14/01/2025

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học?

Ngày 17-3, dù số gia đình từ Thuận Thành, Bắc Ninh đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư ở Hà Nội đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng vẫn có đến trên 400 gia đình đưa con ra xét nghiệm.

 

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học?

Ngày 17-3, dù số gia đình từ Thuận Thành, Bắc Ninh đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư ở Hà Nội đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng vẫn có đến trên 400 gia đình đưa con ra xét nghiệm.


Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học? - Ảnh 1.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Đây là 1 trong những trường hiếm hoi ở TP.HCM mời phụ huynh đến tham dự và cùng ăn trưa với con em mình – Ảnh: H.HG

Ông Nguyễn Quang Thiều – phó viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư – cho biết tính đến tối 17-3, có 102 trong số 923 mẫu đã xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán. Tính cả 2 bệnh viện, đã có 209 bé nhiễm sán lợn. 

Tại huyện Thuận Thành, có 14/19 xã của huyện có ca dương tính với sán lợn và cần phải tiến hành một cuộc điều tra dịch tễ nghiêm túc và khoa học để tìm nguyên nhân của bệnh.

Mối nghi từ bữa ăn trường học

Nguồn cơn của việc 1.900 gia đình ở Thuận Thành, Bắc Ninh ồ ạt đưa con ra Hà Nội xét nghiệm trong ba ngày qua bắt nguồn từ một video lan truyền trên mạng xã hội hồi giữa tháng 2, cho biết thịt cung cấp cho Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) có nốt trắng như loại lợn bệnh (lợn gạo). 

Ngày 5-3, phụ huynh đã đến kiểm tra tại bếp ăn nhà trường và phát hiện thịt gà bị mủn, không tươi như cam kết.

Đến ngày 7-3, ba gia đình đưa con ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư xét nghiệm và 2 trong số 3 mẫu dương tính với ấu trùng sán lợn. Phụ huynh đưa kết quả xét nghiệm lên mạng xã hội và từ ngày 15-3, các bậc cha mẹ ùn ùn đưa con đi xét nghiệm, cho đến 17-3 là 1.900 gia đình.

Trao đổi với báo chí khi đưa cháu (có kết quả xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán lợn) đến xét nghiệm tại Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư, ông Khanh – một phụ huynh – cho biết cháu trai ông đã đi học mầm non từ 3 năm nay, ở nhà đồ ăn, uống của gia đình đều được nấu chín, nghi ngờ mầm bệnh từ bữa ăn nhà trường.

Mối nghi ngờ càng khó xác định nguyên nhân khi nhà cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương còn cung cấp cho gần 20 trường mầm non và tiểu học khác trên địa bàn. Số xã có trẻ nhiễm bệnh cũng có diện rất rộng: 14/19 xã (cho đến trưa 17-3). 

Bà Tô Mai Hoa, giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho hay “đặc sản” của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là món “nem Bùi” có thành phần là thịt chưa nấu chín. Vì thế, ông Thiều cho rằng rất cần phải thực hiện một cuộc điều tra dịch tễ khoa học để xác định chính xác căn nguyên mầm bệnh.

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học? - Ảnh 2.

Bà Trần Việt Nga – phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra, mà mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.

Bà Trần Việt Nga (phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện

Nguyên nhân dẫn đến 14/19 xã của Thuận Thành có trẻ nhiễm ấu trùng sán lợn chưa được xác định, nhưng việc thịt lợn có lợn cợn vẩy trắng, thịt gà bị mủn… vào bữa ăn của học sinh mầm non là điều khó chấp nhận.

Vậy ai quản lý bữa ăn trường học? Chúng tôi đã trao đổi với bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Bà Nga nói:

– Theo Luật an toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm trường học là của UBND các cấp, UBND các cấp thường phân cấp cho cơ quan y tế. Với cơ sở cung cấp bữa ăn trường học có giấy phép kinh doanh thì cơ sở phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được cung cấp bữa ăn trường học và bếp ăn tập thể nói chung. 

Cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu nướng và cung cấp suất ăn) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và vẫn cần đảm bảo đủ điều kiện về dụng cụ nấu ăn, bát đĩa, nguồn nguyên liệu…

Luật an toàn thực phẩm cũng quy định điều kiện với bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học, là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được cung cấp thực phẩm cho trường học.

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học? - Ảnh 4.

Các cán bộ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh – Ảnh: THUÝ ANH

 

Nhà trường và phụ huynh phải giám sát

* Trong trường hợp các đơn vị tự nấu nướng và cung cấp suất ăn, chỉ cam kết thì theo bà có đảm bảo họ làm đúng như cam kết, trong khi cung cấp thực phẩm cho trường học là đối tượng rất nhạy cảm?

– Về nguyên tắc thì kể cả đủ giấy phép hay chỉ cam kết vẫn phải đi kiểm tra (hậu kiểm), nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của ban giám hiệu và phụ huynh nhà trường. Qua theo dõi những trường học làm tốt, tôi thấy ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát rất kỹ nguyên liệu ở đâu, nấu nướng vệ sinh ra sao… Một vấn đề nữa là giá thành bữa ăn.

* Với những điều kiện về pháp lý như vậy, theo bà, đã đủ để giám sát bữa ăn trường học, với những yêu cầu theo chúng tôi là còn sơ sài như chỉ cần cam kết?

– Không ở đâu cơ quan quản lý có thể giám sát được 100%, vì thế vẫn cần vai trò giám sát của phụ huynh nhà trường, của ban giám hiệu… giám sát vấn đề an toàn, giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. 

Hơn nữa, cam kết hay là giấy chứng nhận vẫn là những cơ sở ban đầu, ban đầu có thể họ làm tốt, đạt tiêu chuẩn để cấp các hồ sơ giấy tờ nhưng sau này có thể lại vi phạm, nên cần chú trọng vào kiểm soát quy trình: nguồn nguyên liệu ở đâu, cơ sở nào cung cấp, chất lượng ra sao, nhà trường cũng phải tham gia giám sát, mỗi trường học/nơi sử dụng bếp ăn tập thể nên có những cán bộ chuyên trách việc đó, để trước hết có thể phát hiện nguyên liệu có đạt chuẩn không, chế biến có đảm bảo hay thực phẩm có nhiễm vi sinh không…

Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn: Ai giám sát bếp ăn trường học? - Ảnh 5.

Rất đông phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con ra Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng TƯ xét nghiệm bệnh sán lợn – Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG

* Một khảo sát thực hiện vào những năm 2015 – 2016 cho thấy mức độ an toàn của bếp ăn trường học là chưa ổn, nhất là khi kiểm tra đột xuất. Bà có cho rằng cần bổ sung thêm các quy định để giám sát chất lượng bữa ăn ở trường học?

– Quy định hiện hành theo tôi không thiếu, nhưng quan trọng là ý thức thực hành khi chế biến thực phẩm. Ngay tại các gia đình, hiện vẫn còn những thói quen chưa đúng như để thực phẩm đã chế biến trong môi trường bình thường dẫn tới ôi thiu, gây rối loạn tiêu hóa. 

Như tôi đã nói ở trên, không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra, mà mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.

Công an vào cuộc điều tra

Ngày 17-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng phối hợp cùng Công an huyện Thuận Thành nhanh chóng điều tra vụ việc học sinh bị nhiễm sán lợn.

Trước đó, ông Nguyễn Tử Quỳnh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, có chỉ đạo Công an tỉnh cần khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.

Ông Quỳnh cũng yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh phải phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học; Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học..

Tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm cho học sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngũ Duy Anh (vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT) cho biết bộ đã biết sự việc và đang yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xác định trách nhiệm của các trường có bếp ăn bán trú, báo cáo tình hình sớm về Bộ GD-ĐT.

Ông Ngũ Duy Anh cũng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, kiên quyết không sử dụng nguồn thực phẩm thiếu an toàn đưa vào trường học cho học sinh.

Tại Hà Nội, trước tình trạng nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng khi gửi con bán trú, ông Phạm Xuân Tiến – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết: Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và thời gian sử dụng.

Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

cho chau an sang 4(read-only)

Bữa ăn sáng của học sinh một trường mầm non trên địa bàn quận 3, TP.HCM. Đây là 1 trong 6 quận, huyện ở TP.HCM thực hiện thí điểm về an toàn thực phẩm trong trường học – Ảnh: H.HG

TP.HCM: thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng

Theo ông Nguyễn Văn Gia Thụy – phó trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2017 Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã ký kết kế hoạch liên tịch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Và từ năm học 2018-2019, thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn trong trường học; cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh phải tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm…; các loại thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm); khuyến khích các bếp ăn, nhà ăn trong trường học, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của TP, cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGap, GlobalGap…

Nội dung trên hiện đang được thực hiện thí điểm tại 6 quận: 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh. Sở GD-ĐT TP cũng khuyến khích các quận, huyện còn lại cùng thực hiện.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM): 70% trường học trong TP đã được kiểm tra về thực phẩm

 

3765464 3(read-only)
 

Từ năm 2017 đến nay, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra được khoảng 70% các bếp ăn tập thể tại trường học và các bếp ăn tại các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn trong trường học. Dự kiến đến tháng 5-2019, con số này sẽ nâng lên 80 – 90%.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các bếp ăn này ít có sai phạm về thực phẩm. Các trường cũng đều xác định bữa ăn cho học sinh rất quan trọng vì cơ thể học sinh còn trẻ, chưa kể bữa ăn trường học nếu có vấn đề gì cũng rất “nhạy cảm” trước dư luận xã hội.

Từ trường công lập đến tư thục, phụ huynh đều rất quan tâm và sẵn sàng đóng góp để đầu tư cho bữa ăn tại trường của con em họ được an toàn, chất lượng.

Suốt thời gian vừa qua, các bếp ăn trong trường học của TP không xảy ra vấn đề gì. Chỉ có một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do sử dụng thực phẩm ở các hàng quán bên ngoài trường học.

Bà V.M.H. (phụ huynh học sinh lớp 8 tại quận 3, TP.HCM): Tôi đã vào tận bếp xem họ nấu nướng

Tôi không có tên trong ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng tôi đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp hãy liên hệ với ban giám hiệu nhà trường để đi tham quan bữa ăn của học sinh. Chúng tôi báo trước trong tháng đó chúng tôi sẽ đến vào một ngày bất kỳ. Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp không đi được thì tôi sẽ đi thay.

Hồi con tôi học tiểu học, trường của cháu có bếp ăn bán trú, tôi đã vào tận bếp xem cách nấu nướng của các cô cấp dưỡng, xem các loại thực phẩm trước khi chế biến, xem bữa ăn của con có lượng chất đạm, bột… như thế nào.

Khi con lên lớp 6, trường của cháu không có bếp ăn bán trú mà ăn suất ăn công nghiệp. Thực lòng tôi không thích suất ăn công nghiệp nhưng cũng không còn cách nào khác. Tôi đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của trường liên hệ để đến trực tiếp nơi chế biến bữa ăn công nghiệp.

Khi đã nhìn và nghe thấy hết, chúng tôi tiếp tục đến xem bữa ăn của các con. Lúc đó mới phát hiện bữa ăn của các cháu ít chất đạm quá và so ra thì quá mắc so với mức tiền ăn mà phụ huynh đóng cho nhà trường.

Ngay lập tức chúng tôi có ý kiến và đề nghị chấn chỉnh. Nếu nhà cung cấp thức ăn không chấn chỉnh, chúng tôi sẽ làm áp lực để nhà trường đổi nhà cung cấp.

 

LAN ANH – THUỲ DƯƠNG – THÂN HOÀNG – VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG