24/12/2024

Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết trong sáng 1-3, Google đã thông báo rằng các link video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube mà phương tiện truyền thông Việt Nam phản ánh đều đã được gỡ bỏ.

 

Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết trong sáng 1-3, Google đã thông báo rằng các link video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube mà phương tiện truyền thông Việt Nam phản ánh đều đã được gỡ bỏ.


Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube - Ảnh 1.

Những hình ảnh này vẫn tràn lan trên YouTube khi Google đã thông báo gỡ các link độc hại được phản ánh – Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 3-1, ông Lê Quang Tự Do – phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông – cho biết ngày 28-2, cục đã gửi văn bản yêu cầu Google – đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube – phải gỡ bỏ các clip có nội dung độc hại trên mạng xã hội này.

Đơn vị này đồng thời phải tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để những clip mang hiểm họa lớn với trẻ em không tiếp tục xuất hiện trên YouTube.

Ông Do cho biết văn bản trên được cục gửi đi sau khi có những phản ánh trên báo chí về nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trước làn sóng xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube gần đây.

Sáng 1-3, đại diện của Google đã có phản hồi với cục rằng những link video độc hại mà báo chí phản ánh đã được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là những clip độc hại này lại được chèn vào giữa các video phim hoạt hình nổi tiếng như Fortnight, Peppa Pig. Chúng lại chỉ xuất hiện thoáng qua trong video, vì vậy rất khó để các bậc cha mẹ và cả YouTube phát hiện. Người dùng chỉ có cách duy nhất để phát hiện các clip độc hại này là… xem video đó.

Do đó, ngoài những link bị phát hiện có clip độc hại và được Google gỡ bỏ thì vẫn còn nhiều clip độc hại khác chưa bị phát hiện và gỡ bỏ. Thực tế, gõ tìm kiếm trên YouTube cụm từ “pepa pic y su amiga momo” chiều nay 1-3, người dùng vẫn nhận được kết quả với nhiều video có nội dung “kinh dị”, ảnh hưởng xấu tới trẻ.

Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube - Ảnh 2.

Gõ tìm kiếm trên YouTube cụm từ “pepa pic y su amiga momo” chiều 1-3, người dùng vẫn nhận được kết quả với nhiều video có nội dung ‘kinh dị’ – Ảnh chụp màn hình

Đặt câu hỏi này với ông Lê Quang Tự Do, ông nói đây chính là lý do trong văn bản gửi tới Google hôm 28-2, cục đã yêu cầu hãng này không chỉ gỡ bỏ các link được phát hiện mà còn phải tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để ngăn những clip mang hiểm họa lớn với trẻ em không tiếp tục xuất hiện trên YouTube.

Tuy nhiên, với cách thức tinh vi là ẩn các clip rất ngắn khiến nó chỉ xuất hiện thoáng qua trong các video hoạt hình, nên rất khó cho Google để lọc các video này và ngăn chặn.

Ông Do cho rằng đó là việc mà các hãng cung cấp dịch vụ như Google phải tìm cách giải quyết. Nhưng ông cũng nhấn mạnh đây là việc mà cả thế giới cần phải đấu tranh lâu dài, chứ không thể lập tức loại trừ.

Ông cũng kêu gọi người sử dụng mạng khi phát hiện những trường hợp video xấu độc có thể phản ảnh đến Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thông qua đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử: [email protected][email protected]

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng lưu ý người dân khi phản ảnh những video độc hại nên gửi kèm các bằng chứng như hình ảnh vi phạm, đường link. Ngoài ra, người dân cũng nên cung cấp thêm tên và số điện thoại khi gửi tin nhắn để cục tiện liên hệ lại khi cần. Các thông tin cá nhân được bảo mật.

Vị đại diện này cũng khuyến khích người dân nên gửi tin báo qua Zalo,Viber,Whatsapp, thư điện tử.

 

 

Trào lưu ẩn các clip hướng dẫn trẻ em tự sát, doạ nạt trẻ em được cho là bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 8-2018. Một trong số những nội dung này là Thử thách Momo. Thử thách này được cho là trào lưu đến từ Anh.

Cụ thể, một người phụ nữ đầu người mình gà, khuôn mặt gớm ghiếc, kinh dị với mái tóc dài đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi, miệng rộng bất thường sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.

Gần đây, Thử thách Momo xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig… thậm chí cả trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.

 

Hiện các trường học trên khắp Vương quốc Anh cũng đang cảnh báo phụ huynh về những nguy cơ tiềm ẩn của các video trên mạng xã hội.

 

THIÊN ĐIỂU