28/12/2024

Cách nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng thêm ra các tỉnh thành. Mua thịt lợn (heo) tươi ở những địa chỉ uy tín, chế biến đúng cách, không ăn thịt tái, tiết canh,… là những cách các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân.

 

Cách nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng thêm ra các tỉnh thành. Mua thịt lợn (heo) tươi ở những địa chỉ uy tín, chế biến đúng cách, không ăn thịt tái, tiết canh,… là những cách các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân.
 
 
 

Người dân nên mua thịt lợn tươi ở những địa điểm bán uy tín như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua
 /// Ảnh: Ngọc Dương

Người dân nên mua thịt lợn tươi ở những địa điểm bán uy tín như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua   ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
“Trước hết, cần phải khẳng định rằng, bệnh tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho người. Tuy nhiên, heo mắc bệnh này thì 100% là chết. Đây là môi trường cho những bệnh khác phát triển, nguy hại cho sức khỏe. Vì vậy, cơ quan chức năng phải lập hàng rào ngăn chặn không cho heo chết được đưa vào lưu thông trên thị trường”, phó giáo sư – tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM (ATTP), cho biết.

Nhận biết thịt lợn bệnh

Trước tình hình dịch tả lợn hiện nay, chất lượng thịt lợn được bán trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân. Thậm chí, nhiều người ngần ngại, không ăn thịt lợn.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không nên tẩy chay thịt lợn mà hãy tẩy chay cách ăn, chế biến không đảm bảo. Mọi người cần chọn mua thịt lợn tươi, ở những địa chỉ uy tín, chế biến đúng cách để bảo đảm sức khoẻ.
 
Bà Lan cho biết, thịt lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng: Trên da và tai lợn có những đốm xuất huyết lấm tấm. Tai lợn có màu tím xanh. Khi lợn bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết. 
 
Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt.
Mặt khác, thịt lợn bệnh cũng không có độ đàn hồi. Ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.
 
Trong khi miếng thịt lợn tươi ngon có màu đỏ tươi, mỡ trắng, da không có các đốm đỏ. Thịt lợn khỏe mạnh săn chắc, có độ đàn hồi.
 
Cũng có trường hợp, lợn bệnh được giết mổ chui và thịt bị xử lý tẩm ướp hóa chất, màu đỏ để tuồn ra thị trường.
 
Bà Lan cho biết, người dân có thể phân biệt: Thịt bị ướp hoá chất, tẩm màu đỏ thường trông đỏ tươi nhưng thịt bị cứng, không có độ đàn hồi. Khi cắt miếng thịt lợn được ướp hoá chất sẽ nhũn, chảy dịch, phía trong màu hơi thâm và có mùi.
 
Loại thịt đã bị tẩm ướp hoá chất khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.

Không ăn tiết canh, thịt tái

Bà Lan khuyến cáo người dân nên mua thịt lợn ở những địa điểm bán uy tín như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua.
 
Chọn mua thịt lợn tươi, chọn thịt lợn sạch. Không nên vì rẻ mà mua thịt ở các hàng quán lề đường, chợ “chồm hổm”, thịt đã ôi, có màu, mùi lạ.
 
Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khoẻ trong ăn uống, bà Lan khuyến cáo người dân cần chế biến thịt đúng cách.
 
Thịt lợn mua về nên rửa qua nước muối pha loãng. Cần rửa dụng cụ (dao, thớt) truớc và sau khi chế biến thức ăn. Thực phẩm, thịt sống, chín không để lẫn lộn.
 
“Đặc biệt, thịt heo phải được nấu chín kỹ, không nên ăn tái, không nên ăn tiết canh”, bà Lan nhấn mạnh.
 
Thức ăn nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
 
Theo bà Lan: “Người dân không nên hoang mang, tẩy chay thịt heo mà hãy tẩy chay cách ăn, chế biến không đúng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe, vệ sinh trong ăn uống là mua thịt tươi sạch, tại điểm bán có uy tín và nấu chín kỹ”.
 
TP.HCM là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước. Theo bà Lan, hiện các lò giết mổ lợn của TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20% lượng thịt lợn cung cấp cho TP. Lượng lợn và thịt lợn nhập vào TP.HCM từ các tỉnh rất lớn.
 
Hiện, lực lượng thú y phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã chốt chặn ở các cửa ngõ, kiểm tra nguồn lợn nhập về.
 
Ban ATTP TP.HCM cũng đang siết chặt kiểm tra thịt lợn tại các chợ đầu mối về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thịt.
 
Cho đến nay, chưa bắt được trường hợp nào lợn bị dịch tả lợn châu Phi nhập vào TP.HCM.

 

VIÊN AN