25/12/2024

YouTube ‘dung dưỡng’ giang hồ mạng?

Khá Bảnh vừa bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc. Trước đó là hiện tượng giang hồ Khá Bảnh cùng tuyên bố đã đạt nút vàng YouTube và mỗi tháng bỏ túi 500 triệu từ YouTube bằng những video gây sốc.

 

YouTube ‘dung dưỡng’ giang hồ mạng?

Khá Bảnh vừa bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc. Trước đó là hiện tượng giang hồ Khá Bảnh cùng tuyên bố đã đạt nút vàng YouTube và mỗi tháng bỏ túi 500 triệu từ YouTube bằng những video gây sốc.

 

 

YouTube dung dưỡng giang hồ mạng? - Ảnh 1.

Đoạn video một cậu bé cắt tóc giống Khá Bảnh thu hút mấy trăm ngàn lượt xem – Ảnh cắt từ clip.

Phải chăng YouTube đang lơ là kiểm duyệt nội dung đăng tải, khi mà các video kiếm tiền này có nguy cơ gây hại cho người dùng?

Một người mẹ phàn nàn cậu con trai 12 tuổi đang tập điệu nhảy khá kỳ cục, miệng lẩm nhẩm ngôn ngữ như dân anh chị. Dù trước đây, chị từng đồng ý cho con theo học lớp nhảy, nhuộm tóc vào mùa hè, nhưng khi nghe con hét lên với bạn “Thấy tao giống Khá Bảnh không?”, chị thật sự lo ngại.

Trẻ em cũng xem Khá Bảnh

Người mẹ 40 tuổi vội vàng lên Google gõ “Khá Bảnh”. Hơn 1,98 triệu người đăng ký theo dõi kênh YouTube; trên 420 video, chưa kể vô số kênh chế lại các video chửi thề, phát ngôn lạ đời của nhân vật này.

Nhưng chẳng lẽ chị cấm con mình không được bắt chước Khá Bảnh. “Mới nói không được coi nữa là nó giãy nảy, trách mẹ khó tính. Mà cấm trên điện thoại thì nó sẽ lên mạng bằng máy tính, tiệm net, hay coi chung với bạn”, chị nói.

Độ lan tỏa của Khá Bảnh là khá lớn. Một số kênh YouTube đã tạo video bằng cách chụp lại những bình luận trên facebook Khá Bảnh như “cắt tóc giống Khá Bảnh, bố đánh không trượt phát nào”, “quẩy giống Khá Bảnh và cái kết đắng”, “nhảy chất đi bar như Khá Bảnh”.

Mỗi video như vậy thu hút ít nhất mấy chục ngàn lượt xem, và nhân vật trong các clip chế này có em chỉ cỡ 9-10 tuổi.

Hai ngày trước, kênh YouTube của MO còn đăng tải clip trong đó nhân vật khoảng 20 tuổi để hình đại diện chiếc xe máy đang cháy và tự nhận mình đốt xe giống Khá Bảnh. Dù ỡm ờ không biết có đốt hay không, clip này cũng thu hút 10 ngàn lượt xem và mấy chục bình luận.

Những người cha, người mẹ cũng không hiểu tại sao các video có lời lẽ dung tục, đốt xe (mới được gỡ gần đây nhưng các kênh khác vẫn còn nhắc đến), kể về đời sống giang hồ nhưng lại được dõi theo như một hiện tượng chưa từng có.

Điều này dấy lên lo ngại về sự ảnh hưởng của giang hồ mạng đối với trẻ em – độ tuổi chưa suy nghĩ thấu đáo và dễ học theo những hành vi không đúng đắn.

YouTube dung dưỡng giang hồ mạng? - Ảnh 2.

Một kênh YouTube dẫn lại bình luận liên quan Khá Bảnh, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem – Ảnh cắt từ clip.

Chính sách một nơi, video một nẻo

Ai sử dụng YouTube sẽ biết một trong những chính sách của kênh này đối với người dùng: không đăng tải nội dung bạo lực hoặc gây hại, nhất là đối với trẻ em. Vậy nhưng, những clip đăng cảnh Khá Bảnh hay các giang hồ mạng khác như NT, DMT, KS với hành vi lệch chuẩn, phản cảm vẫn nhan nhản.

Khá Bảnh đã đạt nút vàng YouTube và nhân vật này tuyên bố sẽ đạt nút kim cương trong thời gian tới. Cách đây 2 ngày, Khá Bảnh có 1,8 triệu đăng ký theo dõi, thì nay tăng thêm gần 190.000 tài khoản – một con số nhiều kênh mơ ước!

Các phương tiện truyền thông, các diễn đàn càng nhắc đến Khá Bảnh thì càng làm cho nhân vật này nổi tiếng. Dù Khá Bảnh vừa bị công an bắt vì tham gia đánh bạc, trước đó là xử phạt vì hành vi đậu xe chụp ảnh trên cao tốc, lượt xem kênh này vẫn không ngừng tăng. Điều này đồng nghĩa số tiền kiếm được từ những video đăng tải cũng tăng, bất chấp nội dung ra sao.

Tháng 12 năm ngoái, cộng đồng mạng từng kêu gọi tẩy chay kênh của những bà mẹ phản cảm SF khi liên tục đăng tải những clip nhân vật tự xưng mẹ vui đùa cùng con nhưng cố tình lộ hàng câu view.

Điều gây bức xúc là kênh SF này đạt 300 ngàn lượt đăng ký theo dõi trong thời gian ngắn, cũng như một số kênh nhận được dấu xác thực “danh giá” dù chứa nội dung phản cảm. Một số diễn đàn cho rằng có thể có một mạng lưới “bảo kê” cho những kênh này, cố tình “lách luật” để kiếm tiền.

Quá trình xét dấu xác thực cho kênh YouTube không hề nhanh chóng. Nó đòi hỏi sự kiểm duyệt, xem xét lịch sử đăng tải từ những video đầu tiên cho đến hiện tại. 

Vậy hơn 420 video của Khá Bảnh cùng hàng trăm clip của các kênh giang hồ chẳng lẽ không nhận được nút báo cáo nội dung không phù hợp nào từ cộng đồng, hoặc sự can thiệp rõ hơn của cơ quan chức năng?

YouTube dung dưỡng giang hồ mạng? - Ảnh 3.

Đoạn video của MO trên YouTube mập mờ về việc sẽ đốt xe giống Khá Bảnh – Ảnh cắt từ clip.

Bạn có cho rằng giang hồ mạng là một hiểm họa? 

Xu hướng thích thể hiện mình là anh hùng trên mạng có đáng lo ngại? 

Làm cách nào để người trẻ tăng sức đề kháng với những trào lưu xấu xí? 

Cần sự góp sức của nhà trường, phụ huynh, thiết chế văn hóa, pháp luật không? 

Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin để toà soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. 

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

 

RA NY