23/12/2024

Rào cản từ… người trong ngành

Nhiều giáo viên đang không ngừng học hỏi, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng rào cản lớn nhất lại từ chính những người trong ngành Gíao dục – Đào tạo.

 

Rào cản từ… người trong ngành

Nhiều giáo viên đang không ngừng học hỏi, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng rào cản lớn nhất lại từ chính những người trong ngành Gíao dục – Đào tạo.
 
 
 
 

Rào cản từ… người trong ngành - Ảnh 1.

Một tiết học môn sinh học theo hướng đổi mới của học sinh Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM – Ảnh: H.HG.

Một giáo viên bậc THPT ở TP.HCM kể: khi xin phép hiệu trưởng cho học sinh làm dự án với mong muốn các em sẽ chủ động tìm tòi kiến thức, được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, thuyết trình thì bị từ chối ngay. 

Hiệu trưởng nói rằng: “Em còn non lắm, đừng chơi nổi, lo mà dạy học sinh để cuối năm không có em nào bị thi lại”. Ngay trong tổ chuyên môn, một số đồng nghiệp cũng xì xào “không lo dạy học, lo làm dự án để đánh bóng tên tuổi”…

Cô N. – một giáo viên vừa chuyển từ trường công lập sang tư thục ở TP.HCM – tâm sự: “Muốn đổi mới thì chúng tôi phải đi học. Tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra để tham dự các lớp về phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo định hướng STEM… vào cuối tuần. Mà đã đi học thì phải thực hành. 

Ai cũng biết để dạy học tích cực thì giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức nhưng ban giám hiệu trường không ủng hộ với lý do quá tốn kém, đồng nghiệp lại dè bỉu là “màu mè, không thực chất” thì thực sự là rất nản”.

Tại Hà Nội, giáo viên một trường THCS quận Hai Bà Trưng kể câu chuyện dở khóc dở cười khi bị hiệu trưởng “cấm soạn giáo án điện tử”. ”Lãnh đạo sợ chúng tôi chép giáo án của nhau nên chỉ đạo phải chép giáo án bằng tay vào sổ soạn giáo án như trước”. 

Câu chuyện lạ kỳ này cũng diễn ra ở một số trường tiểu học, THCS khác. Thầy T., giáo viên dạy toán THCS quận Hoàn Kiếm, kể tới giờ trường vẫn yêu cầu giáo viên phải có nhiều sổ ghi chép khác nhau. Mỗi cuốn sổ, giáo viên phải kẻ cột và chép lại tên của học sinh các lớp mình dạy. 6-7 cuốn sổ thì đồng nghĩa với việc chép lại 6-7 lần.

Còn nhớ năm 2018, những lời phê “siêu lạ” của một cô giáo dạy toán ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đã khiến các học sinh của cô thích thú. Các em mong chờ được trả bài kiểm tra, háo hức đọc lời phê của cô rồi vừa cười tủm tỉm vừa rút kinh nghiệm cho riêng mình. 

Nhưng cuối cùng, ngay trong trường của mình, cô giáo ấy đã bị một số đồng nghiệp phê bình là “lời phê thiếu chuẩn mực, thiếu tính sư phạm, cần sửa đổi ngay”.

 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, với mục tiêu đổi mới ở thời đại 4.0, rào cản đôi khi ở trong mỗi người – các thầy, cô giáo trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Ông Lâm nhận định: áp lực đến với các nhà giáo càng lớn hơn, không chỉ vì kiến thức khoa học được tích hợp từ nhiều ngành mà còn việc đưa được vào cuộc sống. Thầy cô không chỉ có kinh nghiệm mà phải thực sự vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh thời đại 4.0. Đây là thách thức lớn nhất hiện nay mà mỗi thầy cô giáo phải vượt qua.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng số đông giáo viên hiện nay không thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp, cụ thể là việc không nắm tâm sinh lý đối tượng giáo dục để linh hoạt áp dụng những phương pháp phù hợp đúc rút từ thực tiễn, sự trải nghiệm. Nhiều người chỉ biết dạy kiến thức có sẵn trong chương trình – sách giáo khoa mà không tìm hiểu học sinh mình dạy thế nào, các em cần gì ở mình. 

Một số đông giáo viên, theo ông Lâm, cũng không chịu chủ động đổi mới phương pháp dạy học, không có thái độ cầu thị, học hỏi, lắng nghe để tự điều chỉnh nên hoặc là trì trệ cứng nhắc, thụ động, hoặc lại tùy tiện, ngẫu hứng mà nhầm tưởng thế là sáng tạo. Vì thế “mỗi nhà giáo phải biết lãnh đạo chính mình, để tự mình vượt qua những áp lực” – ông Lâm nói.

“Tôi luôn cho rằng sự thay đổi nhận thức, tầm nhìn của người làm lãnh đạo là yếu tố quan trọng làm nên thành công, nhưng cũng có thể sẽ là rào cản lớn nhất đối với giáo viên đang muốn thay đổi nếu họ mang tâm lý an toàn, sợ đổi mới, không tạo điều kiện và có cơ chế khích lệ giáo viên” – thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho biết.

Trong quá trình đi chia sẻ những kinh nghiệm đã làm, thầy Nhâm cho biết ông rất cảm thông với nhiều giáo viên vì ông phát hiện giáo viên không kém cỏi. Có những người đầy nhiệt huyết, sáng tạo nhưng họ thiếu may mắn khi làm việc trong những môi trường bị trói chặt bởi những ràng buộc lạc hậu.

 

H.HƯƠNG – V.HÀ