26/11/2024

Bài 10 của Uỷ ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chúng tôi trân trọng giới thiệu Bài 10 của Ban Nghiên huấn thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam để các bạn tuỳ nghi sử dụng.

 

UBGD-HĐGM. VN

Ban Nghiên Huấn

BÀI 10

PHẦN TU ĐỨC

SANG BỜ BÊN KIA: TẦM NHÌN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO MỤC VỤ (Mc 4,35-41)

 

Lòng quyến luyến của cải đã cản bước hành trình của người thanh niên (Mc 10,17-22). Lòng quyến luyến ấy cũng có thể cản bước hành trình của tôi, trên bước đường yêu Chúa-theo Chúa, bởi “của cải” không chỉ là tiền bạc, nhưng còn là những gì lòng tôi quyến luyến nơi “bờ bên này”, nơi việc phục vụ đang thành công, khiến tôi không sẵn sàng “sang bờ bên kia”, khiến tôi không sẵn lòng thay đổi.

 

Câu chuyện “Sang Bờ Bên Kia” xảy ra trong những ngày Đức Giêsu đang thành công trong sứ vụ rao giảng Tin mừng, tại bờ phía Tây của biển hồ Galilê: Người chữa lành rất nhiều bệnh nhân, trừ khử nhiều thần ô uế; danh tiếng Người đã lan xa khắp vùng; dân chúng đông đảo tuôn đến với Người, say sưa nghe Người rao giảng. Đang khi dân chúng không muốn Người rời bỏ họ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” (Mc 4,35). Tại sao phải sang bờ bên kia trong lúc việc phục vụ đang thành công? Vì sao phải sang bờ bên kia, trong khi ở bờ bên này biết bao con người đang khao khát Người?… Hẳn là nhiều câu hỏi được đặt ra và chỉ có thể tìm thấy câu trả lời nơi tầm nhìn về “bờ bên kia”. Đức Giêsu muốn các môn đệ sang bờ bên kia cùng với Người. Thầy trò cùng thực hiện hành trình vượt biển, nhưng tầm nhìn khác nhau, hai thế giới khác nhau.

Biển hồ Galilê là đất làm ăn của các môn đệ, nên hẳn là, cuộc hành trình sang bờ bên kia phải xuôi chèo mát mái. Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng và bi đát hơn các ông tưởng. “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”; và dù đã nỗ lực chèo chống, các ông cũng đành bó tay trong nỗi sợ hãi. Các ông phải đánh thức Thầy mình dậy và thảm thiết cầu xin: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”; Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với chúng ta, nhưng trong những hoàn cảnh thách đố, nhiều lúc ta cũng than trách như vậy.

“Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển: ‘Im đi! Câm đi!’ Gió liền tắt và biển lặng như tờ.” Chứng kiến sự can thiệp của Thầy mình, các tông đồ rơi vào một nỗi sợ hãi khác, kinh hoàng hơn, lớn hơn sự sợ hãi trước sóng gào biển thét. Trước mắt các ông vẫn là Thầy Giêsu, tuy đã từng sống với Người, từng chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, nhưng các ông vẫn chưa thực sự biết Người. Có lẽ các ông quá phấn khởi trước những phép lạ Chúa làm cho đám đông dân chúng, khiến đám đông không ngớt lời ca tụng, tán dương. Và niềm phấn khởi thích thú vì sự ồn ào náo nhiệt ấy, khiến các môn đệ chẳng còn tâm trí, thời giờ tìm hiểu sâu xa hơn về Thầy mình; dường như các môn đệ đang tự mãn và ngủ quên trong hào quang thành công, như nhiều người chúng ta ngày nay.

“Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” Các môn đệ đã thấy đích đến, đã thấy “bờ bên kia”. Giữa sóng gió mưa bão, Đức Giêsu vẫn ngủ yên bình. Ngay từ bây giờ, nơi Đức Giêsu đã hừng lên ánh sáng Phục Sinh. Sau này, nơi cuộc thương khó, Đức Giêsu đi vào cái chết như một giấc ngủ an bình, rồi Người thức dậy, vinh thắng sự dữ và sự chết.

Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, tôi cũng được mời gọi sang bờ bên kia với Người; tôi cũng cần trải qua một tiến trình, một kinh nghiệm thiêng liêng, để có thể nhận thấy bàn tay quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa luôn che chở đời tôi. Dù cuộc đời của tôi có muôn vàn khó khăn, dù việc phục vụ của tôi gặp nhiều thách đố, tôi vẫn luôn được mời gọi vững tin vào Đức Giêsu. Cùng Người, tôi sẽ đến “bờ bên kia”.

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín SJ.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP…

“Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: ‘Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy”. (Mt 20,17-19)

 

Dẫn vào

Nếu xuân hạ thu đông hàm ý tứ thời bát tiết vần xoay thì hẳn là mùa xuân chúng ta đang vui hưởng cũng chính là khung thời gian báo trước mùa hè sẽ đến.[1] Cũng vậy, nếu ơn cứu độ được hiểu là tất yếu cần thiết cho nhân loại được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, thì chắc chắn những sự việc như “… chúng ta lên Giê-ru-sa-lem…”, “Con Người sẽ bị nộp…” cũng là những “hữu sự” đương nhiên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa giàu lòng xót thương dành cho nhân loại chúng ta.

Theo đó, những ngỡ ngàng, chưng hửng, ngộ nhận… ban đầu sẽ dần dần được nghiệm ra trong cái nhìn cánh chung. Một tầm nhìn xa, trông rộng là cần thiết cho tất cả những ai ở vào vị trí có trọng trách phải thi hành. Dĩ nhiên, cái nhìn đó luôn phải hướng về “cánh chung” (trong tình yêu xót thương của Thiên Chúa Quan Phòng). Tại các giáo xứ, nguyên tắc quản trị như thế không chỉ áp dụng đặc biệt đúng cho các vị linh mục chánh xứ (proper pastors), nhưng rõ ràng cũng áp dụng đúng cho cả các vị quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ. Vâng, tại một giáo xứ nào bất kỳ, các vị này đều là những người hữu trách.

Chúng ta lên Giê-ru-sa-lem…

Biết mình sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư, biết mình sẽ bị kết án tử: bị nhạo báng, bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập tự giá, Đức Ki-tô Giê-su vẫn cương quyết đi Giê-ru-sa-lem và ngỏ lời mạnh mẽ, dứt khoát, mời các môn đệ cùng đi.[2] Điều này không chỉ tiên vàn vì “… ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” mà còn làm chúng ta nhớ lại một nguyên tắc vàng trong quản trị học:

Quản trị viên ra sức làm mọi việc cho đúng cách; nhà lãnh đạo cố gắng làm những việc đúng, việc phải…; vị mục tử riêng không chỉ nỗ lực làm những việc đúng, việc phải mà còn cần nỗ lực làm những việc ấy sao cho đúng cách nữa.[3]

Thật vậy, việc đúng, việc phải mọi nhà lãnh đạo đều phải cố gắng làm trước. Theo đó, linh mục chánh xứ trong tư cách là mục tử riêng của giáo xứ, và quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ – những người được tham gia cách đặc biệt vào cùng một trách nhiệm duy nhất trong vườn nho của Chúa – cũng phải cương quyết đi Giê-ru-sa-lem. Bởi lẽ, đó là việc đúng, việc phải, việc tất yếu cho chương trình cứu độ. Không ngỡ ngàng, chưng hửng, ngộ nhận….

Chuyện minh họa về “ngộ nhận”

Một người nọ kể chuyện: “Giả như có ai đó hỏi chúng ta: ‘Nếu anh chị em biết một người phụ nữ kia đang mang thai, đã là mẹ của bảy người con rồi, trong đó có ba đứa bị điếc, hai đứa bị mù, một đứa thiểu năng trí tuệ, mà người phụ nữ này lại đang mang bệnh giang mai, thì anh chị em sẽ đưa ra đề nghị gì cho cô ấy; có nên khuyên cô ta phá thai không?’” Tuy nhiên, ngay khi ai đó trong chúng ta vừa định trả lời, thì người kể chuyện lại tiếp tục hỏi luôn câu thứ hai:

“Còn nếu bây giờ, anh chị em được bầu chọn một vị lãnh đạo, và những phiếu bầu của anh chị em chắc chắn sẽ đóng vai trò quyết định; anh chị em sẽ chọn ai trong số những ứng viên sau đây: (1) Người này thường qua lại với những chính trị gia gian xảo, tin vào chiêm tinh. Ông ta có tới hai người tình, và lại là một người nghiện thuốc lá rất nặng, mỗi ngày có thể uống từ tám đến mười ly rượu Martin. (2) Người này là người từng bị đuổi việc hai lần, hay ngủ nướng đến trưa. Khi còn là sinh viên, anh ta đã từng hút thuốc phiện, và cũng như người thứ nhất, mỗi tối anh ta có thể tự thưởng cho bản thân cả lít rượu Whisky. (3) Người này rất “can đảm”, từng bị thương, từng được nhận hai huân chương chiến đấu anh dũng, thường có thói quen ăn chay, không bao giờ hút thuốc, thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng không nhiều. Thời trai trẻ, người này chưa từng làm gì phạm pháp. Trong ba ứng viên trên, anh chị em nghĩ nên chọn ai”.

Cứ sự thường, cuộc thảo luận nổ ra sôi nổi và rất mau chóng có kết quả: “người thứ ba xứng đáng nhất”. Khi biết kết quả như thế, người kể chuyện mới cho biết: Người thứ nhất nói trên chính là vị tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, Franklin Delano Roosevelt (18821945), người từng đảm nhận liên tiếp bốn nhiệm kỳ tổng thống.[4] Còn vị thứ hai chính là Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (18741965), vị thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử Anh Quốc.[5] Còn người thứ ba lại chính là Adolf Hitler (18891945), lãnh tụ của Phát-xít Đức, kẻ đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người dân vô tội.

Vậy trở lại với câu hỏi thứ hai, có phải anh chị em đã chọn người thứ ba là Adolf Hitler? Còn nếu trở lại câu hỏi thứ nhất về chuyện người phụ nữ mang thai, có phải anh chị em đã tư vấn “phá thai” chăng? Nếu đúng là vậy, thì xin hãy biết rằng, người con thứ tám của người phụ nữ ấy chính là Beethoven, một thiên tài âm nhạc của thế giới.

Để kết: Câu hỏi giúp thảo luận

1/ Là quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ, khi phải tham gia ý kiến vào những quyết định mục vụ, bạn chọn tiêu chí nào để thực hiện: làm mọi việc sao cho đúng cách hay cố gắng làm những việc đúng trước, hay cả hai?

2/ Hình thức và nội dung, cái nào quan trọng hơn, tại sao? Làm thế nào để nhận định đúng các giá trị đích thực về con người, về công việc phục vụ? Tại sao phải “… lên Giê-ru-sa-lem…”?

20-02-2019

GTHH

 

Phần IV – PHẦN HUẤN GIÁO

GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH CHO THẾ GIỚI

GIÁO DÂN TRONG VƯỜN NHO CỦA CHÚA

 

“Nước Trời giống như chuyện gia của kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ làm trong vườn nho của mình” (Mt 20:1)

 

Phần bốn của loạt bài tín lý này nhằm xác định rõ vai trò chuyên của Giáo Dân trong vườn nho của Đức Ki-tô, tức là Hội Thánh. Trước khi triển khai các khía cạnh khác nhau của công tác rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh trong thế giới, tưởng cũng nên trước hết khẳng định, qua bài 10 này, rằng: ‘làm trong vườn nho’ là sứ vụ dành cho mọi thành phần tín hữu, cách riêng các Ki-tô hữu giáo dân như một tác vụ chuyên của họ.

1/ Vườn nho Đức Ki-tô là sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới

Vì phận vụ chính của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng của Đức Ki-tô nhập thể và cứu chuộc cho toàn thế giới (chứ không chỉ nhằm thánh hóa các phần tử mình, như trong một tổ chức đóng kín), nên việc lên đường đem Tin Mừng vào thế giới là một sứ vụ mà mọi phần tử của Hội Thánh đều cần và phải chu toàn. Do đó Tông Huấn ‘Người Ki-tô Hữu Giáo Dân’ đã xác định rất rõ: đã là Ki-tô hữu, mọi người chúng ta đều có vai trò tích cực trong vườn nho này: “Mọi người và mỗi người chúng ta đều làm việc cho vườn nho duy nhất của Thiên Chúa, vườn nho chung cho mọi người, với những đoàn sủng và những tác vụ khác nhau bổ túc lẫn nhau” (số 55-56). Dù thuộc thành phần nào trong Hội Thánh, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả mọi người chúng ta đều được kêu gọi vào làm việc trong vườn nho của Chúa, tức tham dự vào sứ mệnh rao giảng Tin mừng cứu độ cho thế giới. Tuy nhiên nếu căn cứ vào tác vụ chuyên của từng thành phần dưới góc cạnh rao giảng này, chúng ta có thể thấy nổi bật vai trò hay tác vụ của người Ki-tô hữu giáo dân, vì trong Hội Thánh họ là thành phần sống giữa lòng thế giới, và có nhiều dịp ảnh hưởng trên các thực tại nhân loại hơn cả.

2/ Thi hành công tác trong vườn nho: hp nhất trong đa diện

Nếu trong sức sống nôi bộ, mọi phần tử của Hội Thánh đều phải gắn kết bền chặt với Đức Ki-tô như các cành phải gắn liền với thân nho để có được sức sống mãnh liệt (xem Ga 15:1-8), thì mọi Ki-tô hữu trong mỗi bậc sống đều phải kết hp chặt chẽ với nhau… Nếu mọi người đều bình đẳng về phẩm giá Ki-tô hữu, và sống ơn gọi phổ quát phải nên thánh trong đức ái hoàn hảo của Tin Mừng, thì vẫn có một sự khác biệt nơi nét chân dung độc đáo của mỗi bậc trong tương quan bổ túc với các thành phần khác. Nếu linh mục thừa tác là bảo chứng cho sự hiện diện bí tích của Đức Ki-tô, nếu đời sống tu trì làm chứng cho Nước Trời cánh chung, thì nét đặc trưng của bậc giáo dân là tính trần thế trong lối sống và hiện diện của họ. Họ làm cho thế giới đón nhận các giá trị Tin Mừng, và làm cho các thực tại trần thế tìm ra ý nghĩa đúng đắn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Sự khác biệt trên đây không phá vỡ tính duy nhất của Hội Thánh, vì tất cả đều nhắm phát triển Thân Thể Chúa Ki-tô bằng nhiều cách thế năng động và phong phú. Riêng người giáo dân, khi đáp trả tiếng Chúa kêu gọi trong bậc sống mình, họ đã đóng góp những cánh hoa mới cho vườn nho Hội Thánh thêm khởi sắc. Hãy nói theo kiểu nói của thánh giáo phụ Am-brô-si-ô rằng: người Ki-tô hữu giáo dân khai thác những kho lẫm bao la của thế giới, và làm cho bàn ép nho của Đức Giê-su tràn trề những trái nho mọng chín.

 

3/ Đa diện để rao giảng Tin Mừng trong một thế giới đa diện

 

Thế nhưng thánh Phê-rô lại nhắn nhủ cách riêng các Ki-tô hữu giáo dân rằng: “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mọi người phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4:10). Nói khác đi, ngoài ơn gọi của mỗi bậc sống, mỗi cá nhân Ki-tô hữu giáo dân còn có ơn gọi riêng, tùy theo hoàn cảnh của mình, giữa lòng thế giới bao la và đa diện. Tuy tất cả đều phải trổ sinh hoa trái trong tình yêu, nhưng mỗi người đều có hoàn cảnh sống và môi trường khác nhau trong xã hội, với một không gian và thời gian nhất định, nơi Đức Ki-tô đặt để bạn ở đó để làm lan tỏa các giá trị của Tin Mừng.

Có thể bạn là kỹ sư, công nhân hay nông dân, bạn cũng có thể là thương gia, chủ nhân hay người giúp việc…, thì bạn vẫn có một vị trí riêng biệt và những cơ hội chu toàn sứ vụ làm chứng và rao giảng Tin Mừng Đức Ki-tô cho trần thế; vị trí và cơ hội mà không có linh mục hay tu sĩ, hay bất cứ ai có thể thay thế được. Có vô số hình thức khác nhau để mỗi Ki-tô hữu giáo dân trở nên thợ chuyên trong vườn nho của Chúa; và Chúa mời gọi đích danh từng giáo dân…, và bạn không có quyền từ chối Ngài vì bất cứ lý do gì!

 “Cả các anh nữa, hãy đi vào làm trong vườn nho cho ta!” (Mt 20:7).

Câu hỏi gợi ý:

·         Nếu nhìn vào vườn nho Chúa, hay nhìn vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho thế giới, bạn có tin rằng Ki-tô hữu Giáo dân có một tác vụ chuyên mà một linh mục hay tu sĩ không thể nào có? Bạn có bao giờ nghe nói về ơn gọi giáo dân chưa. 

·         Và sứ vụ này người Ki-tô hữu giáo dân được trực tiếp trao cho trong ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức do chính Đức Ki-tô ban cho qua lời mời gọi rõ ràng ‘hãy vào làm vườn nho cho Ta’. Bạn có xác tín điều đó không?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

 

PHẦN MỤC VỤ

SỐNG ĐẸP TỪNG GIÂY PHÚT TRONG ĐỜI

Lời mở

Sống – chết là hai mặt phải-trái của một sinh vật, của một con người như bạn và tôi. Nhưng có nhiều người dù đang sống, mà không biết sống là gì và sống để làm gì? Họ sống đau khổ, tủi nhục, thấp hèn, sống mà không bằng chết, khiến nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) phải nhắn nhủ: “Sống mà như thế đừng nên sống. Sống tủi làm chi đứng chật trời!”. Thật ra, ai cũng muốn sống hạnh phúc, cao thượng và phát huy những phẩm chất đặc biệt của con người, nhưng làm sao để sống được như thế mới là điều đáng chúng ta quan tâm.

1. Sống là gì?

Dù sự sống đã có mặt trên trái đất này cách đây một tỉ năm, khởi đầu từ những đơn bào, đa bào, đến thực vật, động vật và con người biết suy tư với hộp sọ phát triển có thể tích 1200-2000cm3, nhiều người vẫn chưa hiểu sống là gì[6]. Người ta thường nghĩ theo giả thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882): sự sống ngẫu nhiên mà có chứ không bắt nguồn từ đâu cả, dù khoa học luôn quả quyết có hậu quả thì phải có nguyên nhân!

Tìm trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam (TĐBKVN), bộ từ điển có giá trị nhất hiện nay, chúng ta không tìm được định nghĩa của từ “sống”[7].  Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết[8]. Những lời giải thích này chỉ mô tả một số chức năng chung của các vật thể sống chứ không định nghĩa được sự sống.

Thật ra, sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng vì nó đang ở trong ta, trong muôn loài sống động quanh ta. Nó lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, phi lý và dễ dàng biến mất nếu người ta không tìm về được nguồn của sự sống. Vì thế, sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng[9].

2. Những thái độ sống khác nhau

Chính vì không biết sống là gì nên người ta có những thái độ sống rất khác nhau. Có người thấy sự sống có vẻ như rất mong manh, tạm thời và phi lý. Chỉ cần một cơn gió nóng thổi qua, bông hoa xinh đẹp kia cũng héo tàn. Chỉ cần một hành động như thải nước độc ra đại dương của Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016, hàng triệu tôm cá bị giết chết. Chỉ cần một vài thay đổi trong cơ thể, con người trẻ trung, tài giỏi, xinh đẹp kia cũng biến mất sau một cơn nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Đó là mặt tối của sự sống nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?[10].

Vì không nhận ra được những giá trị tích cực của sự sống, nên người ta hững hờ với nó, chẳng lo cho mình, chẳng giúp cho đời. Họ phung phí những năm tháng sống để thoả mãn các đòi hỏi của bản năng và dục vọng trong những cuộc vui thâu đêm. Họ tàn phá sự sống của mình bằng đủ thứ nghiện ngập và của người bằng những hành động ác đức như tham nhũng, bất công; buôn bán hàng độc hại; nói lời bất hoà, chia rẽ; bạo hành, gây chiến, phá thai…Họ nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy những tội ác xúc phạm đến sự sống của mình. Nhưng thật ra sự sống nào cũng mang tính vĩnh hằng, nên bất cứ hành động nào, dù tốt hay xấu, cũng đều ghi lại những dấu ấn trong sáng hay bẩn thỉu của nó trên bản chất của con người, khiến họ phải tẩy xoá sạch mọi vết bẩn nếu muốn hạnh phúc trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng.

Trái lại, không ít người nhận thức được sự sống lạ lùng, quý báu, thiêng liêng. Dù chỉ là một ngọn cỏ, một con bướm, nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỉ tế bào chuyển động không ngừng trong chúng đã làm kinh ngạc bao nhà bác học. Dù chỉ cần thêm một vài giây phút sống, nhưng người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho người thân được sống, để nghe được lời tha thứ yêu thương, xem được nụ cười mãn nguyện của người thân. Một nụ cười trong sáng kéo dài chỉ 1 giây, nhưng cũng có sức lan toả từ người này sang người khác và tồn tại lâu dài trong suốt dòng lịch sử con người. Một câu nói yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi. Vì thế, ta được mời gọi sống đẹp từng giây phút trong đời!

Sự sống thiêng liêng vì nó được nối kết với giá trị tinh thần mà không máy móc khoa học kỹ thuật nào có thể cân đo đong đếm được. Một nụ hôn đầu đời khiến người ta nhớ mãi về tình yêu. Một dấu bước chân của Neil Amstrong đặt lên mặt trăng ngày 20/7/1969 ghi nhớ mãi sự tiến bộ của loài người trong việc chinh phục không gian. Một nụ cười rạng rỡ ngày cưới làm cho lòng người chứa chan hạnh phúc. Tình yêu, tiến bộ, hạnh phúc là những thứ thuộc về tinh thần, không lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian, nên chúng tồn tại mãi mãi với sự sống. Đó là tính cách thiêng liêng, vĩnh hằng của sự sống mà nhiều khi ta không biết đến hay chẳng quan tâm.

3. Sống là hiệp thông và liên kết

Xét về lĩnh vực sự sống, có thể nói muôn loài muôn vật đều liên kết và hiệp thông với nhau như các thành phần trong một thân thể nhiệm mầu.

Từng giây phút sống là ta nhận được khí Oxy từ những cây xanh toả ra, là ta ăn bát cơm, miếng thịt, cọng rau rút ra từ lòng đất nước. Vật chất cũng như nhiều loài thực vật, động vật trở thành máu xương của ta. Rồi khí carbonic và cặn bã ta thải ra, qua sự chuyển hoá của vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho muôn loài sống động quanh ta. Trong đời sống vài chục năm, ta thở hàng triệu lít Oxy và uống hàng trăm ngàn lít nước. Tất cả đều chuyển hoá và hoà trộn vào muôn vật muôn loài.

Vì thế, chúng ta đều là anh chị em ruột thịt của nhau xét về phương diện khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh tôn giáo tâm linh. Nếu phân tích các gen trong nhiễm sắc thể, ta là con của ông bà này hay ông bà kia để đối xử với nhau theo huyết thống. Nhưng phân tích sâu xa hơn theo khía cạnh sự sống, ta là anh em ruột của mọi người và muôn loài trong vũ trụ này.

Vì thế, ta phải cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì trong thân thể mỗi người đang có những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên chúng ta là anh chị em ruột của nhau về mặt tâm linh. Đó cũng là ý nghĩa cần hiểu khi Giáo hội Công giáo luôn dùng từ anh chị em ruột để nói về những người thân của Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta[11], để chào nhau trong thánh lễ.

Hơn nữa, nếu ta không hiểu sự sống con người là gì, ta cũng không thể nào biết khát vọng sống của mình có thể vươn cao và bay xa đến đâu.

4. Vươn tới sự sống dồi dào và sung mãn

Nhìn vào vạn vật quanh ta, ngoài những vật chất bất động không có sự sống như các chất hoá học, người ta thường phân biệt ba dạng sống: sự sống của loài thực vật, động vật và của con người. Chỉ con người mới tổng hợp được trong mình các dạng sống khác nhau để đưa sự sống vươn xa tới vô biên và phát triển đến vô cùng.

Trong cơ thể con người, tế bào là đơn vị sống nhỏ nhất. Có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào. Chúng được tạo nên từ các phân tử hoá học. Có hơn 20 nguyên tố hoá học hiện diện trong cơ thể, trong đó chỉ 4 nguyên tố Oxy, Carbon, Hydro và Nitơ đã chiếm khoảng 96% khối lượng cơ thể[12]. Nghiên cứu kỹ hơn về sự sống trong cơ thể con người, chúng ta sẽ thấy sự sống con người đã được nâng lên một bậc sống mới, kỳ diệu và phi thường hơn hẳn loài thực vật và động vật. Các con tinh tinh có thể bắt ve bọ cho nhau, có thể học sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng chỉ có con người mới biết suy tư (homo sapiens), ước mơ và hy vọng. Con người có thể ăn uống, hành động, vui chơi như loài động vật, và nhiều người đang sống theo đó nên thấy cuộc sống là phi lý, tạm thời, vô nghĩa. Nhưng khi con người hành động kèm theo suy tư và cảm xúc thì họ không còn là “con” nhưng đã là “người”. Vì thế mà các triết gia Hy Lạp như Plato (427-347TCN), Socrates (470-399 TCN), Aristotle (384-322 TCN) định nghĩa: “Con người là con vật biết suy tư” (Homo est animal rationabile).

Con người chỉ được nâng lên một bậc sống mới nhờ “tinh thần” khi con người biết vượt qua chính mình, vượt qua vật chất, không gian và thời gian để đưa những suy tư và cảm xúc tự nhiên của mình vào một tầng cao mới, một thế giới mới: thế giới của tinh thần với các giá trị phi thường, siêu việt.

5. Sự sống tinh thần

Nhờ khả năng biết suy tư, con người nhận biết có một sự sống mới mà mình có thể tham dự: sự sống tinh thần. Sự sống này bao gồm những giá trị tích cực mà con người có thể cảm nhận được ngay trong đời sống tạm bợ, nhất thời, phi lý của mình: đó là giá trị của tình yêu, tự do, niềm vui, hạnh phúc, hoà bình, cái đúng, cái tốt, cái đẹp… Con người muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, tốt mãi, vui sướng trọn vẹn, hạnh phúc sung mãn, tự do hoàn toàn, hoàn thiện vô biên. Khát vọng này đưa con người vượt ra ngoài vũ trụ vật chất, đang bị lệ thuộc vào thời gian và không gian ba chiều, để bước vào thế giới linh thiêng chỉ dành cho loài có tinh thần. Đó cũng là khát vọng trở thành thần linh, kết hợp với Thiên Chúa mà tôn giáo gọi là “được giải thoát”, “cứu độ”, được “vào thiên đàng”, “vào Niết Bàn”,

Trong suốt dòng lịch sử, con người đã thể hiện khát vọng kéo dài sự sống bằng cách tìm ăn các củ nhân sâm ngàn năm, tạo ra các mỹ phẩm để làm cho mình đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen để kéo dài tuổi thọ… Thất vọng về các giải pháp vật chất, con người tìm đến tôn giáo vì hy vọng tìm ra các giải pháp tinh thần thoả mãn được khát vọng của mình. Quả thật, một số người đã tiếp xúc được với thần linh, đã tham dự vào đời sống tinh thần và chứng minh cho những người khác thực tại của đời sống này. Vì thế, hầu hết 7 tỉ con người đang sống trên trái đất đang theo một tôn giáo nào đó. Đây chỉ là một dấu hiệu nhắc nhở ta quan tâm đến sự sống tinh thần.

Như thế, tôn giáo không phải là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng như người Cộng sản lên án, cũng chẳng phải là thứ thuốc mê làm tha hoá con người như người Hiện sinh Vô thần đã nêu ra. Tôn giáo là một trong những phương tiện đưa con người vào đời sống tinh thần, khi cổ vũ nền văn hoá sự sống, mà chỉ con người mới có thể xây dựng để vũ trụ đạt tới cùng đích của nó trên con đường tiến hoá. Vì thế phải trân trọng tôn giáo vì đó là hình thái cao nhất của nền văn hoá sự sống khi cổ vũ một sự sống tinh thần hoàn hảo và vô biên. Tôn giáo sẽ giúp con người được tự do hoàn toàn và phát triển trọn vẹn khả năng tinh thần của mình. Lúc đó ta mới thật sự là người có thể xác và tinh thần, được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng là Cội Nguồn Sự Sống, với tinh thần luôn mở ra cho siêu việt và  hướng tới vô biên[13].

Lời kết

Trong hơn 7 tỉ người sống trên trái đất, có hơn 2,2 tỉ người hiện nay đang đi theo Đức Giêsu Kitô, đang cố gắng xây dựng nền văn hoá sự sống khi giới thiệu Đức Giêsu là nguồn sống bất diệt. Chính Người đã xác định: “Tôi là Sự sống” (Ga 14,6), “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời” (Ga 11,25-26). Người đã chứng minh điều này bằng nhiều phép lạ cho kẻ chết sống lại (x. Lc 7,11-17; Mc 5,21-43: Ga 11,1-44). Chính Đức Giêsu đã tự nguyện chết và sống lại. Người cũng đã cho những ai tin vào Người quyền năng làm cho người chết sống lại (x. Cv 9,36-41; 20,9-12) để chứng tỏ con người đã thật sự được tham dự vào sự sống tinh thần. Chỉ có Người mới có thể giúp ta sống đẹp từng giây phút trong đời như Người.

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đang sống như thế nào và nhận ra giá trị nào của sự sống?

2. Bạn làm gì để chứng tỏ sự sống của bạn là một sự hiệp thông và liên đới?

3. Bạn nghĩ mình cần phải làm gì nếu bạn muốn sống mãi, trẻ đẹp mãi và phát huy trọn vẹn tài năng tinh thần?

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 


[1] Mới bước vào Năm Mới Kỷ Hợi, chúng ta đã “thừa” biết (bởi trước đó cũng đã biết) rằng, năm tới – nếu Chúa cho nhân loại thêm thời gian “năm tới” – chắc chắn sẽ là Năm Bính Tý.

[2] X. Mt 20,17-19.

[3] A manager tries to do the things right; a leader tries to do the right things; a proper pastor tries to do not only the right things but also the things right. (x. Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership… (Washington, DC: The Catholic University of America, 2005), 95.

[4] Là vị tổng thống duy nhất được bầu hơn hai nhiệm kỳ trong lịch sử Hoa Kỳ, Franklin D. Roosevelt tạo ra một liên minh bền vững giúp tái tổ chức nền chính trị Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Từ trước đến nay, ông luôn được đánh giá là một trong số các vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.

[5] Từng là một người línhnhà báohọa sĩ và chính trị gia, Churchill là Thủ tướng Anh Quốc duy nhất cho đến nay được nhận Giải Nobel Văn Học, người đầu tiên được công nhận là công dân danh dự Hoa Kỳ. Ông cũng được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cao quý khác.

[6] X. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.14-15.

[7] X. Từ điển chỉ có 3 từ “sống ghép”, “sống bám cố định”, “sống lâu năm” (x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển, NXB TĐBKVN, Hà Nội, 2003, tr.798).

[8] X. Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr.1117.

[9] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài Con đường sự sống, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.264-272.

[10] X. Trịnh Công Sơn (1939-2001) sáng tác bài này năm 1965 và ca sĩ Khánh Ly trình bày đầu tiên trong Sơn Ca 7.

[11] X. Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21; Mc 6,3; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30; Ga 7,2.5; Cv 1,14; 1Cr 9,5; Gl 1,19

[12] X. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.24.

[13] X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 130; Uỷ ban Giáo lý Đức tin (HĐGMVN), Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, số 47, 52, 53, 56,57.