Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ‘dục tốc bất đạt’!
Những năm trở lại đây, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS) trở thành một yêu cầu cấp thiết trong trường học.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ‘dục tốc bất đạt’!
Những năm trở lại đây, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS) trở thành một yêu cầu cấp thiết trong trường học.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong giờ học kỹ năng B.THANH
Đây là hoạt động ngoài giờ chính khóa nhằm bù đắp những điểm khuyết tồn tại bấy lâu nay trong giáo dục ở nước ta vốn bị cho là nặng về lý thuyết mà thiếu thực tiễn, yếu kỹ năng ứng dụng.
Từ Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, về việc ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhiều địa phương đã cấp tập thực hiện tùy theo tình hình của địa phương mình. Kéo theo đó là việc ra đời hàng loạt trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Theo số liệu của Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến ngày 22.8.2017, TP có 35 trung tâm giáo dục kỹ năng sống được cấp phép hoạt động; đến ngày 23.10.2018, số đơn vị được cấp phép nâng lên là 67. Các đơn vị này phải đảm bảo 3 yếu tố: tính pháp lý, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo. Các trường được chọn lựa trung tâm này và bố trí việc học cho HS trên tinh thần tự nguyện hưởng ứng của phụ huynh HS. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ cho nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng cho HS, như rèn luyện đạo đức, lối sống; văn hóa giao tiếp, ứng xử; các kỹ năng mềm; kích thích giác quan tư duy; khám phá, cải thiện nhân cách bản thân…
Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS hiện nay còn nhiều điều cần bàn. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, vùng miền. Còn nhiều trường lồng ghép hoạt động này vào các môn học, hoặc đưa vào hoạt động chung theo hình thức ngoại khóa cho HS vì thế thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp. Đa số việc giáo dục còn nặng về lý mà thiếu thực tế, ứng dụng. Việc học tập trung với số lượng quá đông HS khiến những buổi học kỹ năng giống như những buổi báo cáo chuyên đề. Nhiều chương trình học còn bất hợp lý, chưa phù hợp với lứa tuổi HS.
Biểu hiện cập rập trong việc xây dựng chương trình học dễ đưa đến hệ lụy “dục tốc bất đạt”. Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.Tân Bình (TP.HCM) nhận xét: “Tôi có hai đứa con, đứa học lớp 1 và đứa lớp 3. Khi xem chương trình học kỹ năng của 2 cháu, tôi chẳng thấy khác nhau là mấy. Rất nhiều các bài học và bài nào cũng rất cần thiết nhưng tôi lo là kết quả đọng lại trong các cháu chẳng được là bao. Vì mỗi chuyên đề như thế chỉ học trong một tiết trên một tuần. Mà học tập trung ở lớp như học lý thuyết các môn khác thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa” cả!”.
Học kỹ năng thì đòi hỏi phải có tình huống thực tế, thà chậm mà chắc, mà đọng lại thói quen tốt cho HS. Chứ vội vàng, hấp tấp quá thì chẳng có kết quả gì nhiều!
NGỌC TUẤN