15/11/2024

Nắng nóng, đề phòng tia UV và bụi mịn

Nam Bộ đã vào mùa khô, nắng nóng xuất hiện liên tục những ngày qua cùng với đó là bức xạ tia cực tím (UV) và bụi có khả năng ảnh hưởng sức khoẻ.

 

Nắng nóng, đề phòng tia UV và bụi mịn

Nam Bộ đã vào mùa khô, nắng nóng xuất hiện liên tục những ngày qua cùng với đó là bức xạ tia cực tím (UV) và bụi có khả năng ảnh hưởng sức khoẻ.
 
 
 

Nắng nóng, đề phòng tia UV và bụi mịn - Ảnh 1.

Người đi đường dừng chờ đèn đỏ ngay vệt mát của bóng cây để tránh nắng tại đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: TUYẾT KIỀU

Ngày 18-2, ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết tình hình nắng nóng tại Nam Bộ có giảm chút ít và thu hẹp so với ngày trước đó.

Nhiệt độ cao nhất đo được tại Nam Bộ trong ngày 18-2 ở Đồng Phú (Bình Phước) ở mức 35 độ C, hầu hết những nơi khác đều dưới 35 độ C (trước đó nhiệt độ tại nhiều nơi đạt 36 độ C). Riêng tại TP.HCM, nhiệt độ ghi nhận trên 33 độ C.

Tuy nhiên đây là nhiệt độ trong lều khí tượng, nhiệt độ thực tế tại các đô thị có thể cao hơn 3-4 độ C. Nguyên nhân do tình trạng bêtông hấp thu nhiệt cùng với hoạt động giao thông tỏa nhiệt trở lại môi trường…

Cũng theo ông Quyết, bức xạ tia UV trong ngày 18-2 cũng giảm một nấc so với trước, đạt 9/12.

Tuy nhiên, đây cũng là mức gây nguy hại rất cao, nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có tia UV ở mức 7 trở lên có thể gây bỏng da, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, thậm chí là tác nhân thúc đẩy bệnh ung thư da nhanh hơn…

Các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình trước tia UV bằng cách thoa kem chống nắng cho da, đeo kính chống tia cực tím, kính râm, đội mũ rộng vành, khoác áo dài tay khi đi dưới nắng nóng.

 

Theo bà Lê Thị Xuân Lan – chuyên gia dự báo thời tiết, Nam Bộ đã vào mùa khô nên những ngày tới thời tiết nắng nóng là chủ yếu, ít mưa. Đỉnh điểm của nắng nóng theo bà Lan từ giữa tháng 3 trở đi, nhiệt độ nhiều nơi có thể đạt 36-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Bà Lan lưu ý mùa khô ở Nam Bộ là thời điểm chất lượng không khí ở các đô thị như TP.HCM bị ô nhiễm hơn, đặc biệt là các hạt bụi mịn từ hoạt động giao thông… phát tán trong không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo dõi chất lượng không khí qua ứng dụng di động

Hiện nay có nhiều phần mềm ứng dụng theo dõi tình hình thời tiết, trong đó có kiểm tra tia UV cũng như chất lượng không khí trên smartphone.

Cụ thể tại VN, nhiều người đang dùng ứng dụng AirVisual (sử dụng cho cả hệ điều hành iOS và Android). Ứng dụng này cho phép người dùng biết được chất lượng không khí ở khu vực đang sinh sống để có những biện pháp bảo vệ sức khỏe khi ra đường.

AirVisual cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cũng như dự đoán và đưa ra cảnh báo về mức độ ô nhiễm lẫn thời tiết tại các khu vực, thành phố mà người dùng quan tâm.

Thông tin quan trọng nhất trong ứng dụng này là chỉ số chất lượng không khí AQI (theo tiêu chuẩn của Mỹ).

Chẳng hạn, chỉ số dưới 50 là không khí trong lành, tốt. Từ 51-100 là không khí bình thường.

Từ 101-150 là hơi ô nhiễm, không tốt cho sức khỏe đối với những người mẫn cảm. Từ 151-200 là ô nhiễm ở mức trung bình, không tốt cho sức khoẻ.

Từ 201-300 là ô nhiễm nặng, rất không tốt cho sức khoẻ. Từ 300 trở lên là cực kỳ ô nhiễm, người dân được khuyến cáo hạn chế ra vào khu vực.

Ngoài ra, ứng dụng nói trên cũng cung cấp thông tin chỉ số PM2.5 (Particulate Matter) là chỉ số dùng để chỉ các chất dạng hạt, trong đó PM2.5 là chỉ số về kích thước cũng như mật độ những hạt trôi nổi trong không khí.

Bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 µm đặc biệt nguy hiểm vì có thể xâm nhập trực tiếp vào phổi con người.

Theo hệ thống đo lường chất lượng không khí AirVisual, Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm nhất VN.

Đặc biệt, Hà Nội thường xuyên nằm trong danh sách tốp 10 thành phố có chất lượng không khí tệ nhất thế giới.

 

QUANG KHẢI – ĐỨC THIỆN