27/12/2024

Vẫn thực hiện một bộ sách giáo khoa

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cần có các quy định cho việc chọn sách giáo khoa, sử dụng sách, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, nhóm làm sách.

 

Vẫn thực hiện một bộ sách giáo khoa

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cần có các quy định cho việc chọn sách giáo khoa, sử dụng sách, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, nhóm làm sách.

 
 
 
 
Vẫn thực hiện một bộ sách giáo khoa - Ảnh 1.

GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: N.K.

Nghị quyết số 88 của Quốc hội chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 21-2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trước mắt do điều kiện chưa cho phép, vẫn thống nhất thực hiện một bộ SGK.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới – về vấn đề này. GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ:

Để thay đổi một chủ trương đã có trong nghị quyết của Quốc hội, cần có một văn bản quy phạm pháp luật tương đương. Theo tôi hiểu, nội dung Chủ tịch Quốc hội nêu trong cuộc họp là ý kiến chỉ đạo trong quá trình góp ý dự thảo Luật giáo dục sửa đổi. Dự thảo luật này sẽ phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nếu thống nhất mới thông qua. Điều tôi băn khoăn là: đã là luật, có giá trị sử dụng lâu dài, khó đưa quy định “lộ trình” vào.

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” từng được đặt ra từ Quốc hội khóa XI. Khi bàn thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện chủ trương này sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Cần giải quyết một số vấn đề như: tổ chức, cá nhân nào có quyền chọn SGK; quản lý việc chọn sách, sử dụng sách thế nào để hiệu quả… cũng chưa có giải pháp xử lý thuyết phục. Chính vì những băn khoăn đó chưa giải quyết được nên việc này đã phải gác lại.

Đến Quốc hội khóa XIII, việc này được tiếp tục bàn thảo và đi tới nghị quyết số 88, chủ trương thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Hiện tại, có lẽ do Chính phủ và Bộ GD-ĐT chưa có các giải pháp thuyết phục để giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nhiều bộ sách nên chưa thuyết phục Quốc hội.

* Ông có bình luận gì về quan điểm cho rằng điều kiện hiện nay chưa đủ để thực hiện nhiều bộ SGK?

– Vướng mắc lớn nhất là quan điểm coi SGK như “pháp lệnh” vẫn chưa được cởi bỏ. Việc thực hiện chương trình GDPT với nhiều bộ SGK là xu thế các nước trên thế giới đã làm từ lâu.

Chúng ta vẫn đặt SGK vào vị trí rất quan trọng, kéo theo việc biên soạn, chọn sách, dùng sách trở nên là vấn đề lớn.

Nếu quan niệm nhẹ nhàng hơn về vai trò của SGK trong GDPT thì sẽ giảm các vấn đề rắc rối. Nói thế không có nghĩa là SGK có thể làm ẩu, kém chất lượng. SGK vẫn phải được thẩm định cẩn thận, nhưng chỉ nên coi SGK là một trong nhiều tài liệu sử dụng trong dạy học thôi.

Chương trình GDPT mới sắp thực hiện được thiết kế theo hướng mở, cho phép các trường và giáo viên chủ động lựa chọn tài liệu giảng dạy khác nhau. Đó là một điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều bộ sách.

Điều băn khoăn nhất là cần có các quy định cho việc chọn sách, sử dụng sách, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, nhóm làm sách, ảnh hưởng đến việc dạy học, quyền lợi học sinh.

Vẫn thực hiện một bộ sách giáo khoa - Ảnh 2.

Sách giáo khoa được bày bán tại một nhà sách ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

* Nếu thời điểm này thay đổi quy định chỉ thực hiện một chương trình, một bộ SGK, theo ông có thể sẽ có những bất cập gì?

 

– Tôi hiểu ý của Chủ tịch Quốc hội là cần đưa ra một lộ trình để khi đủ điều kiện sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, còn trước mắt sẽ chỉ thực hiện một bộ. Nhưng từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình tổng thể (12-4-2017) và các chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (19-1-2018), nhiều tổ chức, nhóm tác giả đã bắt tay vào soạn SGK; nhiều bộ sách đang hoàn thiện.

Nếu bây giờ các tổ chức, các nhóm tác giả này không được phép tham gia việc biên soạn, xuất bản, phát hành sách thì công sức, kinh phí tổn thất rất lớn. Về sau, các tổ chức, cá nhân có ý định biên soạn sẽ ngần ngại, không mặn mà công việc này vì cảm thấy bất an khi chủ trương chỉ đạo không thống nhất, ổn định.

Còn về bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì, nếu vẫn chưa có phương án triển khai thì sẽ chậm. Nhất là khi quay lại chủ trương chỉ thực hiện một bộ sách như hiện nay.

* Theo ông, để thực hiện nhiều bộ sách, phải có giải pháp gì nhằm khắc phục những bất cập đang được dự đoán sẽ xảy ra?

– Như tôi nói trên, từ nhà quản lý đến xã hội cần thay đổi quan niệm về sử dụng SGK. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, phải có các quy định về thẩm định SGK, về việc chọn sách, trong đó xác định rõ tổ chức, cá nhân nào có quyền chọn sách.

Theo tôi, không nên giao cho một cá nhân, nhất là lãnh đạo các cấp quản lý giáo dục, mà nên giao cho tập thể giáo viên từng bộ môn ở trường phổ thông chọn vì họ là người có chuyên môn, chọn sẽ chính xác hơn.

Khi một tập thể bình chọn, nếu ai đó định dùng “hoa hồng” lót tay cũng khó thực hiện ý định. Các cấp quản lý, các trường cần tiến tới giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ bộ môn lựa chọn các SGK khác nhau để thiết kế bài dạy, thậm chí sử dụng tài liệu của giáo viên đã được thẩm định để giảng dạy.

Cần thống nhất chỉ đạo các cấp giáo dục triển khai, quản lý, đánh giá dạy học căn cứ vào chương trình, không căn cứ vào SGK. Bộ GD-ĐT cũng cần có những giải pháp hạn chế, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân làm sách; xử lý nghiêm cá nhân có hành vi tiêu cực tác động đến việc lựa chọn sách của các trường.

Bộ GD-ĐT cần lường trước và có quy định hướng dẫn giải quyết những phát sinh như học sinh chuyển trường, chuyển nơi học từ tỉnh này sang tỉnh kia… Như vậy sẽ khắc phục được khó khăn khi mỗi nơi dùng một bộ SGK.

Điều sau cùng tôi muốn nói là cần có sự giải thích rõ ràng hơn một nội dung trong nghị quyết số 88 của Quốc hội là những tổ chức như thế nào được tham gia biên soạn SGK. Nếu không kín kẽ, có thể các sở GD-ĐT đều tổ chức biên soạn sách riêng; các nhà trường, giáo viên, học sinh trong một tỉnh sẽ không dám chọn sách khác ngoài sách của sở đó.

Chủ trương của nghị quyết số 88 cho phép các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Ngay sau đó, một số tổ chức, nhóm tác giả đã chuẩn bị cho việc viết sách và khi chương trình được phê duyệt, đã có những bản thảo đầu tiên của các bộ SGK hoàn thiện.

Trong cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ GD-ĐT ngày 21-2, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về việc nhiều bộ sách sẽ khó đảm bảo chất lượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chủ trương, quan điểm của Trung ương và Quốc hội là phải có lộ trình thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Trước mắt, điều kiện chưa cho phép, vẫn thống nhất thực hiện một bộ sách, đến khi nào đảm bảo các điều kiện cần thiết sẽ thực hiện chủ trương trên.

 

VĨNH HÀ thực hiện