18/11/2024

Giúp con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc

Nhiều bậc phụ huynh đau đầu mỗi lần đưa con nhỏ đi khám bệnh, vì con quấy khóc, sợ hãi, không hợp tác với nhân viên y tế,…Vậy nguyên nhân từ đâu và làm cách nào để giúp con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc?

 

Giúp con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc

Nhiều bậc phụ huynh đau đầu mỗi lần đưa con nhỏ đi khám bệnh, vì con quấy khóc, sợ hãi, không hợp tác với nhân viên y tế,…Vậy nguyên nhân từ đâu và làm cách nào để giúp con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc?

 

 

Dù bất cứ lúc nào cha mẹ cũng nên đồng hành cùng con và đừng tạo cho con những hình tượng bác sĩ như "bà la sát" /// HOA NỮ

Dù bất cứ lúc nào cha mẹ cũng nên đồng hành cùng con và đừng tạo cho con những hình tượng bác sĩ như “bà la sát”  HOA NỮ

 

Nhắc đến đi khám bác sĩ là con bảo… hết đau

Cô Đỗ Thị Sương (Chung cư Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3, TP.HCM) kể: “Vào trông cháu cho con mà cháu đau suốt ngày, thằng lớn 4 tuổi cũng hay đau, mà thằng nhỏ thì đỡ, mới có 9 tháng nên cũng chưa biết gì, chứ thằng lớn mỗi lần đi khám bác sĩ là khổ hết cả gia đình. Đi khám mà mẹ nghỉ việc, ba nghỉ việc rồi tôi cũng phải đi cùng, nhưng cứ đến trước bệnh viện thấy đông người là bắt đầu khóc toáng lên và đòi về, không đưa về là nằm vạ luôn dưới đất”.

Cô Sương không biết vì sao mà cháu mình lại sợ bệnh viện đến như vậy, chỉ thấy thương cháu mỗi lần có đau bệnh gì là không cách nào khám được cho cháu. Trừ khi đi bác sĩ tư và phải nhờ bác sĩ không mặc áo blouse trắng, chứ cháu của cô chỉ cần nhìn thấy những ai mặc áo này sẽ mặc định ngay là bác sĩ, còn không thì sẽ nghĩ như người bình thường.

Cũng giống câu chuyện của cô Sương, Nguyễn Thị Mỹ Hà (Chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) cũng khổ vì mỗi lần phải dụ dỗ hết cách để đưa con đi khám bệnh: “Mình mới có một đứa nhưng nói sinh nữa thì sợ, không phải vì sợ khổ hay sợ sinh đau mà mình ám ảnh mỗi lần con bệnh. Con đau mình xót, mình lo muốn cuống cuồng cả lên mà đưa đi bệnh viện là giống như cực hình. Hết dỗ đến bắt ép. Nhiều lúc con chỉ cảm sốt nhẹ thì không sao, chứ những lúc con bệnh nặng mà cứ thấy bác sĩ là con quấy khóc, náo loạn cả bệnh viện”.

Chị Trương Thị Nga (96/58 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) thì kể con chị đã học lớp 5 rồi nhưng mỗi lần đau và nói đi khám bác sĩ là bất giác con bảo đã hết đau rồi.

“Hết đau được thì nói làm gì, con mình sợ bác sĩ quá nên đâm ra như vậy. Nhiều lần mình và chồng đã ngồi nói nhỏ nhẹ và giải thích cho con hiểu là bác sĩ chỉ khám cho con hết bệnh thôi, chứ không làm con đau đâu. Nhưng nó cứ nghĩ đến bác sĩ, nghĩ đến bệnh viện là lại nghĩ đến kiêm tiêm, nó sợ bị tiêm thuốc lắm. Mình cũng bó phép, lần nào nói nhẹ không được là mình phải dọa đánh, dọa đủ thứ mới đưa đi khám được, chứ bệnh mà không khám thì biết làm sao”, chị Nga kể.

Tạo cho con niềm tin với bác sĩ

Bàn về câu chuyện này và cách để giúp con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc, bác sĩ Phan Thị Lan Viên, Trung tâm nghiên cứu cải tiến Y tế TP.HCM, cho rằng trong quá trình dạy con chúng ta thường quen với những câu nói dọa nạt như : “Ăn nhanh lên không mẹ kêu bác sĩ đến chích cho bây giờ”, “Con hư quá, cô y tá la cho rồi bắt nhốt đó nha”, “Nín mau! Bác sĩ đến kìa!”,… Từ những lần dọa nạt như thế này khiến trẻ có những tiềm thức không tốt về bác sĩ, vô tình biến bác sĩ thành những “bà la sát” trong tâm trí trẻ.

Theo bác sĩ Viên, để con đỡ sợ thì quan trọng nhất là người đồng hành, có thể là ba mẹ, ông bà hay người thân nào đưa con đi bác sĩ cũng phải thật sự bình tĩnh. Nếu giữ được sự bình tĩnh thì con sẽ cảm nhận được sự bình tĩnh đó và đỡ sợ hơn. Nhưng để làm được điều này không phải đơn giản, giống như khi ta đi thi nói phải bình tĩnh nhưng cứ vào phòng thi là run.

“Vì thế cần phải có một quá trình chuẩn bị. Sự bình tĩnh ở đây không chỉ là ở chuyện chúng ta biết quy trình, biết cách khám mà cần chuẩn bị cả niềm tin, đối với nhân viên y tế, niềm tin con của mình là bé có thể hiểu chuyện và hợp tác tốt với bác sĩ. Và quan trọng hơn, trong quá trình dạy con, không được hù dọa con để bác sĩ trở thành bà la sát trong tâm trí của trẻ. Khi nỗi sợ lớn lên thì trở thành nỗi ám ảnh với trẻ và rất khó để thay đổi”, bác sĩ Viên nhấn mạnh.

Bác sĩ Viên cũng cho rằng không nên ép con khám khi con chưa chuẩn bị sẵn sàng, nên chuẩn bị để con sẵn sàng trước khi khám. Nhiều cha mẹ hỏi rằng, nếu con đang bênh mà không chịu khám thì phải làm thế nào? Trong tình trạng nguy kịch thì không nói, nhưng đa phần là những tình huống không nguy kịch thì nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi dẫn trẻ đi khám.

“Thứ nhất là nên trò chuyện với trẻ xem con có lo lắng hay lo sợ không và giải thích cho con là mẹ và bác sĩ muốn giúp con để con hết bệnh. Thậm chí mình vẽ nên một viễn cách tốt đẹp hơn là nếu con hết bệnh con sẽ được đi tắm hồ bơi như con thích,…Nhưng những viễn cảnh này nên thực tế và nằm trong khả năng có thể đáp ứng được cho con, để tạo sự uy tín, niềm tin với con”, bác sĩ Viên nói.

Khi đã hiểu được cảm giác của con đang như thế nào, theo bác sĩ Viên điều tiếp theo các bậc phụ huynh nên làm là chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho con. Như có thể có con nhập vai vào tình huống khám bệnh cho thú nhồi bông và từ đó lồng ghép những quy trình khám bệnh để bé làm quen. Rồi giải thích cho con về những dụng cụ y tế mà con hay sợ như kim tiêm, kẹp nhiệt độ hay ống nghe,…

Bác sĩ Viên cũng khuyên: “Đối với trẻ nhỏ khi đi khám bệnh, sợ là chuyện bình thường nên những lúc con sợ thì nên làm gì để nỗi sợ không quá khủng khiếp. Chúng ta hãy để con nắm tay mẹ, có thể ôm con một cái trước khi nằm xuống khám hoặc vẽ cho bạn một cái đồng hồ và bảo với con đây là đồng hồ thần kỳ sẽ giúp con có sức mạnh vượt qua nỗi sợ, đánh tan những nỗi sợ,…Nên tùy thuộc vào tính cách, sở thích của từng trẻ mà ba mẹ cần chuẩn bị và đồng hành cùng con vượt qua nỗi sợ thầy thuốc”.

 

HOA NỮ