Biến chứng của sởi nguy hiểm, không nên xem thường
Mới đây, bệnh nhân nữ 28 tuổi (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi.
Biến chứng của sởi nguy hiểm, không nên xem thường
Mới đây, bệnh nhân nữ 28 tuổi (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi.
Cha mẹ trì hoãn tiêm chủng khiến trẻ có nguy cơ lây bệnh và làm lây lan bệnh cho các trẻ khác. Nên đưa trẻ đi tiêm đủ hai mũi văcxin thời điểm 9 và 18 tháng tuổi. Những người lớn chưa mắc bệnh mà chưa tiêm ngừa thì nên tiêm ngừa để phòng bệnh cho mình và người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Bà Dương Thị Hồng (phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)
Bác sĩ Đỗ Duy Cường – trưởng khoa truyền nhiễm – cho hay tình trạng này là chứng viêm não do sởi. Đây là trường hợp đầu tiên bị viêm màng não do sởi ở người lớn được ghi nhận trong mùa dịch năm nay.
Từ cuối năm 2018 tới tháng 2-2019, khoa truyền nhiễm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sởi là người lớn, nhiều trường hợp diễn biến nặng trên cơ địa phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính.
Có nguy cơ dịch lớn như 2014?
Riêng trong ba tuần đầu tháng 1-2019, các địa phương thông báo có trên 2.400 người nghi mắc bệnh sởi – rubella được ghi nhận, tương đương 1/3 số mắc của cả năm 2018. Đáng chú ý, số mắc năm 2018 đã gấp hơn 8 lần so với năm 2017.
Trong khi đó, một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines đã thông báo dịch sởi đang bùng phát trên diện rộng tại thủ đô Manila, với số ca mắc bệnh vượt hơn 8.000 và 136 ca tử vong.
Năm 2014, VN đã có trên 140 ca tử vong do sởi. Đây là căn bệnh lành tính, nhưng cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đầy đủ. Những biến chứng đó là gì và phòng bệnh như thế nào để tránh nguy cơ dịch lớn như năm 2014?
Những biến chứng thường gặp
Bác sĩ Dư Tuấn Quy (khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho hay sởi là bệnh truyền nhiễm do virút gây ra và lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp. Dù bệnh lành tính nhưng nếu không tiêm văcxin sởi đầy đủ, không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, viêm ruột, viêm não – màng não… Để nhận biết sớm bệnh sởi, tránh những biến chứng nêu trên, bác sĩ Quy cho hay cần chú ý đến những triệu chứng đầu tiên của bệnh như sốt cao liên tục, khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, lơ mơ, co giật, không ăn uống, tiêu chảy, đặc biệt phát ban trên da…
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 – 18 tháng tuổi tiêm đủ 2 mũi văcxin sởi tại các trạm y tế xã, phường.
Khi phát hiện dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị phòng các biến chứng của bệnh sởi.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Quy, hướng dẫn là thế nhưng trên thực tế rất nhiều phụ huynh chủ quan, lơ là trong việc đưa trẻ đi tiêm văcxin sởi bởi những luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng…
Ngoài ra, đến nay vẫn còn nhiều quan điểm sai lầm trong việc chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi tại nhà như kiêng khem ăn uống, gió, nước…
“Người bệnh không nên kiêng khem trong chế độ ăn uống, thay vào đó cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung vitamin A. Đồng thời, cần cách ly người mắc bệnh, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người” – bác sĩ Quy nói.
Dễ mắc bệnh nếu trì hoãn tiêm văcxin
Theo thống kê từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong số trên 2.400 ca nghi sởi – rubella trong những tuần đầu tiên của năm 2019, tại 34 tỉnh thành có trên 700 bệnh nhân sởi dương tính. So với cùng kỳ 2018, số mắc sởi và số tỉnh thành ghi nhận bệnh nhân sởi đều tăng.
Trong số bệnh nhân mắc sởi, có trên 36% từ 1-4 tuổi, các nhóm khác có tỉ lệ dưới 10%. Trong số ca mắc, có 88% chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, có 9% mới tiêm một mũi văcxin, số đã tiêm đủ hai mũi văcxin chiếm xấp xỉ 3%. Có nhiều lý do dẫn đến việc chưa tiêm chủng chiếm tỉ lệ rất cao kể trên.
Theo bà Dương Thị Hồng – phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhiều trẻ không tiêm mũi văcxin sởi khi 9 tháng tuổi, trì hoãn đến khi 12 tháng tuổi để tiêm mũi văcxin dịch vụ ngừa sởi – quai bị – rubella.
Tình huống thứ hai là gia đình đợi đến khi trẻ 4-6 tuổi mới tiêm mũi văcxin này mà bỏ qua mũi sởi – rubella trong chương trình khi trẻ 18 tháng tuổi.
Hiện phần lớn những người sinh trước 1985, tức là trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng đã từng mắc sởi và có miễn dịch bền vững, không mắc bệnh lại. Tuy nhiên vẫn còn một nhóm nhỏ trong số này chưa mắc bệnh và có nguy cơ lây bệnh.
Với lứa tuổi sinh sau 1985, một tỉ lệ lớn đã từng tiêm một mũi văcxin nhưng phần còn lại chưa tiêm và cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Vụ dịch sởi 2008-2010 đã có nhiều người lớn mắc bệnh, năm nay cũng đã ghi nhận nhiều người lớn nhập viện do sởi, đã có ca biến chứng viêm não – viêm màng não ở người lớn mắc sởi.
Biến chứng viêm phổi nặng
Theo thông tin từ khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 20-2 khoa điều trị 18 ca sởi, trong đó có 2 ca viêm phổi nặng phải thở oxy.