18/11/2024

Chúa Nhật VII TN C 2019: Yêu thương kẻ thù

Các bài Thánh Kinh tuần này giới thiệu với chúng ta một hành động có vẻ không tưởng trong đời sống thực tế của con người: yêu thương kẻ thù. Nhưng kẻ thù của ta là ai và ta nên đối xử với họ như thế nào?

 

Chúa Nhật VII TN C 2019

Yêu thương kẻ thù

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này giới thiệu với chúng ta một hành động có vẻ không tưởng trong đời sống thực tế của con người: yêu thương kẻ thù (x. Lc 6,27). Nhưng kẻ thù của ta là ai và ta nên đối xử với họ như thế nào?

1. Đi tìm chân tướng của kẻ thù

Nhạc sĩ Phạm Duy, trong bài Tâm ca số 7, sáng tác tại Sài Gòn năm 1965, đã hát: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?”. Rồi ông chỉ rõ: “Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là vô lương, tên nó là hận thù, tên nó là một lũ ma (ma tuý, ma men, ma quỷ), Kẻ thù ta tên nó là vu khống, vô minh, lòng tham, tị hiềm, sự ghét ghen. Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo, trong góc đầu tự kiêu, trong cõi lòng quạnh hiu, trong óc hẹp tiêu điều. Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài. Nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai!”.

Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc, thì kẻ thù là những kẻ xâm lăng đất nước, cần phải ngăn cản và giết chết để bảo vệ quê hương. Đối với những người theo chủ nghĩa Cộng sản, người ta dạy cho đảng viên phải biết phân biệt: “ta – địch – thù – bạn”. Nhưng khi thời thế thay đổi, thù địch lại trở thành bạn hữu như ta thấy đang diễn ra ở Việt Nam trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vào ngày 28/2/2019.

Trong đời sống thực tế, kẻ thù được định nghĩa là: “kẻ có quan hệ thù địch” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, mục từ “Kẻ thù”, tr 622). Những mối quan hệ xã hội đối đầu có thể xảy ra trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, tình cảm, khoa học, văn hoá, tôn giáo… người ta coi kẻ thù là người chống lại mình, đương đầu với mình để tranh được thua. Do đó người ta muốn loại bỏ đối phương, đối thủ bằng những hành động loại trừ, kẻ cả những thủ đoạn bất chính, thậm chí lừa dối, giết hại như đang xảy ra trong cộng đồng xã hội hiện nay.

Đối với người Do Thái, trước hay sau thời Chúa Giêsu, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước nhắc tới 87 lần, thì kẻ thù là những người chống đối Thiên Chúa, không đi theo đường lối của Ngài. Họ là những dân ngoại, tôn thờ ngẫu tượng, không nhận biết Thiên Chúa nên muốn tiêu diệt dân Do Thái, chống lại giới luật Thiên Chúa.

Bài đọc I (x. 1Sm 26,2-23) cũng diễn tả những con người đi ngược với đường lối Chúa như vua Sao Lê, nên đã coi David như kẻ thù và tìm cách giết hại David. Tuy nhiên dù “Thiên Chúa đã nộp kẻ thù vào tay David” (1Sm 26,8), ông vẫn tha thứ để chứng tỏ lòng mình trong sáng “không tra tay hại đấng Chúa đã xức dầu tấn phong”.

Vào thời Chúa Giêsu, kẻ thù của dân tộc Do Thái là những người ngoại đạo Rôma, đang áp bức dân tộc, tuy dù cũng có những người Rôma biết yêu thương người Do Thái, xây dựng cả hội đường cho họ (x. Lc 7,5). Chúa Giêsu nhìn vào thực tế của đời sống để mời gọi thay đổi các mối tương quan xã hội đối nghịch. Người dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,27-30). Người muốn mời gọi toàn thể nhân loại bước vào một thời đại mới của nền văn minh tình yêu.

2. Yêu thương như Cha Trên Trời

Đức Giêsu giới thiệu cho mọi người quan điểm sống mới cũng dựa trên thực tế của đời sống. Trong đời sống hằng ngày người ta coi nhau như đối phương, đối thủ, kẻ thù chỉ vì chạy theo cơm áo gạo tiền, đi tìm danh vọng và thoả mãn dục vọng. Người ta phải loại trừ đối phương để chiếm độc quyền chính trị, kinh tế; loại trừ tình địch để chiếm độc quyền tình yêu; loại trừ đối thủ để chiếm trọn vẹn danh dự, vinh quang của khoa học, văn hoá, tôn giáo.

Nhưng khi hiểu được: Thiên Chúa là người Cha nhân từ, Đấng thấu suốt cõi lòng con người, Đấng nuôi sống và ban phát mọi sự cho con người, Đấng là cùng đích và là điểm đến của mọi người sau khi họ lìa bỏ trần thế cùng với tất cả danh vọng, vật chất thì họ chắc chắn phải thay đổi cách sống. Họ phải hành động sao cho xứng đáng là con cái của Cha Trên Trời: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một cha là Cha Trên Trời” (Mt 23,9). Lúc đó họ sẽ hành xử như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35).

Một khi loại bỏ được mối bận tâm về cơm áo gạo tiền, về danh vọng và dục vọng vì hiểu Cha Trên Trời an bài và ban thưởng gấp bội cho những ai biết yêu thương cách quảng đại và trong sáng như Ngài, thì con người sẽ đổi mới mọi mối tương quan xã hội. Họ sẽ coi nhau là đối tác trong mọi sinh hoạt xã hội để đối thoại và hợp tác với nhau, thay vì đối đầu và phá hoại. Họ sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc thay vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì đối thủ tìm cách hại mình. Họ sẽ chia sẻ cho mọi người thay vì dồn bao nguồn lực để theo dõi kẻ thù, tình địch. Họ sẽ dồn sức và tài nguyên để phát triển cộng đồng thế giới thay vì chạy đua vũ trang để quân bình lực lượng, thay vì lập ra cả một hàng rào quan thế hay xây dựng những bức tường với hàng rào kẽm gai và máy móc điện tử để ngăn cản nhau.

Vì thế, hình ảnh của một Đức Giêsu trần trụi trên thập giá với trái tim mở rộng vì lưỡi đồng là biểu tượng hoàn hảo, tuyệt vời cho nền văn minh lấy tình yêu là nguồn cội, động lực và đích điểm cho mọi hoạt động cũng như tương quan của con người. Đó là hình ảnh một nhân loại mới với Ađam mới từ trời mà đến (x. 1Cr 15,49).

Như thế, trong Kitô giáo, từ “kẻ thù” không bao giờ được dành cho con người vì “tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8) do cùng là con cái của một Cha Trên Trời. Từ “kẻ thù” được Chúa Giêsu dùng trong dụ ngôn “Cỏ lùng” phải hiểu là quỷ dữ (x. Mt 13,25.28.39). Còn thánh Phaolô hiểu “kẻ thù” là kẻ đối đầu với tất cả những gì là công chính (x. Cv 13,4.10), là tình trạng tội lỗi của con người đi ngược với đường lối thánh thiện của Thiên Chúa (x. Rm 5,10; Gl 4,16; Phl 3,18), là sự chết (x. 1Cr 15,26). Tuy nhiên, đối với tất cả những kẻ thù này, chúng ta phải yêu thương, tha thứ và cứu độ, vì “bác ái là tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

Lời kết

Một ít người không hiểu bối cảnh xã hội và Thánh Kinh đã cho những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng là nhu nhược, thụ động. Nhưng lịch sử bất an và chiến tranh của nhân loại đã chứng thực cho lời dạy yêu thương này rất đúng đắn và là nguyên tắc căn bản để giúp cho cộng đồng con người được bình an và hạnh phúc. Bạn thử thực hành đi, bạn sẽ cảm nhận được điều đó.