bé Y. không thể tránh được vết sẹo sau này.

Còn tại Thanh Hóa, ba cháu bé ở huyện Thiệu Hoá, Tĩnh Gia và Quảng Xương cũng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy cấp với nhiều vết cắt sâu ở vùng mặt, mắt, sau cổ gáy… do chó cắn. Các trường hợp bệnh nhi này mới chỉ từ 2-6 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hà – khoa răng hàm mặt Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: thời gian qua đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đến chính từ những vật nuôi như chó, mèo trong gia đình đối với trẻ nhỏ nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thờ ơ, mất cảnh giác. Vì vậy theo ông Hà, cần hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ.

“Người bị chó cắn nên đến trung tâm y tế gần nhất tiêm phòng dại khi con chó có biểu hiện bất thường. Ngoài ra, người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc phải rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Không chủ quan khi bị chó cắn

Ám ảnh chuyện chó thả rông cắn người - Ảnh 2.

Bà Hạnh chưa hết ám ảnh về vụ việc – Ảnh: DOÃN HOÀ

Gần ba năm con dâu qua đời, bà Hoàng Thị Hạnh (80 tuổi, ngụ xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn chưa hết ám ảnh về bệnh dại từ con chó thả rông đã cướp đi người mẹ trẻ của 6 đứa con thơ dại.

 

Bà Hạnh nhớ lại, giữa tháng 6-2016, chị H.T.H. (con dâu bà Hạnh) đi thu mua ve chai, lúc gần về đến nhà thì không may bị con chó của nhà hàng xóm cắn trúng gót chân. Sau đó, chị H. đến bệnh viện tiêm vắcxin phòng uốn ván. Mặc dù được bác sĩ tư vấn cần được đi tiêm vắcxin phòng bệnh dại nhưng về nhà chị H. chỉ uống thuốc từ thầy lang. Ba tháng sau, chị H. đột ngột lên cơn dại và không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Di – phó khoa kiểm soát truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An – cho biết chị H. là một trong những bệnh nhân tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn nhưng không tiêm vắcxin phòng dại – phương pháp an toàn và duy nhất. Từ đầu năm 2018 đến nay, ở Nghệ An có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Ám ảnh chuyện chó thả rông cắn người - Ảnh 3.

Chó được thả rông, không rọ mõm khá phổ biến trên các tuyến đường ở TP Vinh – Ảnh: DOÃN HOÀ

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, trong tổng đàn gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông.

Mặc dù đã có quy định xử phạt chó thả rông nhưng tình trạng nuôi chó, thả rông chó tại các khu dân cư và nơi công cộng vẫn rất phổ biến. Chó thả rông không chỉ phóng uế, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lây lan bệnh dại.

Ghi nhận trên nhiều tuyến phố, khu dân cư ở TP Vinh cho thấy hiện vẫn có nhiều hộ gia đình để chó thả rông, không rọ mõm trên đường.

Thấy cảnh chó thả rông, không rọ mõm trên phố, không ít người bày tỏ lo ngại bởi không biết những con chó này đã được tiêm phòng bệnh dại và có cắn mình hay không?

Luật sư Nguyễn Vinh Diện – văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự, TP Vinh – cho biết nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2017. Hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng… bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
 
 

DOÃN HOÀ