23/01/2025

Dạy trẻ sinh tồn dưới nước ra sao?

Chi phí dạy bơi cho trẻ không đắt đỏ nhưng có thể cứu được rất nhiều cháu khỏi đuối nước vì thế “cần dạy cho trẻ cách sinh tồn dưới nước”.

 

Dạy trẻ sinh tồn dưới nước ra sao?

Chi phí dạy bơi cho trẻ không đắt đỏ nhưng có thể cứu được rất nhiều cháu khỏi đuối nước vì thế “cần dạy cho trẻ cách sinh tồn dưới nước”.
 
 
 

Dạy trẻ sinh tồn dưới nước ra sao? - Ảnh 1.

Một lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Học cách sinh tồn dưới nước…

Theo ông Nguyễn Trọng An, người nhiều năm làm giám đốc Dự án phòng chống thương tích ở trẻ em, nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, dạy bơi ở đây không phải là dạy trẻ bơi nhanh, bơi 25m, 50m thì mất bao nhiêu giây, mà cần dạy trẻ cách sinh tồn dưới nước. 

“Các cháu cần được học cách bơi tự cứu, làm sao đứng nổi ở dưới nước, ngửa mặt trên mặt nước tối thiểu 90 giây, trong thời gian đó thì hô hoán để người trên bờ quăng dây quăng phao xuống cứu” – ông An nói.

Bản năng của trẻ thích ứng với nước nên trẻ chỉ cần bắt chước và xem việc học bơi như một hoạt động giải trí. Trong đầu trẻ cũng không suy nghĩ vẩn vơ nên tiếp thu căn bản rất nhanh.

Thầy Nguyễn Văn Quý (bộ môn thể thao dưới nước – Trường ĐH TDTT Đà Nẵng)

Một kỹ năng nữa cần được dạy cho trẻ là cứu đuối, bởi trong nhiều trường hợp cháu biết bơi và thấy bạn chới với là cháu sẽ lao xuống nước cứu bạn, nhưng nếu chưa lượng được sức mình hoặc gặp sóng xa là có thể chết chùm. 

Vì vậy cần dạy cho các cháu kỹ năng để cháu thực hành được trong tình huống có người nguy cơ đuối nước, như hô hoán, quăng dây quăng phao, ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo… 

Đồng thời dạy trẻ những nguyên tắc tối thiểu như mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông thủy, quan sát nơi để phương tiện cứu đuối phòng trường hợp nguy cấp…

Dẫn kinh nghiệm từ Đà Nẵng, ông An cho biết mô hình “bể bơi” lắp ghép dạng túi nước đặt trong khung đã được đưa vào trường học, giúp trên 20.000 trẻ 8-12 tuổi ở đây biết bơi, giúp tránh rất nhiều trường hợp chết đuối thương tâm. Nhờ vậy, từ 60-70 trẻ chết đuối/năm, hiện Đà Nẵng giảm xuống còn dưới 10 em/năm,

Và kinh nghiệm từ Đà Nẵng

Từ năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã ưu tiên đầu tư xây dựng bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn. Các bể được nghiên cứu hợp lý có diện tích 6x11m, đươc trang bị thêm máy lọc nước, hút cặn, nhà tắm… Khoảng hai tuần, bể sẽ được thay nước một lần. 

 

Đặc biệt, học sinh được miễn toàn bộ học phí khi đăng ký học bơi.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng – cho biết nếu nhìn vào con số 57 bể bơi/102 trường tiểu học trên địa bàn sẽ thấy con số này rất cao so với mức 0,04 ở toàn quốc. 

“Điều kiện tiên quyết là phải chịu đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên dạy bơi. Kế đến là Đà Nẵng đã xã hội hóa được phong trào dạy bơi. Học sinh rất thích bơi, khi mở lớp miễn phí kiểu gì các em cũng xin cha mẹ đi học. Khi các em đã có kỹ năng bơi thì việc duy trì không khó…”- ông Vương phân tích.

Ông Vương cho biết tính từ năm 2016, việc dạy bơi cho học sinh cấp 1 đã bước sang năm thứ 3. Để đạt chuẩn “biết bơi” sau mỗi khóa học, các em phải trải qua bài kiểm tra cuối khóa. 

“Em nào bơi được 25m, nổi được 9 giây sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, en nào không đạt phải học lại. Sắp tới môn bơi sẽ thành môn thể thao tự chọn cho các em học sinh trong nhà trường” – ông Vương nói.

“Thành quả lớn nhất trong công tác phổ cập bơi cho học sinh ở Đà Nẵng chính là sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về một chủ trương đúng, có tác dụng lớn về an sinh xã hội, góp phần bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em” – ông Vương cho biết.

Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị chết đuối

Theo ông Nguyễn Trọng An, thống kê trước đây mỗi năm có đến 3.000-3.500 trẻ chết đuối, gần đây con số này giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao là khoảng 2.000 em/năm.

Thời điểm từ tháng 4 trở đi là thời điểm dễ xảy ra đuối nước ở trẻ em do giao mùa, trời nóng bức, trẻ có thể đến các điểm có nước vui chơi và tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Tại gia đình, ông An khuyến cáo cha mẹ chú ý lật úp các chậu, chum, xô có chứa nước, tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các cháu mới biết đi lẫm chẫm có thể ngã vào các dụng cụ chứa nước, xảy ra tình huống nguy hiểm.

Các trường học, cộng đồng cần sớm tổ chức dạy bơi cứu đuối và kỹ năng sinh tồn dưới nước một cách rộng rãi cho trẻ em, có thể dùng lưới chăng trên các vùng hồ, sông đã được khảo sát đảm bảo an toàn để dạy bơi cho trẻ em.

Một khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ 8-12 tuổi biết bơi chỉ dưới 40%.

Cần Thơ: không tổ chức kiểm tra “xóa mù” bơi được

Ông Trần Tường Thắng, chuyên viên Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết Cần Thơ đã triển khai đề án “xóa mù” bơi của Bộ GD-ĐT từ năm 2014 đến nay, hằng năm đều có số liệu báo cáo về tỉ lệ học sinh biết bơi…

Tuy nhiên thực tế các trường gặp rất nhiều khó khăn trong chương trình này. Đặc biệt khó khăn trong việc lồng ghép học bơi vào môn giáo dục thể chất. Hầu hết các trường không lồng ghép được vì không có giáo viên dạy bơi, không có hồ bơi và không tổ chức được các đợt kiểm tra tại trường.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Cần Thơ, thống kê năm học vừa qua, có 56% học sinh khối tiểu học, 69% học sinh trung học cơ sở và 69% học sinh trung học phổ thông biết bơi.

Khối trường tiểu học là 179 trường nhưng chỉ có 12 trường có bể bơi; các khối trung học cơ sở và trung học phổ thông không có hồ bơi trường học; số lượng hồ bơi ở cộng đồng là 13 hồ.

T. LUỸ

Tránh cứu người đuối nước sai cách

 

day boi

Bể bơi di động để dạy trẻ tiểu học bơi miễn phí tại Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Các bác sĩ cấp cứu cho biết đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản. Việc cấp cứu ban đầu rất quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân.

Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện trong tình huống rối ren, nguy cấp. Vì vậy, khi gặp người bị đuối nước, chúng ta cần giữ bình tĩnh để tìm cách cứu sống nạn nhân nhưng phải biết giữ an toàn cho chính mình qua trình tự các bước sau:

1. Hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu.

2. Nếu nạn nhân gần bờ: nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào có thể cứu như cây sào, quần, áo, dây nịt… để nạn nhân bám vào và kéo dần lên bờ. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu vì lúc này nạn nhân trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được kể cả người cứu nạn.

Nếu nạn nhân ở xa bờ: khi tiếp cận được nạn nhân, người cứu (đối với những người biết bơi, biết cách cứu người đuối nước) cần nâng cằm nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, song song đó hãy trấn an nếu nạn nhân còn tỉnh.

3. Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ.

Cụ thể, đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực (khoảng 100 lần/1 phút).

Đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo.

4. Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai.

5. Cần lau khô người nạn nhân, thay quần áo và ủ ấm. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.

Theo các bác sĩ, thực tế có rất nhiều trường hợp nạn nhân đuối nước đã thoát “cửa tử thần” nhưng vẫn để lại di chứng não nặng nề, thậm chí tử vong sau đó do cấp cứu sai cách như dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác vai rồi chạy hay hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực khi đang vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

 

XUÂN MAI

LAN ANH – TRƯỜNG TRUNG