Đổi mới giáo dục: Có thể thay đổi từ quy mô nhỏ
Dù đã nỗ lực rất nhiều, luôn đổi mới nhưng ngành GD-ĐT vẫn chưa thoát ra khỏi những mâu thuẫn nội tại. Phải giải ‘bài toán’ này thế nào?
Đổi mới giáo dục: Có thể thay đổi từ quy mô nhỏ
Dù đã nỗ lực rất nhiều, luôn đổi mới nhưng ngành GD-ĐT vẫn chưa thoát ra khỏi những mâu thuẫn nội tại. Phải giải ‘bài toán’ này thế nào?
Một tiết học theo định hướng STEM ở TP.HCM. Theo các chuyên gia giáo dục, thời đại 4.0, học sinh cần được học cách tư duy và xử lý vấn đề hơn là những bài học chi để thi – Ảnh: H.HG
TS Huỳnh Công Minh – nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chủ tịch hội đồng sáng lập, tổng hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng cố vấn chuyên môn hệ thống giáo dục EMASI, TP.HCM – cho rằng có những thay đổi có thể làm được từ quy mô nhỏ, cụ thể trong phạm vi một ngôi trường.
Nói rõ hơn về chuyện này, ông Minh cho rằng dù ngành GD-ĐT đã nỗ lực rất nhiều, luôn đổi mới nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi những mâu thuẫn nội tại.
Trước hết là mâu thuẫn giữa mục tiêu giáo dục và phương pháp dạy học. Chúng ta đã xác định mục tiêu đào tạo con người mới năng động, sáng tạo, có lòng nhân ái, sự đồng cảm, biết tự học và nhiều phẩm chất khác để có thể sống tốt trong thế giới phẳng và thích nghi với nền kinh tế tri thức. Mục tiêu như thế nhưng phương pháp dạy học lại dạy theo kiểu cũ, từ chương và truyền thụ một chiều.
Thứ hai là mâu thuẫn giữa phương pháp dạy học với cơ sở vật chất trong nhà trường. Gần 30 năm trôi qua (từ đầu thập niên 1990 đến nay) – khi ngành giáo dục hô hào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm” thì hiện nay với nhiều lý do, việc này vẫn chưa được thực hiện tốt.
Thứ ba là mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ và chế độ chính sách cho giáo viên. Việc này thì ai cũng rõ những khó khăn của nhà giáo.
* Theo ông, có thể giải quyết những mâu thuẫn này thế nào?
– Trên diện rộng thì rất khó nhưng trong phạm vi của một trường, tôi tin là giải quyết được triệt để, nhất là các trường ngoài công lập. Trước hết, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đã được trang bị đồng bộ theo yêu cầu giảng dạy của giáo viên, chứ không phải theo sự chủ quan và túi tiền của nhà quản lý.
Tương ứng điều này là đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và sẵn sàng tiếp cận, làm chủ nguồn cơ sở vật chất được cung cấp.
Từ đó giáo viên có thể biên soạn lại nội dung trong SGK hiện hành thành những bài giảng hấp dẫn, nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt chuẩn theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Tất nhiên những đầu tư cho công việc của giáo viên như thế phải được đền đáp bằng chế độ thích hợp và trân trọng.
* Ông vừa nhắc đến việc biên soạn lại SGK, khi còn giữ nhiệm vụ giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông đã có ý tưởng biên soạn bộ tài liệu dạy học bậc THCS theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc biên soạn bộ tài liệu rồi đưa vào giảng dạy vẫn chưa đạt thành công như ý muốn…
– Đó là năm 2009, từ thực tế dạy và học ở các trường phổ thông và trong quá trình quản lý, chúng tôi nhận thấy rằng khi cả nước cùng sử dụng một bộ sách thì việc phát huy vai trò tích cực, sự sáng tạo của giáo viên, học sinh gặp nhiều khó khăn.
Mục đích của Sở GD-ĐT TP.HCM khi biên soạn bộ tài liệu dạy học bậc THCS là tạo ra cuốn tài liệu thể hiện theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng (bám sát nội dung chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT) nhưng chỉ thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức ấy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học sinh TP.HCM.
Chủ trương của tôi khi ấy là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Thế nên bộ tài liệu dạy học có thêm nhiều hình ảnh hấp dẫn, cách diễn giải dễ hiểu, ngôn ngữ gần gũi với người địa phương.
Tóm lại, yêu cầu của bộ sách là phải đáp ứng được nhu cầu tự học của học sinh, tạo được “không gian” cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo khi giảng dạy, học sinh thể hiện sự sáng tạo khi học tập.
* Ở bậc tiểu học và THCS thì chắc không có gì đáng nói. Nhưng với bậc THPT thì phân hóa khá rõ, đa số học sinh khá giỏi đều ghi danh thi tuyển và chọn học tại các trường THPT công lập nổi tiếng? Các trường ngoài công lập như ông mô tả ở trên liệu có sức thu hút?
– Học sinh giỏi hay dở theo tiêu chuẩn hiện hành hiện chưa mang tính khoa học cao. Đúng là các trường, lớp chuyên bây giờ có “đầu vào” rất cao, nhưng không phải tất cả các em đều thông minh. Nhiều em đậu vào được là do bị người lớn nhồi nhét kiến thức, bắt ép phải đi học thêm, luyện thi…
Nói như thế để thấy rằng những học sinh không đậu vào các trường, lớp chuyên chưa chắc đã là dở. Có thể vì các em chưa được giáo dục đúng hướng và đúng phương pháp nên chưa phát huy được sở trường của mình.
Thực tế đã có nhiều em khi học ở bậc phổ thông rất giỏi, nhưng khi tốt nghiệp đi làm lại không thành công bằng những em được gắn cái mác “học dở” khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Do đó, tôi cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là nhà trường phải dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết: kỹ năng hợp tác, kỹ năng lắng nghe, sự chủ động, phương pháp học tập, tinh thần tự học… Bởi bây giờ học sinh đâu chỉ học trong trường, học trong sách vở mà còn học ở ngoài đời.
Ở một số nước tiên tiến, người ta đã bỏ các cuộc thi học sinh giỏi mà dành thời gian để cho học sinh rèn luyện thể lực, rèn cho các em biết suy nghĩ logic, sống tự tin…
Học sinh cần tư duy tốt hơn là thủ thuật
Nếu các trường có thể dạy cho học sinh “tinh” về kiến thức, “tinh” về kỹ năng, “tinh” về ý tưởng thì các trường sẽ thực hiện được việc dạy người, chứ không dạy để học sinh đi thi. Tôi ví dụ dạy môn toán thì không dạy học sinh các thủ thuật giải toán để đi thi, mà dạy học sinh cách tư duy để giải toán.
Khi học sinh có tư duy tốt thì sẽ làm bài thi tốt. Quan điểm này đúng với định hướng của “nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”: dạy người có năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống, chứ không phải con người khoa bảng.
Nhìn vào đề thi THPT quốc gia gần đây với nhiều cải tiến, chúng ta cũng có thể thấy rõ tinh thần ấy. Vấn đề bây giờ chỉ là tổ chức được những lớp học sản sinh ra được tư duy. (Ông Huỳnh Công Minh)