23/12/2024

Những ai nên tầm soát ung thư đại trực tràng để phát hiện bệnh sớm?

Ung thư đại trực tràng hiện là loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh có thể ngăn ngừa được; điều trị ở giai đoạn sớm rất có hiệu quả, khả năng sống sót cao và chi phí rất ít.

 

Những ai nên tầm soát ung thư đại trực tràng để phát hiện bệnh sớm?

Ung thư đại trực tràng hiện là loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh có thể ngăn ngừa được; điều trị ở giai đoạn sớm rất có hiệu quả, khả năng sống sót cao và chi phí rất ít.
 
 
 
 

Bác sĩ nội soi cho bệnh nhân /// Ảnh: CTV

Bác sĩ nội soi cho bệnh nhân  ẢNH: CTV

 
Làm cách nào để phát hiện bệnh từ sớm?

Những người có nguy cơ cao

Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lâm, Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM): Ung thư đại trực tràng hiện là loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên đây là loại ung thư có thể ngăn ngừa được; điều trị ở giai đoạn sớm rất có hiệu quả, khả năng sống sót cao và chi phí điều trị khi phát hiện ở giai đoạn sớm là rất ít.
 
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm mọi người cần chủ động đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ.
 
Nhóm nguy cơ rất cao là những người: có tiền sử gia đình bị bệnh đa polyp đại tràng (nên đi tầm soát bệnh hằng năm); có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng không đa polyp hay bản thân bị bệnh viêm loét đại tràng vô căn (nên đi tầm soát mỗi 2 năm).
 
Nhóm nguy cơ cao là những người có: một người thân có huyết thống bậc 1 (ba mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư đại trực tràng trước 45 tuổi, hoặc từ hai người thân có huyết thống bậc 1 bị ung thư (nên đi tầm soát mỗi 3 năm); có tiền sử bản thân bị polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng hay ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung (nên tầm soát mỗi 1 năm sau phẫu thuật).
 
Nhóm nguy cơ trung bình là những người: không triệu chứng trong độ tuổi 40-50 tuổi hoặc người có tiền sử gia đình bị ung thư không thuộc huyết thống bậc 1. Nhóm này cũng nên tầm soát bệnh bằng xét nghiệm máu ẩn trong phân hằng năm, nội soi đại tràng ảo mỗi 5 năm và nội soi đại tràng mỗi 10 năm.

Các phương pháp tầm soát bệnh

“Đa số các ung thư đại trực tràng xuất phát từ các khối polyp. Polyp là các khối u nhỏ mọc trong lòng đại tràng hay còn gọi là ruột già. Khởi đầu các khối polyp là khối u lành tính, theo thời gian polyp lớn lên và có thể trở thành ung thư. Mặc dù không phải tất cả polyp đều trở thành ung thư nhưng hầu như tất cả các ung thư đại tràng đều xuất phát từ polyp”, bác sĩ Lâm giải thích.
 
Vì vậy việc phát hiện và cắt bỏ các polyp trong ruột già là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
 
Hiện có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng.
Đó là xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80%. Tuy nhiên, xét nghiệm này không đặc hiệu, nghĩa là nếu dương tính chưa chắc là có ung thư đại trực tràng. Vì vậy, trường hợp người có máu ẩn trong phân dương tính cần tiếp tục được nội soi đại tràng để xác định.
 
Nội soi đại tràng là phương pháp chính xác nhất trong tầm soát ung thư đại trực tràng và thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải được xổ ruột, nhịn ăn. Vì nội soi có thể gây đau nên thường cần phải tiền mê. Qua nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.
 
Nội soi đại tràng ảo là phương pháp tầm soát bằng cách bệnh nhân phải được xổ ruột và chụp CT Scan đa lát cắt. Sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các khối polyp trong lòng đại tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng (thật) để cắt polyp.
 
Mỗi đối tượng nguy cơ và độ tuổi khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp tầm soát khác nhau để có hiệu quả tốt nhất.
 
 
NGUYÊN MI