Người dân Hải Phòng lo lắng vì đảo chiều hàng loạt tuyến phố
Nhằm tạo ra một trục giao thông hướng tâm mới và chuẩn bị cho việc phát triển hạ tầng trong tương lai, từ ngày 10.4, Hải Phòng sẽ đảo chiều 3 tuyến đường và thay đổi hiện trạng giao thông của 6 tuyến đường khác.
Người dân Hải Phòng lo lắng vì đảo chiều hàng loạt tuyến phố
Nhằm tạo ra một trục giao thông hướng tâm mới và chuẩn bị cho việc phát triển hạ tầng trong tương lai, từ ngày 10.4, Hải Phòng sẽ đảo chiều 3 tuyến đường và thay đổi hiện trạng giao thông của 6 tuyến đường khác.
Đường Lương Khánh Thiện và đường Cầu Đất, 2/9 con đường sẽ bị đảo chiều từ 10.4 ẢNH LÊ TÂN
Thời gian gần đây, thông tin các tuyến đường huyết mạch trong nội đô Hải Phòng như Cầu Đất, Mê Linh, Lê Lợi… đảo chiều trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao. Theo thông báo ngày 18.3 của UBND TP.Hải Phòng, có 9 tuyến đường sẽ phân lại luồng giao thông theo đề xuất của Sở GTVT thành phố.
Trong đó, đường Cầu Đất sẽ đổi chiều ngược lại theo hướng từ ngã tư Thành Đội hướng về ngã tư Trần Phú. Đường Lê Lợi đổi chiều cho xe đi từ ngã ba Phạm Minh Đức về ngã tư Thành Đội. Đường Mê Linh đổi chiều cho xe đi từ ngã tư Nguyễn Đức Cảnh về ngã tư Hồ Sen. Đường Lê Chân một chiều từ Mê Linh đến Cầu Đất đối với ô tô, hai chiều đối với xe 2 bánh, xe thô sơ… Việc phân luồng giao thông mới sẽ có hiệu lực từ ngày 10.4.
Khi thông tin phân lại luồng được công bố, dư luận ở Hải Phòng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Chị Phương Thanh (ngụ đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho hay, chị đi làm ở đường Lạch Tray, còn con trai chị học ở trường Đại học Hàng Hải. Thay vì di chuyển theo đường thẳng từ Cầu Đất ra Lạch Tray, chị Thanh sẽ phải vòng ra Điện Biên Phủ đi Lê Lợi về Lạch Tray, hoặc theo hướng Mê Linh – Tô Hiệu – Lạch Tray.
“Mọi sinh hoạt đều được tính toán theo đường đi, nên thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Con đường đi làm của tôi và đi học của con tôi sẽ dài gấp đôi”, chị Thanh than thở.
Anh Trần Độ (ngụ đường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) thì cho rằng: “Về bản chất là đường không hề rộng ra, nên nếu chỉ đảo chiều thì tôi nghĩ không cải thiện được nhiều tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, đặc biệt là ở đường Mê Linh”.
Trong khi đó, anh Trần Anh Dũng (ngụ đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cho biết: “Tôi nghĩ cách đảo chiều như vậy sẽ giải toả áp lực, chống ùn tắc cho nút ngã tư Cầu Đất – Lạch Tray – Lê Lợi – Tô Hiệu. Có điều, từ 1.4.2018, Hải Phòng đã thay đổi nhiều tuyến, giờ lại đổi thì sẽ dẫn đến xáo trộn. Hy vọng lực lượng chức năng sẽ dành nhiều thời gian để hướng dẫn người tham gia giao thông”.
Trao đổi với Thanh Niên về những băn khoăn trên, ông Hoàng Triệu Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho biết: “Việc đảo chiều đường lần này nhằm tạo ra một trục giao thông hướng tâm mới phù hợp với hạ tầng hiện tại và tương lai. Đó là trục đường nối từ quận Đồ Sơn theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Rào, đường Lạch Tray, Cầu Đất… và đến thẳng cầu Hoàng Văn Thụ sang khu đô thị Bắc sông Cấm”.
Theo phân tích của ông Hùng, từ khi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động, đường Phạm Văn Đồng trở thành cửa ngõ chính vào thành phố thay thế quốc lộ 5 cũ. Việc đảo chiều đường Cầu Đất và các tuyến đường liên quan sẽ giúp khách du lịch đến Hải Phòng vào trung tâm thành phố thuận lợi hơn, vì chủ yếu là đi thẳng.
Ngoài đảo chiều, phân luồng 9 tuyến đường, Sở GTVT Hải Phòng còn kết hợp với hệ thống camera thông minh đặt tại ngã tư Thành Đội thông báo tàu đi qua, giúp người dân có thể tìm hướng khác thay thế cho đường Cầu Đất để tránh ùn tắc cục bộ. Tại ngã ba Tô Hiệu và Hàng Kênh cũng sẽ lắp đèn tín hiệu thông minh đảm bảo luồng giao thông luôn thông suốt.
“Chúng tôi đang gấp rút làm lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu để tiến hành phân luồng mới. Trong thời gian mới phân luồng, lực lượng của Sở sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông ra quân hướng dẫn, nhắc nhở người dân”, ông Hùng cho biết.
LÊ TÂN