22/01/2025

Người ta không chịu tiêm văcxin do… mạng xã hội?

Những tiếng nói chống lại văcxin đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp dịch sởi đang bùng phát trên toàn cầu. Hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân và không dễ thay đổi một sớm một chiều.

 

Người ta không chịu tiêm văcxin do… mạng xã hội?

Những tiếng nói chống lại văcxin đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp dịch sởi đang bùng phát trên toàn cầu. Hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân và không dễ thay đổi một sớm một chiều.


Người ta không chịu tiêm văcxin do... mạng xã hội? - Ảnh 1.

Văcxin đã giúp nhân loại ngừa được nhiều căn bệnh, nhưng niềm tin vào nó bị lung lay ở nhiều thời điểm vì nhiều lý do khác nhau – Ảnh: SCIENCE

Hơn một thế kỷ trước, những người phản đối văcxin dùng cách rất hình tượng để bày tỏ quan điểm: họ đi diễu hành dưới phố, mang theo những chiếc quan tài nhỏ của trẻ em khắc dòng chữ “Một nạn nhân khác của văcxin”.

Đó là một ngày nắng đẹp tháng 3-1885. Luật bắt buộc chủng ngừa bệnh đậu mùa ở Anh khiến dân chúng nổi giận, khoảng 100.000 người ở thành phố miền trung Leicester đã tràn xuống đường để biểu tình phản đối.

Nhiều lý do tẩy chay văcxin

“Tua” nhanh đến năm 2019.  Phong trào chống văcxin ngày nay đã lan ra khắp thế giới với muôn hình vạn trạng cách biểu đạt.

Có người lo ngại về tính an toàn, người thì xuất phát từ đức tin tôn giáo hay quan điểm chính trị, người thì ngả theo các trường phái chữa bệnh “thuận tự nhiên”, và không ít người bị thông tin sai lệch làm lung lay.

Trong gần 150 năm qua, có một thứ không thay đổi: sự phản kháng không đơn thuần là chống lại văcxin, cái người ta chống là tiêm chủng bắt buộc – một kiểu vi phạm quyền cá nhân theo cách diễn đạt của chủ nghĩa tự do.

Các chuyên gia nhận xét chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở châu Âu và Mỹ là một phần của làn sóng chống văcxin mới. Nói cách khác, người dân tẩy chay văcxin vì họ không còn tin vào những gì chính phủ nói.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phong trào chống văcxin là một trong những mối nguy lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019, đe dọa đảo ngược những tiến bộ loài người đã đạt được trong việc xóa các căn bệnh phòng được bằng văcxin như sởi, đậu mùa, quai bị, rubella…

Hiện tại, văcxin đang cứu 2-3 triệu sinh mạng mỗi năm, và thêm 1,5 triệu cái chết khác có thể được ngăn chặn nếu công tác chủng ngừa toàn cầu được cải thiện hơn, theo WHO.

Người ta không chịu tiêm văcxin do... mạng xã hội? - Ảnh 2.

Các bậc cha mẹ không muốn tiêm ngừa cho con vì nhiều lý do khác nhau – Ảnh: NPR

Nước Mỹ cũng không tin văcxin

Các chuyên gia tin rằng phong trào chống văcxin hiện đại được “thổi lửa” bởi một nghiên cứu năm 1998 đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet. Theo đó, bác sĩ – nhà nghiên cứu người Anh Andrew Wakefield cho rằng có mối liên hệ giữa văcxin 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) và hội chứng tự kỷ ở trẻ em.

Kết luận đó, tuy vậy, đã được chứng minh là sai lầm, và tạp chí Lancet đính chính lại… 12 năm sau đó! 

Nhưng dường như đã muộn vì khoảng thời gian “điều chỉnh” quá dài. Kết luận nghiên cứu đăng tải trên tờ tạp chí uy tín đã tác động mạnh đến nhiều cộng đồng vốn sẵn tâm lý e ngại văcxin ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

Tại Mỹ, dẫn đầu chống văcxin là các ngôi sao công chúng như diễn viên Jim Carrey và Jenny McCarthy. Hai người tin rằng văcxin đã góp phần khiến con trai của McCarthy mắc bệnh tự kỷ.

Năm 2012, ông Donald Trump – khi đó còn là một ngôi sao truyền hình thực tế – viết trên Twitter: “Tiêm chủng ở trẻ em là nguyên nhân gây gia tăng bệnh tự kỷ…”; “Tỉ lệ bệnh tự kỷ đã vượt khỏi nóc nhà, tại sao chính quyền Obama không làm gì hết…”.

Từ khi dọn vào Nhà Trắng, ông Trump không nhắc gì đến văcxin. Nhưng mới tuần rồi, bà Darla Shine – phu nhân của giám đốc truyền thông Nhà Trắng Bill Shine – đăng đàn trên Twitter chống văcxin trong bối cảnh bệnh sởi đang lây lan ở bang Washington, chủ yếu ảnh hưởng những đứa trẻ chưa tiêm chủng.

Từ đầu năm đến nay, hơn 100 ca sởi đã được chẩn đoán tại 10 bang của Mỹ, theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Người ta không chịu tiêm văcxin do... mạng xã hội? - Ảnh 3.

Bệnh sởi đang lây lan ở Mỹ chủ yếu ảnh hưởng những đứa trẻ chưa tiêm chủng – Ảnh: NPR

Hệ quả không lường trước

Tỉ lệ trẻ em không được tiêm chủng có sự gia tăng trên toàn cầu dựa trên dữ liệu bùng phát bệnh sởi trong năm vừa qua. Theo đó, thống kê số ca sởi gửi về WHO từ 183 quốc gia thời điểm giữa tháng 1-2019 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2018.

Khả năng khó tiếp cận văcxin ở các nước đang phát triển, khu vực có chiến tranh là dễ hiểu, nhưng vấn đề này ở các nước phát triển có liên quan đến hiện tượng thông tin sai lệch về văcxin lan rộng, theo các chuyên gia.

Theo tiến sĩ Katrina Kretsinger – Chương trình tiêm chủng của WHO – số ca bệnh sởi giảm đều đặn trên toàn cầu cho đến năm 2016, nhưng từ năm 2017 nó lại tăng vọt, được ghi nhận cả ở các nước giàu từng có tỉ lệ tiêm ngừa cao trong quá khứ.

“Chúng ta đang chứng kiến các đợt bùng phát kéo dài, quy mô lớn và không ngừng tăng. Đây không còn là một vấn đề đơn lẻ” – bà Kretsinger phát biểu trong một hội nghị mới đây.

Có nhiều lý do để các bậc cha mẹ quyết định không tiêm ngừa cho con, nhưng “thủ phạm” khiến phong trào chống văcxin lan rộng một cách nhanh chóng như hiện nay chính là mạng xã hội.

Facebook, YouTube, Google… mắc nợ dư luận nhiều câu trả lời khi để các nền tảng của họ thành nơi phát tán tin giả. Facebook tuần trước đã cân nhắc xoá các nội dung chống văcxin, nhưng có lẽ chuyện chưa dừng lại một cách đơn giản như vậy.

 

PHÚC LONG