Học sinh có thể mượn sách ở trường chứ không phải năm học nào cũng “nháo nhào” mua sách giáo khoa cho con như ở VN.
Không khuyến khích học sinh mua SGK
Không khuyến khích học sinh (HS) mua SGK và thư viện nhà trường có thể đáp ứng nhu cầu mượn của HS bất cứ lúc nào là cách các trường quốc tế ở TP.HCM đang thực hiện.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), cho hay về quy trình, các trường học của Úc tuân thủ chương trình chuẩn của quốc gia và mỗi trường, mỗi giáo viên căn cứ vào đó lựa chọn tài liệu giảng dạy sao cho phù hợp. Có thể với nội dung kiến thức này sử dụng tài liệu A nhưng đến kiến thức khác thì có thể sử dụng nguồn tài liệu khác chứ không bắt buộc bất cứ nguồn nào. Giáo viên Úc được quyền sáng tạo trong soạn giảng, SGK chỉ mang tính chất công cụ.
Ông Thảo nói thêm, vào đầu năm học, giáo viên nhận lớp sẽ công bố SGK mình sử dụng và tất nhiên tài liệu này có trong thư viện nhà trường. Lúc này, tùy điều kiện, HS có thể mua hoặc mượn thư viện để sử dụng. Khi kết thúc năm học, HS có thể bán lại SGK cho thư viện để tái sử dụng trong những năm học sau.
Còn chuyên viên phụ trách chuyên môn của một trường quốc tế giảng dạy chương trình tú tài quốc tế IB tại Q.2 (TP.HCM) thông tin, thư viện nhà trường có SGK và sách tham khảo. Khác với HS của VN, phải mua SGK để học thì trường quốc tế không khuyến khích HS làm việc này.
Theo chuyên viên này, với khung chuẩn kiến thức, trường có nguồn tài liệu phù hợp với kiến thức, với trình độ đọc của HS để các em có thể lựa chọn. Ngoài ra, để cung cấp tài liệu học tập cho HS, giáo viên có scan các trang nội dung lên trên nhóm học tập trực tuyến, chỉ đường dẫn (link) kiến thức để HS tham khảo.
HS theo học chương trình phổ thông Canada tại Trường quốc tế Canada ở TP.HCM cũng không phải mua SGK mà toàn bộ có sẵn ở thư viện nhà trường, được cho mượn đến cuối năm trả lại.
Không có một bộ SGK chung cho tất cả học sinh
Chị Thu Thủy ở Úc, có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học bang Queensland, cho biết chị chỉ mua 2 cuốn sách cho con là Atlat và từ điển, từ năm lớp 3 dùng luôn lên lớp 4. Ở trường, giáo viên không dạy theo SGK. Từ chương trình quy định, HS có rất nhiều sách để tìm hiểu từ thư viện, internet. “Không có bộ SGK cố định. Ở cùng một lớp nhưng lại học theo các trình độ khác nhau. Giáo viên dạy theo trình độ HS chứ không theo SGK. Do đó trong lớp học rất linh động”, chị Thu Thủy cho hay.
Còn tại Mỹ, chị Bạch Thủy Linh, bang West Virginia, cho hay chị cũng không phải mua SGK cho con. Phần lớn các trường yêu cầu phụ huynh mua đồ dùng học tập. Về nội dung học, chị Linh cho hay mỗi cấp học có yêu cầu khác nhau, sau đó giáo viên dựa trên kinh nghiệm của mình sẽ tìm những phương pháp khác nhau để hướng dẫn HS đạt được trình độ đó.
Một phụ huynh ở Hà Nội từng có con học từ mầm non đến lớp 2 ở bang Washington DC (Mỹ) kể đầu năm học mới, phụ huynh không phải chuẩn bị SGK cho con mà chỉ chuẩn bị đồ dùng học tập theo danh sách trường gửi về. Còn SGK không trường nào giống trường nào. Mỗi tiểu bang là một bộ SGK. Thậm chí trong cùng khối việc đó cũng rất linh hoạt. Trường có bộ tiêu chí để xem HS cuối năm học cần đạt được tiêu chí gì thì sẽ lựa chọn sách để dạy đạt theo tiêu chí đó. “Những môn như văn hoá, nghệ thuật chẳng hạn giáo viên hướng dẫn cho HS đọc sách ở thư viện. Trong tuần học chủ đề nào thì giáo viên sẽ liệt kê khoảng vài cuốn sách để HS đọc. Thầy sẽ dạy theo những cuốn sách đó”, phụ huynh này cho hay.
BÍCH THANH – LÊ DUY