27/01/2025

Trạm không gian quốc tế bị đe doạ do Ấn Độ bắn hạ vệ tinh

NASA cho rằng việc Ấn Độ phá huỷ vệ tinh ngoài không gian có thể gây tác động tiêu cực đến Trạm không gian quốc tế ISS và các phi hành gia trên trạm.

 

Trạm không gian quốc tế bị đe doạ do Ấn Độ bắn hạ vệ tinh

NASA cho rằng việc Ấn Độ phá huỷ vệ tinh ngoài không gian có thể gây tác động tiêu cực đến Trạm không gian quốc tế ISS và các phi hành gia trên trạm.


 

Trạm không gian quốc tế bị đe dọa do Ấn Độ bắn hạ vệ tinh - Ảnh 1.

Vũ khí bắn hạ vệ tinh mới của Ấn Độ được thử nghiệm thành công cuối tháng 3 vừa qua – Ảnh: REUTERS

Theo The Guardian, Ấn Độ mới đây thử nghiệm thành công một loại vũ khí không gian mới có khả năng chống vệ tinh – đặc biệt với những vệ tinh vận tốc thấp – với độ chính xác cực cao.

Thủ tướng Ấn Độ – ông Narendra Modi – cho rằng đây là một bước tiến mới của quốc phòng và vũ trụ Ấn Độ khi là nước thứ 4 trên thế giới có thể bắn hạ vệ tinh, bên cạnh Mỹ, Nga, và Trung Quốc.

“Ấn Độ đã làm nên thành công vang dội khi ghi tên mình vào danh sách những nước có sức mạnh trong lĩnh vực không gian, vũ trụ” – ông Modi nói.

Tuy nhiên mới đây, NASA đã lên tiếng chỉ trích về cuộc thử nghiệm vũ khí này khi để lại hơn 400 mảnh vỡ nguy hiểm đang bay lơ lửng bên ngoài không gian, đặc biệt có thể đe dọa các phi hành gia đang làm việc trên Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Trạm không gian quốc tế bị đe dọa do Ấn Độ bắn hạ vệ tinh - Ảnh 2.

Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi chiến tích của nền hàng không vũ trụ nước này sau vụ bắn hạ vệ tinh – Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi chỉ mới theo dõi được 60 mảnh trong số đó do nhiều mảnh vỡ tương đối nhỏ – dưới 10cm” – Jim Bridenstine, chuyên gia của NASA nói.

Trong cuộc thử nghiệm, vệ tinh của Ấn Độ bị phá huỷ ở độ cao 300km, thấp hơn độ cao của ISS (319,6 – 346,9km), tuy nhiên hiện thời có đến 24 mảnh vỡ bay được đến trạm không gian này.

“Thật tệ, rất tệ. Sự việc này có thể làm cho rác thải vũ trụ bao quanh ISS. Những hoạt động tương tự vụ thử tên lửa của Ấn Độ sau này có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay trong tương lai” – Bridenstine nói.

Quân đội Mỹ thường xuyên theo dõi đường đi của các vật thể trong không gian – bao gồm khoảng 23.000 vật thể lớn hơn 10cm – có nguy cơ va chạm với ISS, 10.000 trong số đó là rác thải vũ trụ.

Trong đó 3.000 rác thải có nguồn gốc từ vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc.

 

Trạm không gian quốc tế bị đe dọa do Ấn Độ bắn hạ vệ tinh - Ảnh 3.

Trạm không gian quốc tế (ISS) có thể bị ảnh hưởng bởi rác thải vũ trụ từ vụ bắn hạ vệ tinh vừa qua – Ảnh: GETTY IMAGES

Bridenstine nói chỉ hơn 10 ngày kể từ khi Ấn Độ thử nghiệm vũ khí mới, nguy cơ va chạm giữa ISS và vật thể ngoài không gian đã tăng lên 44%.

Trong khi đó người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này đã tính toán rất kỹ vị trí thực hiện vụ bắn hạ tên lửa nhằm không ảnh hưởng đến các vật thể khác.

“Các mảnh vỡ sẽ tự phá hủy và rơi trở lại Trái Đất trong trong một vài tuần tới” – người phát ngôn cho biết.

Những năm gần đây, rác thải vũ trụ là vấn đề thường xuyên được nhắc đến. Nhiều nhà khoa học cảnh báo nếu không có biện pháp kiểm soát gắt gao lượng rác thải, những vụ va chạm trong tương lai sẽ diễn ra với tần suất ngày một nhiều hơn.

Theo cơ quan vũ trụ châu Âu, hiện có khoảng 900.000 rác thải vũ trụ có kích thước lớn hơn hòn bi đang bao quanh Trái Đất, trong đó 34.000 vật thể có kích thước hơn 10cm.

 

TRỌNG NHÂN